Nạn ô nhiễm không khí là “sản phẩm phụ” mà con người tạo ra trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Hạn chế khí bẩn phát tán ra môi trường được xem là giải pháp hàng đầu để chống ô nhiễm, do vậy, nhiều thành phố bị ảnh hưởng nặng nề đang chuyển sang các giải pháp chống ô nhiễm công nghệ cao.
Mái nhà hút chất ô nhiễm
Mái nhà sẽ biến các chất ô nhiễm thành chất vô hại
Công ty Công nghệ mái lợp Boral (Mỹ) đã cho ra mắt loại sản phẩm mái lợp có khả năng "hút" chất ô nhiễm. Công nghệ “ Gạch ăn khói” cải thiện chất lượng không khí bằng cách trung hòa các ôxit nitơ hình thành do khói quang hóa của hầu hết các loại phương tiện giao thông trong thành phố thải ra.
Loại gạch này được phủ một lớp Titanium Dioxide (TiO2), một chất quang xúc tác có thể ôxy hóa các chất gây ô nhiễm không khí độc hại thải ra do các nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy. Khi tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, TiO2 phá vỡ các ôxit nitơ trong không khí và biến chúng thành canxi nitrat vô hại.
Chất canxi nitrat này sẽ rửa sạch mái nhà của bạn với lượng mưa bình thường và là một loại phân bón thông dụng cho cây trồng. Mặc dù loại gạch này thường phải mất thêm khoảng từ 600-1.000 USD chi phí ốp lát, tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1 năm, số gạch trên 1 bộ vuông nhà (đơn vị đo lường diện tích Mỹ, khoảng 0,3m2) có thể ôxy hóa nitơ ôxit (N2O - là loại khí gây hiệu ứng nhà kính, được sinh ra trong quá trình đốt các nhiên liệu hoá thạch) tương đương với lượng do một chiếc ô tô thải ra khi đi quãng đường 10.000 dặm trong một năm.
Công ty mái lợp Boral là công ty xây dựng đầu tiên ở Mỹ giới thiệu các lớp phủ TiO2 trong sản phẩm tấm lợp. Công nghệ này có nguồn gốc từ Nhật Bản, và đã được áp dụng trong một số ngành công nghiệp ở châu Âu. Trong vài năm gần đây, nó đã được sử dụng trong sản xuất một số sản phẩm, bao gồm loại xi măng thân thiện với môi trường, các tấm kiến trúc và sơn.
Tại Mexico, Bệnh viện Manuel Gea González ở Thủ đô Mexico City đã trình làng tòa nhà "hút khói", tọa lạc trên một diện tích rộng 2.500 mét vuông. Tòa nhà được phủ sơn TiO2 có khả năng phản ứng với ánh sáng để trung hòa các tác nhân gây ô nhiễm không khí. Theo các nhà thiết kế, tòa nhà này có thể vô hiệu hóa lượng khói do 1.000 chiếc xe hơi thải ra mỗi ngày. Ở Ý, dự án Palazzo Italia cũng sử dụng loại vật liệu tương tự để sơn phủ tòa nhà 6 tầng với tổng diện tích hơn 13.000 mét vuông và dự kiến sẽ ra mắt tại thành phố Milan vào năm 2015. Trong khi đó tại Hà Lan, các nhà khoa học cũng đã áp dụng kỹ thuật phủ sơn TiO2 cho các con đường và khẳng định cách làm này giúp giảm đến 45\% tình trạng ô nhiễm. Được biết, việc áp dụng TiO2 không quá tốn kém, mà chỉ mất thêm 4-5\% chi phí xây dựng.
Ngoài những “tòa nhà hút chất ô nhiễm” có diện tích lớn, TiO2 còn có thể sử dụng cho những bề mặt nhỏ hơn, như bảng quảng cáo, áp phích, thậm chí trên quần áo. Bằng cách kết hợp các hạt nano TiO2 vào bột giặt, quần áo sẽ có chức năng lọc không khí sau khi giặt. Nhà hóa học polymer Tony Ryan thuộc Đại học Sheffield (Anh) cho biết mỗi một bộ quần áo như vậy có thể loại bỏ 5-6 gram nitơ điôxít (NO2) mỗi ngày.
Máy lọc không khí cầm tay
Hand Tree : (tạm dịch Cây xanh nơi bàn tay), một thiết bị dưới dạng vòng đeo tay hoạt động như máy lọc không khí cá nhân, giúp làm sạch không khí xung quanh người đeo. Khái niệm thiết kế Hand Tree là dự án của thí sinh Alexandr Kostin đến từ Nga. Nó là vòng chống ô nhiễm có công dụng như cây xanh, tức hút khí CO2 và thải ra oxygen, theo trang tin Earth Techling. Không dừng lại ở đó, nó lọc bụi bẩn, khí thải độc hại và chất gây ô nhiễm trong không khí, và thậm chí còn có thể tỏa ra mùi hương dễ chịu tùy sở thích người đeo. Người dùng có thể bật ở chế độ cá nhân (Personal Mode) để lọc không khí xung quanh, hoặc chế độ toàn cầu (Global Mode) nếu muốn lọc không khí tổng quát
Cảm biến MicroPEM: Nhằm giúp mọi người nhận biết sớm nguy cơ bị nhiễm độc, Viện RTI chuyên cung cấp các giải pháp y tế ở Mỹ đã phát triển cảm biến MicroPEM, với khả năng thu thập dữ liệu môi trường để giúp người dùng kiểm soát rủi ro. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy cảm biến này có thể phát hiện khí ô nhiễm trong nhà thải ra từ các bếp lò, nguyên nhân làm khoảng 2 triệu người thiệt mạng (do hít phải khói độc) mỗi năm tại những nước đang phát triển. Thiết bị được cho có thể áp dụng cho nhiều môi trường khác nhau để phát hiện ra hàng loạt mối đe dọa cho sức khỏe. Theo Tiến sĩ Charles Rodes, trưởng nhóm phát triển MicroPEM, việc phát hiện sớm các tác nhân ô nhiễm có ý nghĩa sống còn đối với bệnh nhân, nhất là những người bị bệnh về đường hô hấp như hen suyễn hoặc viêm phổi.
Sau khi thử nghiệm tại các trường đại học ở Mỹ, Anh và Trung Quốc, các chuyên gia tin tưởng thiết bị sẽ sớm được phổ biến rộng rãi. Hiện MicroPEM có giá khoảng 2.000 USD nhưng nhóm phát triển đang tìm cách hạ giá thành để đáp ứng nhu cầu trong công chúng.
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
EMAIL: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com