Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 24/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo thường kỳ quý 2/2025. Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, quy trình hạn chế phạm vi ảnh hưởng của người nổi tiếng vi phạm đã được Bộ ban hành từ năm ngoái nhưng chưa triển khai thí điểm.
Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ thêm, thời điểm chuẩn bị ban hành quy trình này chưa có trường hợp cụ thể để làm thí điểm. Đến nay, khi có trường hợp có thể làm điểm thì Thanh tra Bộ đã chuyển sang cơ quan mới. Do đó, hiện vẫn chưa rõ đơn vị nào trong Bộ sẽ chủ trì, xử lý quy trình này. Dự kiến, văn bản sẽ được ban hành trong tháng 8.
Về mặt pháp lý, ông Lê Quang Tự Do cho biết quy trình hạn chế nói trên chưa được thể chế thành quy định pháp luật, vì vậy, việc áp dụng cần cân nhắc. Hiện chưa có quy định pháp luật nào cấm người nổi tiếng vi phạm xuất hiện trên báo chí, truyền hình.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ảnh: Tiền Phong
"Chúng tôi kêu gọi trên tinh thần tự nguyện của các báo, đài tạm thời chưa đưa các hình ảnh của họ. Tinh thần tự nguyện thì có quyền làm hoặc không, chúng tôi đang muốn thể chế hóa thành quy định của pháp luật để làm cho chắc tay hơn.
Trong thời gian sớm nhất, Bộ sẽ họp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương để làm thí điểm. Nếu quy trình này nhận được sự ủng hộ lớn của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, chúng tôi tin rằng trong một số trường hợp có thể triển khai được...", báo Dân Trí dẫn lời ông Lê Quang Tự Do.
Cũng tại buổi họp báo, chia sẻ về việc thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ, hoa hậu, người nổi tiếng vướng lùm xùm thậm chí rơi vào vòng lao lý, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nói rằng, quan điểm của lãnh đạo Cục và Bộ là nghệ sĩ, dù nổi tiếng, trước hết phải tuân thủ pháp luật như mọi công dân khác.
“Chúng ta đã có Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Việc xây dựng các quy tắc này cũng xuất phát từ mong muốn của Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm định hướng hành vi ứng xử chuẩn mực của người nổi tiếng, nhất là trên không gian mạng”, ông Trần Hướng Dương nói.
Cũng theo ông Trần Hướng Dương, mọi hành vi vi phạm pháp luật, từ vi phạm giao thông cho đến những hành vi nghiêm trọng hơn, đều cần được xử lý nghiêm túc, đúng quy định pháp luật hiện hành, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đặc biệt là với người hoạt động nghệ thuật.
Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhận định: “Nghệ sĩ có khán giả, có người hâm mộ. Nếu không còn công chúng thì họ cũng không thể gọi là nghệ sĩ. Do đó, một khi đánh mất niềm tin của khán giả thì chính nghệ sĩ cũng đánh mất giá trị và chỗ đứng của mình”.
Bên cạnh đó, ông Trần Hướng Dương chia sẻ, các Bộ quy tắc ứng xử được xây dựng không nhằm thay thế luật pháp, mà là để hướng dẫn, khuyến khích nghệ sĩ hành xử có văn hóa, đúng chuẩn mực, trong phạm vi khuôn khổ pháp luật hiện hành.
“Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, công bằng, không bao che, không đặc cách ai cả”, ông Trần Hướng Dương khẳng định.