(ĐSPL) - Nhiều quán cà phê vỉa hè, để tạo những li cà phê "nhiều bọt, thơm nức mũi" họ sẵn sàng sử dụng chất tạo bọt SLS (60.000 đ/20kg) để giữ bọt lâu tan. Đây là chất tẩy rửa, tạo bọt dùng chủ yếu trong công nghệ sản xuất xà phòng, mỹ phẩm...
Cà phê tạo bọt bằng nước rửa bát, nhuộm màu bằng phẩm nhuộm vải
Hiện nay, thói quen thưởng thức cà phê hàng ngày rất phổ biến ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội…. Nhưng vấn nạn cà phê bẩn tạo bọt bằng nước rửa chén đã và đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Ông T.H, một chuyên gia về hóa thực phẩm có thâm niên tại TP HCM từng chia sẻ với bào Thanh Niên: “Nếu anh uống cà phê vài ngàn đồng một ly ở thành phố này thì sẽ không uống được cà phê làm từ hạt cà phê”. Ông T.H dẫn chứng, tất cả những cơ sở rang, xay cà phê "đểu" đều dùng đậu nành hoặc bắp thay hạt cà phê vì giá rẻ.
Đầu tiên, phải kể đến lịch sử cà phê trộn thêm ngô, đậu nành rang cháy. Trước đây cà phê Việt Nam còn hiếm, người tiêu dùng cũng ít nên quán cà phê thường chế thêm ngô, đậu nành vào để rang cùng. Theo thời gian khách hàng quen hương vị nên trở thành bình thường. Đáng lo ngại khi ngô, đậu nành trong nhiệt độ rang cà phê (225 -235oC) bị cháy đen, sẽ biến đổi chất và được xác định là tác nhân gây ung thư. Ngoài ra, không ai dám đảm bảo chất lượng, tỷ lệ chuẩn lượng ngô, đậu nành mà các cơ sở rang, xay cà phê đưa vào trộn với cà phê bán cho người tiêu dùng.
Phần lớn người tiêu dùng không biết rằng một số quán cà phê sử dụng chất tạo bọt SLS (60.000 đ/20kg) pha vào cà phê để giữ bọt lâu tan. Đây là chất tẩy rửa, tạo bọt dùng chủ yếu trong công nghệ sản xuất xà phòng, mỹ phẩm. (Ảnh minh họa). |
Gần đây, giới trẻ Hà Nội rộ lên “mốt” cà phê bọt. Quán nào có cà phê càng nhiều bọt càng ngon, cốc cà phê bọt vun lên có ngọn thì càng hấp dẫn và hút khách. Sở thích này xuất phát từ sự xâm nhập của cà phê capuchino, một loại cà phê châu Âu với các kiểu tạo hình ảnh bằng bọt rất đẹp mắt vào Việt Nam. Người dùng ngậm bọt cà phê, để nó tan trên đầu lưỡi thưởng thức vị thơm của cà phê.
Phần lớn người tiêu dùng không biết rằng một số quán cà phê sử dụng chất tạo bọt SLS (60.000 đ/20kg) pha vào cà phê để giữ bọt lâu tan. Đây là chất tẩy rửa, tạo bọt dùng chủ yếu trong công nghệ sản xuất xà phòng, mỹ phẩm. Chất này đặc biệt nguy hại đến tim mạch, chỉ cần một lượng vài chục mg thôi nó cũng có thể khiến người trưởng thành loạn nhịp tim, dùng lâu dài sẽ gây tổn hại tim mạch.
Một sở thích khá “dị” của người uống cà phê xuất hiện gần đây cho rằng cà phê càng đen càng thơm, càng đậm. Sở thích này cũng có lý do liên quan đến cách chế biến cà phê của người Việt Nam. Trong đó, rang cà phê ở nhiệt độ cao và rất cao, hạt cà phê thu được màu nâu rất đậm gần như đen. Đáp ứng dân nghiền thích cà phê đen sậm, một số quán vỉa hè đã pha hóa chất để ly cà phê của quán mình “đen hơn”. Độc chiêu này chính là phẩm nhuộm vải có xuất sứ từ Trung Quốc và Đài Loan, rất độc hại đối với sức khỏe con người.
Có một thứ phụ gia nữa mà người trong nghề gọi là “mẻ”. Đó là những mảnh vụn vỏ hạt cà phê, hầu như không có caffeine. Để cho ly cà phê thơm béo, ngoài bơ, người ta còn độn thêm đậu nành rang. Để cà phê “gắt cổ”, người ta chọn chất độn là đậu đỏ.
Ngoài ra, người ta còn sử dụng tinh cà phê để tạo mùi. Nếu đến chợ hóa chất Kim Biên TP HCM, bạn sẽ thấy đủ loại tinh cà phê của các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ... Đây là những hóa chất tạo mùi tổng hợp, chỉ cần một chấm bằng đầu tăm sẽ làm 1 kg cà phê thơm lừng dù đứng cách xa vài mét. Nhờ chúng, dù có cho vào nhiều chất độn thì ly cà phê vẫn thơm. Việc tẩm tinh dầu là một nghệ thuật, vì nếu không khéo sẽ làm cho cà phê có vị đắng và mau hỏng.
Cà phê 7 phần là chất độn "tắm" với hóa chất nhuộm vài. (Ảnh: VnExpress). |
Cà phê trộn hóa chất gây hại gan, suy tủy, ung thư, teo tinh hoàn...
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, các chất như SLS, phẩm nhuộm phân tán là những chất độc hại có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tim mạch, là tác nhân gây ung thư ở con người. Sự phổ biến của SLS trong sản phẩm cà phê nếu không được kiểm soát gắt gao sẽ dễ gây ngộ độc và nguy hại đến sức khỏe cộng đồng.
Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Hóa học TP HCM cũng cho biết, tinh cà phê chế biến sẵn là tinh tổng hợp, chủ yếu làm từ hóa chất. Cho dù có cùng một công thức, nhưng phẩm màu công nghiệp khác xa phẩm màu thực phẩm, bởi nó chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng độc hại. Còn kháng sinh chloramphenicol cũng bị cấm dùng cho cả việc nuôi hải sản. Đường Cyclamate thì tuyệt đối không được dùng. “Ngoài những hóa chất, phụ gia, phẩm màu độc hại, thì việc rang cháy đậu nành để cho giống cà phê thật sẽ làm phân hủy các thành phần dinh dưỡng và nó sẽ sản sinh ra các chất rất độc hại cho người sử dụng”.
Cà phê ‘đểu’ được cho là một trong các nguyên nhân gây teo tinh hoàn ở nam giới. Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN cũng nhìn nhận, tình trạng sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại, trôi nổi hiện nay là rất phổ biến, cơ quan chức năng không quản lý hết được. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thường dùng phụ gia, phẩm màu công nghiệp để cho vào thực phẩm bởi nó rẻ hơn nhiều lần so với cùng loại nhưng dùng trong thực phẩm.
“Đáng sợ nhất của phẩm màu, phụ gia công nghiệp vì nó chứa rất nhiều tạp chất, các kim loại nặng như thủy ngân, chì, asen... Nếu dùng lâu dài, các độc chất này tích tụ sẽ giết dần mòn cơ thể và chúng có nguy cơ gây ung thư. Riêng kháng sinh chloramphenicol nếu dùng không đúng thì không đơn giản làm lờn thuốc mà nó còn độc cho gan và làm suy tủy, ảnh hưởng lên thận. Với đường hóa học Sodium Cyclamate, loại đường có độ ngọt gấp 50 lần so với đường mía thông thường, bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì nó có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng; có nguy cơ gây hội chứng Down, ảnh hưởng trên thai phụ; thử nghiệm ở chuột, người ta nhận thấy đường Cyclamate còn gây cao huyết áp và làm teo tinh hoàn...”, bác sĩ Ký nói rõ.
Theo chuyên gia này, khi sản xuất cà phê “đểu”, nếu không cho hương vào thì đậu nành, bột bắp sẽ hút hết tinh cà phê tổng hợp. Còn chất tạo bọt thường dùng là Sodium lauryl sunlfate, loại làm nước rửa chén, dầu gội đầu... Còn phẩm màu đa phần là loại công nghiệp, giá chỉ 40.000 - 45.000 đồng/kg, rẻ hơn từ 3-4 lần so với phẩm màu dùng cho thực phẩm nhưng cho màu sắc tươi, bền. “Chất tạo bọt Sodium lauryl sunlfate chỉ dùng trong công nghiệp, không được dùng cho thực phẩm bởi nó độc hại và có nguy cơ gây ung thư. Tương tự, chất tạo sánh CMC (Carboxymethyl Cellulose) nếu dạng công nghiệp cũng chứa tạp chất, các kim loại nặng làm vô sinh và có nguy cơ gây ung thư”, ông T.H nhấn mạnh.
Phân biệt cà phê sạch và pha tạp Hạt cà phê nguyên chất phải là hạt cà phê rang mộc, khi sờ sẽ không thấy nhờn và dính, có mùi thơm tự nhiên, dịu nhẹ. Ngược lại, hạt cà phê có pha tạp chất sẽ có độ nhờn, dính, mùi nồng. Do có độ xốp, tơi lớn nên cùng khối lượng thể tích của bột cà phê nguyên chất bao giờ cũng lớn hơn cà phê pha tạp. Khi pha cà phê, bột nguyên chất gặp nước sôi sẽ nở lớn. Cà phê pha tạp thì ngược lại nở ít, bã có độ dính cao. Ly cà phê nguyên chất có màu nâu cánh gián đem đến cảm giác sạch, khi cho đá vào, để ra ánh nắng sẽ có màu nâu hổ phách. |
Ngọc Anh (Tổng hợp)