Lo ngại môi trường bị tác động xấu do nhập khẩu phế liệu gây ra, nhưng không thể cấm triệt được nhập khẩu phế liệu, do đó, trong Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), Quốc hội nhất trí giao Thủ tướng quy định danh mục phế liệu nhập khẩu.
Không để Việt Nam thành bãi rác của các nước phát triển.
Tình trạng nhập khẩu phế liệu đang rất phổ biến dẫn đến các vấn đề phát sinh khó có thể giải quyết triệt để mà nguyên nhân là thiếu quy định rõ ràng nên chưa phân biệt được “phế liệu” và “chất thải”. |
Hiện cả nước có khoảng 160 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất, tái chế trực tiếp nhập khẩu phế liệu chiếm khoảng 75\%; nhập khẩu phân phối chiếm khoảng 18\%; còn lại là doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng về mặt hàng phế liệu sắt thép các loại nhập khẩu để sản xuất thành sắt thép thành phẩm trong năm 2013 là hơn 2,5 triệu tấn, tăng hơn 26,2\% về lượng so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, lượng nhập khẩu phế liệu sắt thép đã đạt khoảng 1,5 triệu tấn.
Hàng năm có hàng trăm tấn hàng các loại nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính ngạch. Trong đó, có nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm đến môi trường như máy móc, thiết bị lạc hậu, cũ, hỏng, hết niên hạn sử dụng, linh kiện điện tử có chứa chất nguy hại vượt quá ngưỡng nhiều lần. Theo ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, nguyên nhân của thực trạng trên là do việc nhập khẩu phế liệu thải ra từ các nước tiên tiến thường mang lại lợi nhuận cao khiến không ít doanh nghiệp trong nước tìm cách “lách luật”, ngụy trang rất tinh vi, nhưng thực chất bên trong lại là chất phế thải.
Thủ tướng Chính Phủ quy định rõ danh mục phế liệu nhập khẩu.
Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trong từng thời kỳ khác nhau thì khác nhau về chủng loại, phụ thuộc vào khả năng xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với phế liệu nhập khẩu. Vì thế, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), đã giao Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu nhập khẩu để phù hợp với thực tiễn. |
Trước những bức xúc về tình trạng nhập nguyên liệu đã qua sử dụng, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, bổ sung đã được đặc biệt chú ý đến lĩnh vực này. Luật quy định cụ thể trường hợp phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định. Đồng thời, Luật cũng đã quy định rõ về các điều kiện đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu, trong đó có quy định về kho bãi, công nghệ và chỉ nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất, không cho phép nhập khẩu phế liệu để buôn bán trong nước. Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm ký quỹ phế liệu nhập khẩu để xử lý phế liệu nhập khẩu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường...
Nhằm quản lý tốt đối tượng nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, hạn chế tác động xấu đến môi trường, Luật cũng đã giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng nhằm bảo đảm tổ chức chặt chẽ việc phá dỡ, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Lý giải cho quy định này Ban soạn thảo cho rằng trên thực tế công việc phá dỡ tàu biển đã được nhiều nước tiến hành. Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao, khối lượng không nhỏ cho sản xuất công nghiệp; góp phần giải quyết việc làm, tăng lợi ích kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường.
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
EMAIL: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com