Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh ở Tây Tạng tăng lên 126 người

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Số nạn nhân thương vong trong trận động đất dữ dội xảy ra ở khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) hiện đã tăng lên 314 người.

Theo cập nhật từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ít nhất 126 người đã thiệt mạng và 188 người bị thương trong trận động đất dữ dội xảy ra vào sáng 7/1 tại huyện Dingri thuộc khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc).

Ngoài ra, trận động đất này cũng gây thiệt hại đối với hơn 1.000 ngôi nhà tại huyện Dingri, nơi có độ cao trung bình khoảng 4.572 m so với mực nước biển, nằm dọc biên giới giữa Trung Quốc và Nepal trên dãy Himalaya, theo thông tin trên báo Kinh Tế & Đô Thị.

Hơn 1.500 lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ đã được điều động đến các khu vực bị ảnh hưởng. Ảnh: Reuters

Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) xác định trận động đất có độ lớn 6,8 độ Richter xảy ra ở vị trí 28,5 độ vĩ Bắc và 87,45 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu 10 km. Tâm chấn của động đất nằm cách núi Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, khoảng 80 km về phía Bắc.

Trong khi đó, Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ước tính trận động đất có cường độ lên tới 7,1 độ Richter. Tác động của trận động đất có thể cảm nhận trên khắp vùng Shigatse thuộc khu tự trị Tây Tạng, nơi sinh sống của 800.000 người.

Ngoài ra, các đợt rung chấn cũng làm rung chuyển các tòa nhà ở các nước láng giềng Nepal, Bhutan và Ấn Độ. Bộ Nội vụ Nepal cho biết, tổng cộng 13 người đã bị thương do ảnh hưởng từ động đất được cứu trên khắp cả nước, khoảng 10 ngôi nhà bị hư hại và một ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

“Rung chấn rất mạnh. Nhiều người phải chạy ùa ra khỏi nhà, trong khi các cột điện liên tục rung lắc", ông Bishal Nath Upreti, một thành viên tổ chức phi chính phủ Trung tâm Quản lý thảm họa Nepal, chia sẻ.

Tính đến chiều 7/1, khoảng 150 dư chấn đã được ghi nhận, trong đó có 19 trận động đất nhỏ có cường độ từ 3.0 độ Richter trở lên, theo Trung tâm Mạng lưới Địa chấn Trung Quốc.

Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, ngay sau khi xảy ra trận động đất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra chỉ thị quan trọng, yêu cầu triển khai toàn diện công tác tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thấp nhất thương vong, bố trí chỗ ở hợp lý cho những người bị ảnh hưởng, đảm bảo cho những người bị ảnh hưởng vượt qua một mùa đông an toàn và ấm áp.

Tân Hoa Xã đưa tin, hơn 1.500 lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ đã được điều động đến các khu vực bị ảnh hưởng. Cùng với đó, khoảng 22.000 đơn vị hàng cứu trợ bao gồm lều, áo khoác, chăn và giường gấp cũng đã được gửi tới vùng gặp nạn.

Những nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương nhưng cũng gặp không ít khó khăn do chưa thể vận chuyển được trang thiết bị hạng nặng. Với nhiệt độ trong khu vực giảm xuống tới -15 độ C, các nhân viên cứu hộ chỉ có một khoảng thời gian ngắn để tìm kiếm người sống sót. Hiện tại, chưa rõ có bao nhiêu cư dân ở huyện Dingri rơi vào cảnh mất nhà cửa.

Những nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương. Ảnh: Tân Hoa Xã

Được biết, các khu vực phía Tây Nam của Trung Quốc, Nepal và miền Bắc Ấn Độ thường xuyên xảy ra động đất do sự va chạm của các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu.

Kể từ năm 1950, đã ghi nhận 21 trận động đất có cường độ 6 độ Richter trở lên ở nơi được gọi là khối Lhasa, trong đó trận lớn nhất là trận động đất có cường độ 6,9 độ ở Mainling vào năm 2017, theo CCTV. Mainling nằm ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo của Tây Tạng, nơi Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới.

Trước đó, vào năm 2015, một trận động đất có cường độ 7,8 độ xảy ra gần thủ đô Kathmandu của Nepal, khiến khoảng 9.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Đây được ghi nhận là trận động đất tồi tệ nhất từ trước đến nay ở đất nước này.

Tin nổi bật