Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

So sánh sức mạnh hải quân Mỹ-Trung : Ai xứng đáng trở thành "bá chủ" Thái Bình Dương?

(DS&PL) -

Hiện tại, dù sở hữu số lượng tàu chiến lớn hơn, hải quân Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và năng lực tác chiến.

Dù sở hữu số lượng tàu chiến lớn hơn, hải quân Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và năng lực tác chiến. Cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ khiến hai bên chịu tổn thất nặng nề.

Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh trong một cuộc tập trận năm 2010. Ảnh: US Navy.

Nửa tàu chiến cỡ lớn trên thế giới của Mỹ

Cho tới nay, hải quân Mỹ vẫn luôn đứng đầu thế giới về sức mạnh và năng lực khi sở hữu số lượng lớn tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm và nhiều loại tàu chiến khác cùng các đơn vị đặc nhiệm. Có thể nói, hải quân Mỹ là lực lượng tinh nhuệ nhất trong quân đội Mỹ.

Theo thông tin chính thức trên trang web của hải quân Mỹ, tính tới tháng 3/2018, hải quân Mỹ có gần 430.000 quân nhân với 322.809 người trong biên chế và 108.789 người sẵn sàng nhập ngũ.

Sức mạnh lớn nhất của hải quân Mỹ phải kể tới các tàu sân bay. Hiện Mỹ đang có 10 tàu sân bay lớp Nimitz đang hoạt động. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn có 1 tàu sân bay lớp Enterprise đang hoạt động và thêm 3 tàu sân bay lớp Gerald R. Ford đang trong quá trình sản xuất.

Trong đó, các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ hiện đang được triển khai hoạt động trên khắp thế giới với khả năng phản ứng nhanh trước các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu cũng như tham gia các cuộc tập trận chung với những nước đồng minh.

Ngoài lực lượng tàu sân bay, hải quân Mỹ hiện đang biên chế 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga, 62 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, 30 tàu đổ bộ và 18 tàu chiến tấn công ven biển.

Bên cạnh đó, tất cả các tàu ngầm của Mỹ đều sử dụng năng lượng hạt nhân bao gồm các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio với 18 tàu trong biên chế, 36 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles, 3 tàu ngầm tấn công lớp Seawolf và 13 tàu ngầm tấn công lớp Virginia. 

Nói cách khác, hải quân Mỹ đang nắm trong tay hơn một nửa tàu chiến cỡ lớn trên thế giới. Do đó, trong khi hải quân các nước trên thế giới chỉ giới hạn hoạt động tuần tra trong vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia thì hải quân Mỹ lại đi khắp thế giới.

Tính tổng thể, hải quân Mỹ đang có 275 tàu chiến trong biên chế cùng hơn 3.700 chiếc máy bay. Quy mô hạm đội tàu chiến của Mỹ còn lớn hơn cả 13 hạm đội hùng mạnh nhất trên thế giới cộng lại. 

Trung Quốc thay đổi thần tốc cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông hồi đầu năm 2018. Ảnh: AP

Hải quân Trung Quốc được thành lập vào ngày 23/4/1949 ở thành phố Thai Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Vào thời điểm đó, hải quân Trung Quốc chỉ nắm trong tay 9 tàu chiến và 17 chiếc thuyền. Nói cách khác, trong thời kỳ ban đầu, hạm đội của hải quân Trung Quốc chủ yếu chỉ có tàu gỗ và thuyền buồm. 

Tuy nhiên, hiện nay, năng lực của Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc.

Hồi tháng 4/2018, nhân kỷ niệm 69 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, tàu sân bay nội địa đầu tiên do nước này chế tạo xuất phát từ bến cảng tại thành phố Đại Liên nằm bên bờ biển Bột Hải để chạy thử trên biển.

Chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, tập trung vào lực lượng hải quân và tên lửa, đang làm thay đổi cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương khiến Mỹ và các đồng minh ngỡ ngàng.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017, Hải quân Trung Quốc đã tăng số lượng tàu chiến từ 210 lên 320 chiếc, trong đó có 18 chiếc được sản xuất chỉ riêng trong năm 2016, ông Robert Ross, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Boston, nói với CNN. Trong khi đó, hạm đội Mỹ hiện có 272 chiếc tàu đang hoạt động.

Báo cáo của hải quân Mỹ hồi tháng 5/2018 nhận định Trung Quốc sẽ có khoảng 550 tàu chiến và tàu ngầm vào năm 2030, gấp đôi quy mô hải quân Mỹ hiện nay. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu tăng số tàu chiến lên 355 chiếc vào năm 2030, nhưng mục tiêu này rất khó đạt được do tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng liên tục trong nhiều năm.

Còn theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện có 5 tàu ngầm hạt nhân, 53 tàu ngầm tấn công chạy diesel và 4 tàu ngầm trang bị các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 có tầm bắn 7.200 km. Với số lượng tàu chiến hùng hậu như trên, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng phòng thủ hạt nhân trên biển. Trong khi đó, chiếc tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Trung Quốc là Type 096 cũng sẽ sớm hoàn thành và đi vào sử dụng trong vòng 10 năm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục sản xuất các tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Type 054A và tăng lên con số 27 tàu.

Trong những năm gần đây, ngoài hoạt động bảo vệ chủ quyền biển quốc gia, hải quân Trung Quốc còn tham gia các sứ mệnh quốc tế như chống hải tặc cùng Liên Hợp Quốc ở vịnh Aden hay sơ tán công dân về nước khỏi các vùng chiến sự như ở Libya và Yemen.

Hải quân Mỹ - Trung ai mạnh hơn?

Máy bay không quân hải quân Trung Quốc xuất kích. Ảnh TopWar

“Hải quân Mỹ và năng lực của Hải quân Mỹ sẽ vẫn vượt trội so với Hải quân Trung Quốc trong vòng 10 năm tới,”  ông Robert Ross, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Boston nhận định.

Chuyên gia quân sự Kyle Maxey cho rằng quy mô hạm đội Mỹ nhỏ hơn đối thủ, nhưng Washington vẫn chiếm ưu thế về số lượng tàu chiến cỡ lớn. Hải quân Mỹ hiện có 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz, gấp 5 lần số tàu sân bay trong biên chế Trung Quốc.

Không chỉ lớn hơn tàu sân bay Trung Quốc, hàng không mẫu hạm Mỹ còn được trang bị lò phản ứng hạt nhân và lượng lớn chiến đấu cơ hiện đại, bao gồm cả một số tiêm kích tàng hình F-35C đang thử nghiệm. Trong khi đó, tàu sân bay Trung Quốc chỉ mang được số lượng nhỏ tiêm kích J-15.

Việc không được lắp lò phản ứng hạt nhân khiến tầm hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc bị hạn chế đáng kể. Thực tế này cho thấy Mỹ vẫn chiếm ưu thế trước Trung Quốc trên các đại dương, ngay cả khi chưa tính đến uy lực của lực lượng không quân trên hạm.

Hải quân Trung Quốc có tổng cộng 131 khu trục hạm và tàu hộ vệ các loại, vượt trội so với 85 tàu của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chiến hạm hai bên đều bị giới hạn bởi tầm bắn của tên lửa hành trình diệt hạm.

Trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa hai cường quốc, hải quân Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng cảng biển tại các nước đồng minh như Nhật Bản và Philippines để tấn công mục tiêu giá trị cao của hải quân Trung Quốc ở gần đại lục. Ngược lại, hải quân Trung Quốc có thể tập kích các tiền đồn của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, phá hủy hệ thống liên lạc khiến đối thủ khó phát huy đầy đủ sức mạnh.

Hải quân Trung Quốc hiện có 73 tàu ngầm, nhiều hơn một chiếc so với Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn tàu ngầm của Bắc Kinh có độ ồn cao do công nghệ lạc hậu, khiến chúng dễ bị tàu săn ngầm Mỹ phát hiện và tấn công từ xa.

Dù sở hữu số lượng chiến hạm áp đảo hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc khó lòng đạt khả năng độc lập tác chiến và hiệp đồng ngang ngửa đối phương. Để bù đắp yếu kém này, Bắc Kinh đang tận dụng tối đa chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD).

Cựu tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu Ben Hodge hồi tháng 10 nhận định nhiều khả năng chiến tranh Mỹ -Trung sẽ nổ ra trong 15 năm tới. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến này nổ ra, cả hai bên sẽ chịu tổn thất nặng nề về quân sự và kinh tế, cũng như để lại hậu quả thảm khốc bởi cả hai đều có nguồn lực dồi dào, đủ sức tham chiến trong thời gian dài.

"Cả hai nước dường như muốn tìm mọi cách để ngăn xung đột trực diện nổ ra trong tương lai", chuyên gia Kyle Maxey nhấn mạnh.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật