Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế cung cấp tài liệu, văn bản liên quan đến việc thu thuế của 2 doanh nghiệp vận tải Uber và Grab.
Tin tức báo Dân trí đăng tải, để có cơ sở trả lời cơ quan Cảnh sát và báo chí, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính vừa yêu cầu Cục Thuế TPHCM thực hiện thanh tra đối với Công ty TNHH Uber BV Hà Lan tại Việt Nam, Công ty TNHH Grab Việt Nam và các công ty taxi truyền thống.
Văn bản trên do ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ký. Yêu cầu thanh tra của Tổng cục Thuế được đưa ra 1 ngày sau cuộc đối thoại về vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hôm 28/6.
Cục cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an cũng có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế cung cấp tài liệu, văn bản liên quan đến việc thu thuế của 2 doanh nghiệp vận tải Uber và Grab.
Uber, Grab đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khiến taxi truyền thống lao đao. |
Cục Thuế TPHCM phải thu thập dữ liệu thực hiện thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế từ khi thành lập đến nay của Uber và Grab. Cùng đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục thuế TPHCM lựa chọn thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với 2 doanh nghiệp taxi truyền thống trên địa bàn.
Trước đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp taxi truyền thống phải “gánh” rất nhiều loại thuế, phí, trong khi đó xa Uber, Grab lại hưởng thuế chỉ 4-5% doanh thu - mức “chênh lệch” khá xa so với mức thuế mà các doanh nghiệp taxi truyền thống đang phải đóng.
Cụ thể, chỉ tính riêng 30.000 xe taxi ở Hà Nội và TPHCM, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp phải đóng cho Nhà nước 2.000 tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, với 31.000 xe hợp đồng đang hoạt động như taxi, phần lớn tham gia loại hình ứng dụng công nghệ như Uber, Grab thì trung bình mỗi năm ngành thuế chỉ thu được 20 tỷ đồng.
Báo Vnexpress thông tin, năm 2016 Công ty TNHH Grab đạt doanh thu 192 tỷ đồng, báo lỗ 443 tỷ. Với hoạt động kinh doanh lỗ, Grab Việt Nam không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng số thuế của Grab năm 2016 (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài) nộp cho ngân sách nhà nước là 5,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, số thuế của Uber được công bố hồi tháng 3 vừa qua nộp khoảng 40 tỷ đồng. Nếu so sánh với nghĩa vụ thuế của các công ty taxi truyền thống như Vinasun, số thuế 5,8 tỷ đồng của Grab được cho là bằng một phần ba mươi.
Năm 2016, Công ty TNHH Grab cũng không thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân ký hợp đồng hợp tác kinh doanh cùng Grab. Do vậy, số thuế thu nhập cá nhân năm 2016 của Grab nộp bằng không....
Thông tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho hay, với hàng loạt chiến dịch khuyến mại, hỗ trợ khủng cho lái xe, hành khách, công ty TNHH Grab đã thua lỗ 443 tỷ đồng trong năm 2016. Trong khi công ty TNHH Grab có số vốn đăng ký chỉ 20 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress, CEO Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, công ty này tuân thủ việc đóng đầy đủ các loại thuế theo quy định và Tổng cục thuế cũng đã xác nhận.
"Riêng về thuế thu nhập cá nhân của các tài xế, tuỳ trường hợp, có thể tài xế uỷ quyền cho công ty đóng thay, hoặc là tự họ quyết toán thuế", ông nói.
Liên quan đến khoản lỗ 443 tỷ đồng năm 2016, đại diện Grap Việt Nam từ chối bình luận về con số, nhưng vị này chia sẻ thêm, hoạt động kinh doanh của công ty áp dụng nhiều khuyến mại cho khách, đối tác tài xế... nên lỗ cũng là điều dễ hiểu và ông cho rằng không có gì bất thường.
Liên quan tới các con số Hiệp hội taxi Hà Nội đưa ra, đại diện ngành thuế cho biết sẽ tiến hành kiểm tra lại việc tự khai, tự nộp và quản lý xem có thất thu thuế hay không, đồng thời phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để rà soát lại.
Vụ trưởng Vụ Thuế thu nhập cá nhân cũng cho biết, quá nửa số doanh nghiệp taxi truyền thống báo lỗ nên không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
(Tổng hợp)