Trung Quốc khẳng định chiến tranh thương mại hiện ảnh hưởng có hạn, nhưng những tác động đang trở nên rõ nét hơn và sẽ gây phiền toái lớn cho Trung Quốc vào năm 2019.
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ kéo dài. Ảnh: Weiyun001. |
Trung Quốc "tràn đầy lòng tin"
Trong cuộc họp báo ngày 18/10, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, xung đột thương mại do Mỹ gây ra lần này đã gây ảnh hưởng khác nhau lên các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ. Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, về tổng thể, ảnh hưởng có hạn, rủi ro có thể kiểm soát, chủ yếu đã gây ảnh hưởng khác nhau đối với những doanh nghiệp “xuất khẩu”.
Những doanh nghiệp có sản phẩm cạnh tranh mạnh, khả năng thay thế nhỏ thì ảnh hưởng không lớn; những doanh nghiệp sức cạnh tranh sản phẩm mạnh và có khả năng thay thế nhất định thì chủ yếu chịu áp lực tăng chi phí, đơn đặt hàng giảm, cá biệt có doanh nghiệp đối mặt với các rủi ro như chấm dứt hoặc chuyển đổi sản xuất, công nhân thất nghiệp.
Theo phía Trung Quốc, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Trung Quốc “tràn đầy lòng tin” trong việc ứng phó với các thách thức; chính quyền các cấp của Trung Quốc cũng tăng cường áp dụng các biện pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nhân viên của họ ứng phó với những khó khăn tiềm tàng.
Bộ Thương mại Trung Quốc cùng ngày đã tiếp tục nhấn mạnh đến sự phụ thuộc chặt chẽ giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới Trung - Mỹ, mong muốn cùng Mỹ xua tan “đám mây u ám”, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại chặt chẽ hơn, thực hiện cùng có lợi, cùng thắng.
Ngoài ra, Trung Quốc cho rằng, kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng của kinh tế Trung Quốc, chiếm tỷ trọng đáng kể trong xuất khẩu của Trung Quốc. trong 3 quý đầu năm 2018; đáng chú ý, xuất khẩu của các doanh nghiệp tư nhân chiếm 47,9% tỷ trọng tổng xuất khẩu của Trung Quốc.
Xung đột thương mại do Mỹ gây ra đã gây ảnh hưởng khác nhau tới các loại doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có doanh nghiệp tư nhân đang tìm cách đẩy nhanh chuyển đổi, nâng cấp, chẳng hạn chuyển đổi từ “Chế tạo Trung Quốc” sang “Chế tạo thông minh Trung Quốc”. Chính quyền các cấp ở Trung Quốc cũng đang tìm mọi biện pháp để hỗ trợ cho các loại hình doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp tư nhân để ứng phó với các thách thức.
Trung Quốc cho rằng họ luôn giữ lập trường nhất quán trong đàm phán kinh tế thương mại với Mỹ. Nếu Mỹ tỏ thái độ thiện chí, thì đàm phán song phương nên triển khai trên cơ sở bình đẳng, chân thành, tôn trọng lẫn nhau.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: Sina. |
Trong khi đó, báo chí Hồng Kông dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho rằng xung đột thương mại Trung - Mỹ đã gây ảnh hưởng đến thị trường, nhưng ảnh hưởng tâm lý lớn hơn ảnh hưởng thực tế. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị ảnh hưởng rõ rệt, nhưng sự điều chỉnh của thị trường này đã tạo ra cơ hội đầu tư tốt cho sự phát triển lành mạnh, lâu dài của thị trường chứng khoán.
Theo thông tin do ông Lưu Hạc cung cấp, gần đây, một số doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc gặp khó khăn, đã nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhà nước của nước này. Sự hợp tác này đã giúp cho các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc vượt qua được khó khăn hiện tại.
Hơn nữa, ngày 19/10, khi nói về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại do Mỹ phát động đối với xuất nhập khẩu và việc làm của Trung Quốc, người phát ngôn Cục thống kê quốc gia Trung Quốc Mao Thành Dũng cho rằng, hiện nay, việc làm của Trung Quốc ổn định tổng thể, bước tiếp theo, với sự ảnh hưởng của môi trường bên ngoài đối với việc làm cần phải tiếp tục quan sát.
Tờ Bjnews Trung Quốc ngày 19/10 khẳng định, đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Trung Quốc 3 quý đầu năm 2018 tăng trưởng khá nhanh, do thị trường Trung Quốc rất lớn, phát triển tương đối nhanh, nên có sức hút lớn. Ngoài ra, tăng trưởng xuất nhập khẩu 3 quý đầu năm của Trung Quốc không tồi, vì có doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh phương thức và nhịp độ sản xuất, kinh doanh; đồng thời một loạt chính sách ngoại thương cũng đã có tác dụng hỗ trợ nhất định cho các doanh nghiệp.
Cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chủ động thực hiện chiến lược đa dạng hóa đối tác thương mại, tăng cường quan hệ xuất nhập khẩu với các nền kinh tế mới nổi và các nước đối tác “Vành đai, Con đường”.
Tuy nhiên, xu hướng xung đột thương mại Trung - Mỹ thời gian tới là bất định, có thể sẽ gây ảnh hưởng, tạo ra thách thức cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trái với những nhận định lạc quan từ phía Trung Quốc, tờ New York Times Mỹ ngày 19/10 cho rằng, theo tiêu chuẩn quốc tế, tốc độ tăng trưởng 6,5% của Trung Quốc trong 3 quý đầu năm mặc dù thuộc tốc độ nhanh, nhưng đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 trở lại đây.
Mức độ tiêu dùng ở Trung Quốc giảm đi, người tiêu dùng đợi ở nhà không đi chơi, không vào nhà hàng, mức lương dừng lại, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng giảm mạnh.
Chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng đến việc làm của người Trung Quốc. Ảnh: Sina. |
Năm 2018, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trượt 30%, là một trong những thị trường có biểu hiện kém nhất thế giới. Đồng nhân dân tệ yếu đi, các công ty khó vay tiền, thậm chí xảy ra tình trạng nợ nần, vi phạm hợp đồng; nợ xấu ở địa phương rất lớn. Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang trở nên rõ rệt hơn.
Việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ các khoản vay đã ảnh hưởng đến tăng trưởng. Tăng trưởng chi tiêu trên các phương diện như đường cao tốc, đường sắt và hạ tầng công cộng năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Từ đầu năm đến cuối tháng 8/2018, tăng trưởng chi tiêu trong xây dựng cơ sở hạ tầng giảm xuống 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù đến nay phía Trung Quốc khẳng định các biện pháp thuế quan đánh lẫn nhau giữa Trung - Mỹ đang có ảnh hưởng nhỏ tới nền kinh tế 12.000 tỷ USD Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng sẽ thể hiện rõ rệt hơn trong thời gian tới.
Năm 2019, Trung Quốc sẽ gặp phiền toái lớn
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược lâu dài, Mỹ còn rút khỏi Liên minh bưu chính thế giới (UPU), ngăn chặn Trung Quốc được hưởng lợi từ phí dịch vụ bưu chính khi đưa hàng vào Mỹ. Điều này khiến cho phí bưu chính của hàng hóa Trung Quốc vận chuyển tới Mỹ tăng gấp đôi, có ảnh hưởng to lớn đối với hoạt động bán lẻ và bán hàng qua mạng của Trung Quốc.
Hiện nay, Mỹ áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng sang năm 2019 con số này sẽ tăng lên 25%, thậm chí đợt đánh thuế tiếp theo sẽ nhằm vào khối hàng hóa trị giá 267 tỷ USD còn lại, do đó "năm 2019 mới có rắc rối lớn".
Trang tin CRNTT Hồng Kông ngày 19/10 dẫn lời chuyên gia Đài Loan Trữ Dung cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động nhằm vào Trung Quốc sẽ chưa có phiền toái thực sự trong năm nay. Danh sách 50 tỷ USD hoặc 200 tỷ USD hiện nay chưa đánh vào các mặt hàng như điện thoại di động và máy tính xách tay. Vì vậy, năm 2019 mới có phiền toái lớn thực sự, "bởi vì danh sách 267 tỷ USD còn lại chắc chắn sẽ có".
Chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump chỉ rõ Trung Quốc là đối thủ chủ yếu nhất của Mỹ. Ảnh: Xinhuanet. |
Theo Trữ Dung, tranh chấp giữa Trung - Mỹ thực chất xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược lâu dài, sẽ không chỉ tiến hành chiến tranh thương mại, mà còn gia tăng đối đầu ở Biển Đông. Thậm chí Mỹ vừa quyết định rút khỏi UPU, xóa bỏ ưu đãi phí thủ tục bưu chính đối với Trung Quốc (chi phí này có khả năng sẽ tăng gấp đôi), từ đó sẽ tác động rất lớn đến Trung Quốc. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bán lẻ và bán qua mạng của hàng hóa Trung Quốc.
Theo chuyên gia Đài Loan, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ có ảnh hưởng sâu rộng, không phải là một cuộc chiến nhất thời. Hơn nữa, đối đầu Trung - Mỹ đang mở rộng. Việc tàu chiến Trung Quốc chạy cắt ngang qua tàu khu trục Mỹ trên Biển Đông với khoảng cách rất gần trong thời gian qua đã cho thấy điều này.
Mối quan hệ Trung - Mỹ đang xấu đi là một trong những vấn đề gây chú ý nhất cho dư luận quốc tế hiện nay, bởi bất cứ động thái nào nhất là xung đột giữa hai nước lớn này đều có tác động rất lớn đến cục diện quốc tế, buộc các nước phải luôn phải nắm bắt tình hình, tiến hành điều chỉnh chính sách kịp thời để thích ứng.
ĐÔNG PHONG (Theo People, CRNTT, New York Times, Bjnews, Dwnews)