Gành Yến ở thôn Thanh Thủy có rất nhiều “đá đen” với nhiều hình dạng, khối lượng phong phú. |
Theo đó, không những thương lái ở Quảng Ngãi mà thương lái ở các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định cũng đổ về xã Bình Hải để thu mua “đá đen” với khối lượng lớn và giá từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg.
Được biết, thương lái chỉ chọn mua những viên kích thước nhỏ, hình bầu dục, sáng bóng để phân phối cho các công ty xây dựng hoặc cơ sở trang trí nội thất, sân vườn, bể cá...
Theo nhiều người dân nơi đây, mỗi ngày một gia đình có từ 2 – 3 người ra các bờ biển trên để khai thác “đá đen” và thu nhập một người từ khoảng 300.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày.
Nhiều người dân bỏ cả việc đồng án, nương rẫy để đi khai thác “đá đen”. |
Do nguồn thu nhập từ khai thác đá đen rất cao, nên hàng ngày tại xã Bình Hải có hàng chục người dân đổ xô đi khai thác. Được biết, mỗi ngày có khoảng hàng chục tấn “đá đen” bị khai thác để bán cho thương lái.
Một người dân khai thác đá đen ở thôn An Cường, xã Bình Hải huyện Bình Sơn cho biết: “Việc khai thác đá đen nơi đây diễn ra từ sáng đến tối và đã có từ nhiều năm nay (giống như khai thác mơ và đá san hô), biết rằng đây là việc làm trái phép, để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng do thu nhập ngày công quá cao, với lại mình không làm thì người khác cũng làm vậy thôi và cũng chưa thấy ai bị bắt hay bị phạt gì cả”.
Việc khai thác đá đen cũng như khai thác rong biển (mơ), đá san hô thời gian qua của người dân không những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển mà còn là nguyên nhân chính gây ra nạn triều cường xâm nhập vào đất liền ngày một tăng, làm cảng trở và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân đang sinh sống dọc theo bờ biển (có năm triều cường lấn sâu vào thôn An Cường, xã Bình Hải từ 10 - 30 mét làm cho 4 ngôi nhà ven biển bị de doạ nghiêm trọng).
Đây là vấn đề mà nhiều người dân xã Bình Hải quan tâm và đang chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác “đá đen” trái phép tại địa phương.