Trung Quốc có thể sử dụng một loạt biện pháp như giảm mạnh lãi suất, thả lỏng sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ, công khai bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ...
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ kéo dài. Ảnh: Chinatimes. |
Tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông ngày 23/10 có bài viết cho rằng, trong một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, không có người thắng hoàn toàn, mỗi bên cuối cùng đều là người thua. Chiến tranh thương mại là một trò chơi "tổng bằng không", gây thiệt hại cho thương mại thế giới, làm chậm tăng trưởng toàn cầu, làm mất đi cơ hội việc làm.
Cuối cùng, bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ thậm chí sẽ nghiêm trọng hơn, cục diện ổn định, hài hòa của chính trường toàn cầu sẽ bị đảo lộn nghiêm trọng. Tuy nhiên, có đầy đủ lý do để Trung Quốc "phấn khởi", chứ không phải rơi vào tuyệt vọng.
Bài viết tự tin cho rằng, Trung Quốc cuối cùng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này, chiến lược Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không thành công, khả năng này rất cao. Điều quan trọng không chỉ là cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ sắp đến, khi đó ông Donald Trump rất có khả năng sẽ bị dính "đòn mạnh", do Bắc Kinh nắm tất cả các con bài kinh tế then chốt.
Tình hình nợ nước ngoài ổn định, lượng sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ hết sức quan trọng và rất nhiều phương án chính sách có thể lựa chọn của Trung Quốc làm cho Bắc Kinh có vai trò ảnh hưởng rất lớn đối với Mỹ. Nếu Trung Quốc đánh đúng con bài thì có thể vượt qua thách thức từ Donald Trump.
Nếu Bắc Kinh muốn cứng rắn, họ có một loạt vũ khí đáng sợ có thể sử dụng, đặc biệt là các biện pháp như giảm mạnh lãi suất, thả lỏng sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ và công khai bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ trên thị trường.
Mỹ có thể tự tin vì tăng trưởng mạnh và việc làm đầy đủ, nhưng Mỹ vẫn tồn tại những mắt khâu yếu về kinh tế. Hai điểm yếu lớn của Mỹ đó là ngân sách khổng lồ và nhập siêu thương mại, điều này ngày càng xấu đi chứ không phải tốt lên, làm cho các phương án chính sách của Mỹ trong tương lai trở nên phức tạp hơn.
Hiện nay, ông Donald Trump đang bỏ qua điều này, nhưng đến một giai đoạn nào đó thị trường sẽ phản ứng mạnh mẽ, điều này sẽ có nghĩa là lợi ích thu được, lãi suất hoán đổi và lãi suất tín dụng kém của trái phiếu Mỹ sẽ chịu áp lực ngày càng lớn, có ảnh hưởng ngày càng gia tăng đến tính ổn định của tài chính thế giới. Rốt cuộc là vấn đề ai lùi bước trước.
Mặc dù Nhà Trắng đang ra sức khẳng định Mỹ đang "giành chiến thắng trong cuộc chiến này", nhưng Washington vẫn sẽ "thua" Bắc Kinh trong cuộc chiến này, bởi vì xuất siêu thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ vẫn đang không ngừng gia tăng, bài báo nhận định.
Mỹ vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Ảnh: Sohu. |
Số liệu mới nhất cho thấy, nhập siêu thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc trong tháng 9/2018 là 34,1 tỷ USD (nhập siêu thương mại đối với tất cả các nước đối tác là 53,2 tỷ USD), hơn nữa không có dấu hiệu chuyển biến tốt. Xu thế lớn vẫn đang tăng lên, nhập siêu thương mại hàng năm của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ trên 400 tỷ USD.
Trung Quốc đã thành công sản xuất được những hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ cần tới, nhưng các nhà sản xuất trong nước lại không thể cạnh tranh được, đây không phải là cái sai của Trung Quốc. Nhu cầu trong nước của Mỹ quá lớn, trong khi đó Trung Quốc là bên cung ứng rất vui với việc đáp ứng nhu cầu này.
Theo tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông, nếu ông Donald Trump muốn thay đổi sự cân bằng này, Tổng thống Mỹ hoặc là phải giảm gánh nặng quá mức của chính sách kinh tế, chấp nhận thực tế tăng trưởng chậm lại, hoặc là buộc các doanh nghiệp Mỹ gia tăng đầu tư, nâng cao năng suất, nâng cao sức cạnh tranh thương mại. Ông Donald Trump một mặt cứng rắn với Trung Quốc, nhưng mặt khác lại xử lý không đúng đắn vấn đề của công nghiệp Mỹ, làm như vậy hoàn toàn không có ý nghĩa.
Điều đáng chú ý là, chính sách thương mại của ông Donald Trump thực ra có lợi cho Trung Quốc, giúp cho Bắc Kinh tập trung sức chú ý vào nhiệm vụ điều chỉnh cơ cấu kinh tế, làm cho cơ cấu kinh tế về lâu dài coi trọng hơn nhu cầu trong nước và giảm lệ thuộc vào xuất khẩu.
Bắc Kinh có thể điều tiết các nguồn lực nhanh hơn, hiệu quả hơn so với Mỹ, trong khi đó sức mạnh thị trường của Mỹ rất có khả năng sẽ tùy tiện và phân tán hơn khi đưa ra phản ứng.
Sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc là một minh chứng tốt nhất. Việc này đã cho thấy Bắc Kinh có thể huy động các nguồn lực cho lợi ích kinh tế lâu dài, dẫn dắt đầu tư vào những mối quan hệ đối tác thương mại có ý nghĩa chiến lược, nâng cao vị thế của Trung Quốc trên toàn cầu và hỗ trợ cho tăng trưởng trong nước.
Trong khi đó, biện pháp giảm thuế cứng nhắc của ông Donald Trump có lẽ đã nâng cao tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, điều này có nghĩa là ngân sách và thâm hụt thương mại của nước này sẽ đối mặt với hậu quả không ngờ.
Đến một lúc nào đó, người nông dân và những khu vực bị ảnh hưởng tiêu cực ở Mỹ cuối cùng sẽ tỉnh táo lại, phát hiện chương trình nghị sự của ông Donald Trump rốt cuộc đem lại kết quả gì - làm cho Mỹ rơi vào phiền toái sâu hơn.
Người trồng đậu tương Mỹ bị ảnh hưởng lớn từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Ảnh: Sohu. |
Các nhà chế tạo và người trồng đậu tương của Mỹ đã cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực ban đầu từ cuộc chiến tranh thương mại, hơn nữa cùng với sự thay đổi của thời gian, ảnh hưởng này sẽ chỉ ngày càng lớn.
Bài viết kết luận cho rằng, trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, việc ông Donald Trump không nên làm nhất chính là để cho thị trường cảm thấy bất an sâu sắc, làm cho uy tín bị tổn hại nghiêm trọng. Hiện là lúc ông Donald Trump phải "sáng suốt" trở lại.
Bên cạnh những nhận định chủ quan của bài viết trên tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông, trên thực tế, hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau về khả năng nước nào giành được chiến thắng hay chịu thiệt hại nhiều hơn trong cuộc chiến tranh thương mại này. Điều này cần phải tiếp tục quan sát.
ĐÔNG PHONG (Theo Nam Hoa buổi sáng)