Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, bước sang năm 2024, nhờ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, thị trường chứng khoán nói chung và nhiều cổ phiếu đã thiết lập mặt bằng mới trong ngắn hạn. Thanh khoản theo đó cũng có cải thiện nhẹ so với giai đoạn cuối năm 2023.
Theo chuyên gia, sau Tết, thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), dòng tiền đang thiếu đi động lực. Thanh khoản trong cả nhịp tăng lẫn điều chỉnh đều suy yếu, cho thấy sự quyết liệt không hoàn toàn xuất hiện ở cả bên mua và bên bán.
“Thị trường hiện tại không còn nhiều thông tin tiêu cực hay những kỳ vọng kém khả quan để nhà đầu tư từ bỏ vị thế nắm giữ cổ phiếu hoặc bán tháo mạnh. Do đó, việc thanh khoản sụt giảm trong giai đoạn này không phải là một tín hiệu hỗ trợ cho một xu hướng tăng điểm, nhưng cũng không có nghĩa là thể hiện tâm lý bi quan của nhà đầu tư và tôi cho rằng, trạng thái giao dịch có thể đang cho thấy xu hướng “nghỉ ngơi” trước thời điểm nghỉ lễ hơn”, chuyên gia của KBSV lý giải.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam.
Trong khi đó, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho hay, thường thì thanh khoản chung sẽ chững lại và có xu hướng giảm trong thời điểm càng cận kề Tết Nguyên đán, nhưng thanh khoản cũng thường tăng mạnh trở lại sau tết. Trên thực tế, thị trường chứng khoán trong nước thường tăng tích cực sau tết trong nhiều năm gần đây.
Một chuyên gia khác cũng cho biết, kinh tế Việt Nam tháng 1/2024 có nhiều điểm ấn tượng, như: Lạm phát tháng 1/2024 chỉ tăng 3,37% theo năm. Chỉ số CPI theo tháng tiếp tục thể hiện xu hướng giảm kể từ tháng 9. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 15,08 tỷ USD, tăng 4,1%. Bán lẻ tăng 5,8% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng) trong tháng 1/2024. Giải ngân đầu tư công tháng 1/2024 ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng tăng 12,5%. Vốn FDI đăng ký mới đạt 2,01 tỷ USD, tăng 66,9%; FDI thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Cũng theo chuyên gia này, thị trường chứng sau Tết Nguyên đán có nhiều điều kiện để mở rộng đà tăng, với 4 nhóm yếu tố hỗ trợ. Đầu tiên là các ngân hàng thương mại vẫn duy trì xu hướng giảm lãi suất huy động mặc dù đây là thời điểm cận tết. Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động từ 0,1% - 0,6%. Hiện tại, mức lãi suất ở nhiều kỳ hạn đã quay trở về mặt bằng thấp hơn cả giai đoạn dịch Covid-19.
Cùng với đó, thanh khoản toàn thị trường tháng 1/2024 đã tăng 51,45% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy kênh chứng khoán đang có sức hút đối với dòng tiền nhàn dỗi. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là nhóm dẫn dắt kể từ đầu năm, một số cổ phiếu đã có mức tăng khá tốt từ 15% - 20%, lịch sử cho thấy sóng cổ phiếu ngân hàng thường đưa thị trường có xu hướng tăng bền vững và kéo dài.
Tuy nhiên, theo thông tin trên báo Dân trí, mặc dù lạc quan với triển vọng thị trường sau Tết nhưng giới đầu tư vẫn được khuyến nghị hạ tỷ lệ đòn bẩy và không vội đua giá khi VN-Index vào vùng cản 1.100 điểm.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau tín hiệu bật tăng từ vùng 1.065 điểm của VN-Index, thị trường tiếp tục tiến lên và áp sát vùng cản 1.100 điểm. Hiện tại, thị trường chưa thể vượt vùng cản này nhưng tạm thời áp lực cung cũng chưa gây sức ép lớn cho thị trường.
Dự kiến thị trường sẽ tranh chấp quanh vùng cản 1.100 điểm của VN-Index và thăm dò cung cầu trong thời gian gần tới. Do vậy, nhà đầu tư nên chậm lại và cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng cản để đánh giá trạng thái của thị trường, nhưng có thể khai thác một số cơ hội ngắn hạn tại các cổ phiếu có nền tích lũy tích cực.
Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.
Vân Anh (T/h)