(ĐSPL) - Trong khi phần lớn người Việt đều mong muốn được "mồ yên mả đẹp" khi kết thúc cuộc đời thì vợ chồng ông Trần Đức (SN 1937) và bà Nguyễn Thị Khôi (SN 1961) ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) lại gây sốc cho bà con lối xóm với tâm nguyện hiến xác cho y học. Khi nghe chuyện của đôi vợ chồng nghèo, người dân quê nghèo ai cũng ngạc nhiên và cho đó là việc làm gàn dở, không bình thường. Tuy nhiên, với tâm niệm cái chết của mình sẽ không vô ích, ông Đức và bà Khôi thấy rất tự hào khi được phục vụ cho ngành y học nước nhà.
Mối lương duyên của số phận
Những ngày gần đây, người dân xứ Nghệ không ngớt xôn xao, bàn tán về câu chuyện hai vợ chồng cựu binh nghèo vượt qua những mặc cảm, quyết định viết đơn xin hiến xác, phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy cho trường đại học Y khoa Vinh (Nghệ An). Vừa đặt chân đến đầu xã, một người phụ nữ bán hàng tạp hóa nhanh nhảu: "Các chú trong thành phố ra tìm hiểu chuyện vợ chồng bà Khôi phải không? Ban đầu chúng tôi ai cũng cho đó là việc làm không bình thường nhưng nay mọi người cũng đã hiểu và cảm phục tâm nguyện ý nghĩa của họ". Nói đoạn, chị này tự nguyện dẫn chúng tôi theo con đường làng đến nhà của ông Đức, bà Khôi.
Đơn xin hiến xác của vợ chồng bà Khôi. |
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai gian ẩm thấp, tạm bợ vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bà Nguyễn Thị Khôi rót chén nước chè ngon đãi khách và vui vẻ tâm sự về cuộc đời cũng như quyết định táo bạo của vợ chồng mình. "Ban đầu, do mọi người chưa hiểu được hành động hiến xác của tôi nên mới bàn tán cho rằng đó là việc làm gàn dở, khác người. Tôi thấy đó là chuyện rất bình thường và có nhiều người đã làm, thậm chí có cả gia đình cùng nhau viết đơn xin hiến xác cho y học sau khi qua đời. Bây giờ chính tôi cũng mong muốn các con của mình cũng làm như vậy", bà Nguyễn Thị Khôi vui vẻ.
Bà Khôi vui vẻ tâm sự về chuyện hiến xác cho y học. |
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cô bé Khôi đã sớm có ý thức yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm. Ngay sau khi kết thúc chương trình THPT, cô thôn nữ lập tức lên đường nhập ngũ theo sự động viên của người thân và tiếng gọi của Tổ quốc. "Lúc đó cả nước hào hùng đi đánh giặc, gia đình tôi có nhiều người tham gia kháng chiến, nên tôi không thể đứng ngoài cuộc. Tôi cũng muốn được cống hiến cho đất nước", bà Khôi chia sẻ. Sau khi xuất ngũ, với nhiệt huyết tuổi trẻ, Nguyễn Thị Khôi đã tình nguyện viết đơn xin đi làm công nhân trồng rừng ở địa phương.
Đến năm 1987, sau khi được cử đi học về công tác giáo dục, bà Nguyễn Thị Khôi được phân về công tác ở phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành, rồi làm văn thư tại trường cấp 2 xã Nhân Thành. Đây chính là quãng thời gian nhiều sóng gió với người con gái trẻ tuổi. Sau cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng đầu, bà Khôi một mình bươn chải nuôi con. Khi đứa con trai (SN 1992) lên 2 tuổi, vì cuộc sống quá khó khăn nên hai mẹ con dắt nhau về ở cùng cha mẹ đẻ trong ngôi nhà tạm bợ từ đó cho đến nay. Năm 2001, sau một thời gian dài cống hiến cho ngành giáo dục địa phương, vì sức khỏe không đảm bảo nên bà Khôi xin về nghỉ hưu sớm.
Vào năm 2008, khi bà Khôi bị bệnh phải vào bệnh viện điều trị thì tình cờ gặp ông Trần Đức cũng đi điều trị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Ông Đức vốn là bộ đội phục viên với thương tật 61\% sức khỏe vì bị nhiễm chất độc da cam. Với những đóng góp cho đất nước, ông Đức được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ giải phóng, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu nên ông Đức cũng lâm vào hoàn cảnh rất đáng thương. Người cựu binh già bị vợ con ruồng bỏ, một thân một mình nằm điều trị bệnh nan y.
Mặc dù đang đau ốm nhưng nhờ sự đồng cảm với hoàn cảnh của người đồng chí, đồng hương nên bà Nguyễn Thị Khôi đã tình nguyện chăm sóc ông Trần Đức trong suốt thời gian hai người điều trị ở bệnh viện. Như có sự sắp đặt của số phận, hai người cựu binh có tình cảm với nhau lúc nào không biết để rồi hai cảnh đời éo le nguyện về ở cùng nhau, nương tựa, chăm sóc nhau mỗi khi trái gió trở trời.
Thể xác chúng tôi đã thuộc về y học
Hai người cựu binh có cuộc đời nhiều trầm luân đã hết lòng quan tâm chăm sóc nhau. Một gia đình ấm êm hòa thuận ở vùng quê nghèo khi đứa con trai của bà Khôi coi ông Đức như cha đẻ, khiến nhiều người cảm phục. Tuy nhiên, những vết thương chiến tranh, những cơn đau bạo bệnh cứ thay phiên nhau hành hạ ông Đức suốt ngày đêm. Dăm ba hôm, người cựu binh già lại phải đi bệnh viện điều trị, thuốc thang rất tốn kém. Ngoài việc thuốc thang trị bệnh, hai ông bà còn phải lo lắng cho người mẹ già trên 90 tuổi và đứa con trai của bà Khôi với số tiền chế độ và số lương ít ỏi của mình nên khó khăn chồng chất khó khăn.
Tuy nhiên, với tình yêu cuộc sống, tình nghĩa với người đồng đội mà số phận đã sắp đặt, bà Nguyễn Thị Khôi đã chạy vạy, vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho chồng. "Tính đến nay, số tiền điều trị bệnh cho ông ấy đã lên tới hàng trăm triệu đồng rồi các chú ạ. Dần dần rồi người ta cũng không dám cho vợ chồng tôi vay nữa vì khả năng trả nợ ngày một khó. Đợt vừa rồi, tôi cũng đau ốm liên miên nên ông Đức đã về nhà để con gái chăm sóc, còn tôi vẫn phải tất bật với gia đình của mình mong sớm vượt qua được khó khăn lúc này".
"Một hôm khi tôi đang chăm sóc chồng trong bệnh viện thì thấy trên ti vi và nghe đài phát thanh biết được có việc Nhà nước đang kêu gọi hiến xác cho y học để phục vụ nghiên cứu khoa học. Lúc đó tôi thấy ti vi đưa tin có một thanh niên bị tai nạn dẫn đến tử vong và người ta đến xin hiến xác để lấy các bộ phận cứu giúp người khác mà gia đình người chết không cho. Sau khi xem xong chương trình đó, tôi nghĩ mình chết đi là hết, vậy thì sao không hiến xác để cứu giúp những người đang sống thực sự cần. Hơn nữa, sau khi hiến xác thì chính cơ thể mình cũng đang sống. Sau đó, tôi về nói chuyện với chồng và cũng được ông ấy đồng tình ủng hộ", bà Khôi nhớ lại quyết định hiến xác của hai vợ chồng.
Lúc bấy giờ, mọi người ở viện khi nghe bà Khôi trao đổi thì ai nấy đều phản ứng kịch liệt và cho rằng hai ông bà có "vấn đề". Tuy nhiên, bỏ ngoài tai, bà trao đổi với người thân trong gia đình và quyết tâm thực hiện kế hoạch hiến xác bởi đây là tâm nguyện lớn nhất của hai vợ chồng cựu binh nghèo mong được góp một phần nhỏ cho ngành y tỉnh nhà, cũng là tấm lòng tri ân đối với xã hội. Vì vậy, đến tháng 3/2011, ông Đức và bà Khôi đã quyết định viết đơn xin hiến xác gửi cho trường đại học Y khoa Vinh. Trong đơn có đoạn viết: "Vợ chồng chúng tôi hiểu rõ xác người rất quan trọng trong ngành y học. Chúng tôi tự nguyện hiến xác chết của mình cho trường đại học Y khoa Vinh để phục vụ học tập, nghiên cứu của nhà trường. Kể từ ngày 10/3/2011, thể xác của vợ chồng tôi thuộc về trường Y khoa Vinh".
Tôi muốn khi mình qua đời thì giúp được cho người khác "Ban đầu, ngay cả chính con trai của tôi cũng phản đối. Sau đó tôi dần dần giải thích cho con biết, chết không phải là điều gì ghê gớm lắm. Quan trọng là mình sống như thế nào và làm được việc gì cho xã hội. Cuộc đời tôi đã không ít lần vào bệnh viện, thế nên tôi thấy được cuộc sống ý nghĩa như thế nào, bởi có sức khỏe mới làm được tất cả. Vì vậy, tôi muốn khi mình qua đời sẽ giúp đỡ được cho nhiều người hơn. Tuy chết đi nhưng cơ thể của tôi luôn sống, được làm việc có ích, được tiếp tục cống hiến, như vậy là tôi có lợi chứ sao lại vô ích được", bà Khôi cười xòa. |