Không liệt sĩ nào bị lãng quên
Chiều 25/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai kế hoạch số 356/KH-BCA-C06 về thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác nhận được danh tính trên toàn quốc do Bộ Công an tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025).
Kế hoạch 356 của Bộ Công an được triển khai từ tháng 7/2024, là một chương trình quy mô lớn, mang giá trị nhân văn sâu sắc, hướng đến mục tiêu xác định danh tính cho các liệt sĩ còn thiếu thông tin, những người con đã hóa thân vào đất mẹ, đang yên nghỉ tại hàng nghìn nghĩa trang trên khắp cả nước. Đó là hành trình đưa công nghệ về phụng sự ký ức, là nỗ lực để những dòng dữ liệu vô tri có thể thắp lên hy vọng, kết nối trái tim người sống với hình bóng người đã khuất.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh và thân nhân liệt sĩ trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó khoảng 900.000 hài cốt đã được quy tập về các nghĩa trang.
Đến nay, vẫn còn khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được an táng nhưng chưa xác định được danh tính.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có khoảng 652.000 thương binh, 198.000 bệnh binh, hơn 132.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và khoảng 320.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học...
Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, ông từng gặp một gia đình thân nhân liệt sĩ ở Nghệ An vào tận An Giang để đón hài cốt người thân. "Các anh ra đi bằng xương bằng thịt, mang theo tuổi trẻ, niềm tin, khát vọng tương lai. Giờ đây, người thân chỉ còn biết trông mong tìm lại những phần xương cốt còn sót lại... chỉ mong làm sao được xác nhận chính xác là người thân của mình", Thủ tướng nói.
Thủ tướng bày tỏ trăn trở trước thực tế rằng thời gian đang trôi đi, điều kiện khí hậu, môi trường khắc nghiệt khiến việc tìm kiếm và xác minh danh tính liệt sĩ ngày càng khó khăn hơn. Trong khi đó, thân nhân liệt sĩ, những người mong mỏi được đón phần mộ người thân trở về, ngày một già yếu, thậm chí nhiều người đã không còn.
"Nếu không làm nhanh, sẽ không kịp nữa. Không ai sống mãi để chờ kết quả. Cho nên, chúng ta phải đột phá, hành quân nhanh hơn để chạy đua với thời gian. Đây là cuộc chạy đua vì ký ức, vì đạo lý và vì tương lai", Thủ tướng chỉ đạo.
Cũng theo Thủ tướng, xác định ADN không chỉ là thao tác kỹ thuật sinh học, mà còn là chìa khóa phục hồi ký ức lịch sử cho thân nhân gia đình liệt sĩ, là công cụ để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Việc này thể hiện sự tri ân sâu sắc, là giá trị đạo lý và nhân văn đặc biệt của dân tộc Việt Nam.
"Chúng ta phải đạt được mục tiêu đưa được nhiều liệt sĩ trở về với tên tuổi, với quê hương, gia đình, để không một liệt sĩ nào bị lãng quên, không một gia đình liệt sĩ nào còn phải chờ đợi, mong ngóng trong vô vọng. Góp phần làm vơi đi nỗi đau chiến tranh của dân tộc, của mỗi người dân, mỗi gia đình thân nhân liệt sĩ và của cả đất nước ta", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao giấy thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ cho 15 đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ ở một số địa phương.
Hoàn thành phân tích 11.138 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long yêu cầu các đơn vị phải tăng cường ứng dụng công nghệ số, khai thác tối đa dữ liệu dân cư, kết hợp dữ liệu sinh học, kỹ thuật Gen.
Qua đó, phấn đấu đến năm 2027 cơ bản tạo lập và thu thập đầy đủ thông tin của tất cả liệt sĩ chưa xác định danh tính, thu thập và phân tích mẫu ADN cho thân nhân các liệt sĩ đủ điều kiện để tích hợp vào Ngân hàng Gen.
Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, đây là nhiệm vụ cao cả, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và là sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, ngày 23/7/2024, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Ngày 5/12/2024, C06 tham mưu cho Bộ Công an ban hành Quyết định số 9686/QĐ-C06-TTDLDC phê duyệt hướng dẫn cơ quan, tổ chức xét nghiệm, phân tích, tạo lập dữ liệu phục vụ việc thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan lần đầu tiên triển khai thu thập, số hóa dữ liệu thông tin liệt sĩ với thông tin thân nhân họ ngoại đối với các trường hợp.
Sau đó, căn cứ thông tin hài cốt liệt sĩ được quy tập do Cục Chính sách (Bộ Nội vụ), Bộ Quốc phòng cung cấp, Bộ Công an đã nhanh chóng rà soát, "làm sạch" dữ liệu thông tin liệt sĩ, thông tin thân nhân và tổ chức lấy mẫu ADN thân nhân liệt sĩ. Bộ Công an đã đối sánh dữ liệu hài cốt liệt sĩ và xác định được danh tính của 16 trường hợp ADN hài cốt liệt sĩ. Qua đó hoàn thành hồ sơ công nhận danh tính đối với 16 anh hùng, liệt sĩ.
Để hỗ trợ về kinh phí, Cục C06 đã vận động xã hội hóa để thực hiện giải trình tự GEN đối với những thân nhân liệt sĩ thuộc diện chính sách, tổng số dự kiến tiếp nhận là 17.500 mẫu, tương đương 39,4 tỷ đồng. Kết quả, tính đến ngày 20/7/2025, Cục C06 đã hoàn thành phân tích 11.138 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ, đồng thời cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước hơn 10.000 dữ liệu ADN của thân nhân các liệt sĩ.
Cũng theo Bộ Công an, hiện các phòng xét nghiệm đã phân tích được 5.493 kết quả ADN trong tổng số 17.726 mẫu hài cốt, thân nhân được bàn giao. Còn lại khoảng 12.233 mẫu hài cốt chưa được phân tích, xét nghiệm.