Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguy cơ ung thư-hiểm họa tiềm ẩn từ những vật dụng trong bếp

(DS&PL) -

Theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì có trong các sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg, nếu hàm lượng chì vượt quá sẽ là nguyên nhân làm loãng máu, da xanh, hủy

Theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì có trong các sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg, nếu hàm lượng chì vượt quá sẽ là nguyên nhân làm loãng máu, da xanh, hủy hoại hồng cầu. Ở mức độ nhiều hơn chúng sẽ tích tụ trong gan, thận gây ung thư, giảm chức năng gan và nặng nữa thì gây ngộ độc cấp tính…

Bị lú lẫn vì nồi nhôm tái chế

Với tâm lý thích đồ rẻ, các nồi nhôm “siêu rẻ” với giá từ 20.000 - 50.000 đồng/sản phẩm, bày bán ở các chợ đang được nhiều người, nhất là đối tượng sinh viên và người có thu nhập thấp chọn là vật dụng để nấu nướng. Nhìn bằng mắt thường, nồi nhôm “siêu rẻ” có hình thức khá đẹp, bên ngoài rất sáng và sạch, song đều có nguồn gốc từ nhôm tái chế. Những mặt hàng này chủ yếu được sản xuất từ những làng nghề thủ công mà nguồn nguyên liệu lấy từ phế thải được thu gom ở khắp nơi.

Trong quá trình tái chế, nhôm bẩn còn được độn thêm nhiều loại hóa chất, phụ gia nên các tạp chất này rất dễ bị bung ra trong quá trình đun nấu hay cọ rửa, chà xát mạnh, để lại các vết rỗ trên thành xoong, nồi, ấm đun nước… làm nước cọ rửa có màu đen bẩn.

Viện Pasteur TP. HCM đã chính thức khuyến cáo người tiêu dùng, nếu sử dụng các vật dụng bằng nhôm không đảm bảo chất lượng trong đun nấu, chứa đựng thực phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Việc lưu trữ thức ăn trong nồi nhôm kém chất lượng sẽ rất độc hại vì các hóa chất, tạp chất bẩn sẽ hòa tan vào thức ăn. Sau một thời gian phơi nhiễm, lượng nhôm tích tụ trong các mô cơ thể gây nhiễm độc nặng như suy thoái não, hay dị hình xương. Đặc biệt, có thể gây ra tổn hại cho hệ thần kinh như: mất ngủ, căng thẳng, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của con người, ngăn cản sự phát triển của xương và làm giảm mật độ xương, gây thiếu máu, giảm chức năng gan…

Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Hoàng Thủy Tiến cho biết: "Lợi thế nhất của hàng nhôm gia công, tái chế là giá thành rẻ. Người tiêu dùng không biết hoặc biết tác hại nhưng không có điều kiện thay đổi nên vẫn dùng.

Điều nguy hiểm nếu dùng đồ nhôm được làm từ nhôm phế liệu, không xử lý hết tạp chất, không tạo được bề mặt trơ với môi trường thì khi đun nấu, chứa đựng thực phẩm dễ tạo ra các ion nhôm vào thực phẩm gây hại cho sức khoẻ".

Đặc biệt, khi nấu ở nhiệt độ cao với thức ăn có nước mắm, muối, canh chua, canh riêu phản ứng hoá học xảy ra nhanh hơn, tạp chất độc sẽ thôi nhiễm nhanh hơn và lẫn vào thức ăn. Theo các nghiên cứu khoa học, đồ dùng nhôm chứa đựng thức ăn nóng, chua, mặn hoặc để qua đêm, bề mặt nhôm dễ bị rỗ, giải phóng các ion nhôm vào cơ thể, tích luỹ ở tế bào não, gây ra hội chứng lú lẫn sớm. “Đây là một trong những hậu quả đáng lo ngại nhất với các biểu hiện trí nhớ giảm sút, phản ứng trì trệ, trí năng giảm, cử động chậm chạp, cười khóc bất thường”- ông Tiến cảnh báo.

Ung thư từ đũa nhựa

Xét nghiệm một vài mẫu đũa tại các quán ăn lề đường, thạc sĩ Đào Thanh Khê, giảng viên khoa Công nghệ hoá học Đại học Công nghệ và thực phẩm TP.HCM cho biết, đũa nhựa thường được làm từ nhựa melamine và nhựa ABS. Sau khi dùng lửa đốt các đôi đũa mà không cháy, cộng với thông tin sản phẩm, có thể kết luận các đôi đũa này được làm từ nhựa melamine.

Theo ông Khê, phản ứng giữa melamine và formaldehyde cho ra nhựa MF, một loại nhựa nhiệt rắn, không cháy, để lâu trong không khí màu sắc biến đổi nhẹ, phân hủy ở 345 độ C. Đây là loại nhựa có tính năng chịu nhiệt, cứng, độ bền cao, có thể dùng làm sàn gỗ, mica, đũa, vật liệu nhà bếp…, nhưng sẽ bị phân hủy dưới nhiệt độ của ngọn lửa nhà bếp (có thể trên 1.000 độ C).
Còn đũa nhựa ABS hiện chỉ thấy bán trên mạng. ABS là tên viết tắt của nhựa poly, thường được dùng làm các sản phẩm kỹ thuật như vỏ tivi, máy tính, nón bảo hiểm… và vật dụng nhà bếp. Ở nhiệt độ thường ABS có độ cứng cao, nóng chảy ở 99,8 độ C, hoá dẻo ở 228 độ C, dễ cháy. Dù nhựa ABS ít tan trong dầu, rượu, nước… nhưng không nên sử dụng đũa làm từ nhựa này để chiên xào, nấu nướng, khuấy trộn trong các dung môi như cồn, rượu, giấm…
Thạc sĩ Đào Thanh Khê cho biết, dùng đũa nhựa để chiên xào trong môi trường nóng sẽ khiến đũa bị biến dạng và sinh ra các chất bột nhựa có hại cho sức khoẻ. Nhựa melamine khi nuốt hoặc hít vào phổi hoặc bị hấp thụ qua da lâu ngày có thể gây ung thư hoặc vô sinh. Liều gây chết thông thường là 3g cho mỗi ký trọng lượng cơ thể.
Các nhà khoa học của cơ quan Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Mỹ giải thích melamine và axit cyanuric hấp thụ vào máu, tập trung và tương tác trong nước tiểu ở bể thận và kết tinh thành các tinh thể hình tròn màu vàng, gây tổn thương thận, tạo sỏi thận.

Hiểm họa ung thư từ đũa gỗ

Bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, Khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cũng cho biết, các loại đũa gỗ có chất lượng kém, không trơn láng sẽ dễ bị bám thức ăn, nếu rửa không sạch sẽ khiến vi trùng, nấm mốc phát triển, gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện ở đường tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, nếu ngộ độc nặng có thể tử vong do truỵ tim mạch.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cấp tính thường do các loại vi khuẩn, còn gây nhiễm độc mãn tính là do một số nấm mốc độc thường có trong đậu phộng, bắp ngô, dừa khô, đỗ tương bị ẩm mốc, có thể sinh độc tố aflatoxin rất độc hại, là nguyên nhân gây ung thư gan. Aflatoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ sôi thông thường (100 độ C) mà chỉ bị phân hủy trên 120 độ C. Nấm mốc dễ phát triển sau vài ngày trên các loại đũa sử dụng cho các thức ăn thuộc họ đậu, ngũ cốc, đặc biệt là đậu phộng.
Theo hướng dẫn của tiến sĩ Danh, khi cho đũa gỗ vào hỗn hợp đậu phộng và dầu ăn rồi rửa sơ bằng nước máy và để ở nhiệt độ thường thì sau bốn ngày, trên các đôi đũa xuất hiện một số đốm mốc màu trắng nhỏ li ti. Tiến sĩ Danh giải thích: “Đũa không được rửa sạch bằng xà bông và lau khô dễ bị vi khuẩn, vi nấm độc trong môi trường bám vào đồ ăn còn sót trên đũa và có nguy cơ lây vào thức ăn khi dùng đũa sau đó. Ngoài ra đũa còn có nguy cơ nhiễm hóa chất từ nước rửa chén”.

Đũa inox cũng gây ung thư

Hiện nay trên thị trường, đũa inox chủ yếu là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên ngoài hộp đựng hoàn toàn là tiếng nước ngoài. Ngoài ra, chất lượng và giá cả cũng rất khác nhau. Theo một số người bán hàng, giá cả phụ thuộc vào chất lượng, hoa văn và kiểu dáng của đũa. “Thường các vỉ đũa có giá chỉ khoảng hơn 25.000đ/5 đôi là hàng mạ inox, còn các hàng inox xịn chủ yếu khác nhau ở hoa văn”, một người bán hàng ở chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) cho biết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu Ăn mòn và Bảo vệ Vật liệu Kim loại (Viện Khoa học Vật liệu), hạn chế của đũa inox là bị dẫn nhiệt nên không thể sử dụng để nấu ăn. Ngoài ra, khi dùng để ăn thức ăn nóng cũng dễ bị bỏng tay.
Các chuyên gia vật liệu cảnh báo tuyệt đối không được sử dụng đũa mạ inox vì nhằm giảm giá thành sản phẩm, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng. Trong quá trình sử dụng, chắc chắn gây nên các chà xát, cũng như việc đũa được sử dụng trong môi trường axit (chua, cay, mặn, ngọt) của thức ăn, sẽ khiến lớp mạ này bị bong tróc. “Các chất mạ là kim loại nặng, nếu lẫn vào thức ăn, lâu ngày, có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư...", ông Phong chỉ rõ.

Tạm kết

Bên cạnh nỗ lực tăng cường công tác quản lý thị thường của các cơ quan chức năng, thì ý thức “tự bảo vệ” bản thân của người dân vẫn là trên hết. Vì tất yếu, có cầu mới có cung, thiết nghĩ chúng ta nên tự mình “nói không” trước những sản phẩm mà những nguy cơ độc hại của chúng đã được rất nhiều báo chí cảnh báo, và bản thân cũng phần ít phần nhiều tự nhận biết hiểm họa của chúng. Bên cạnh đó, tìm hiểu và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sản phẩm cũng là bước quan trọng và cơ bản để sử sụng đồ vật đúng công dụng và tránh được một số tác dụng phụ hoặc nguy hại do sử dụng không đúng cách.

CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H

LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM

ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1

 HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 

EMAIL: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com

Tin nổi bật