Ở thủ đô Kabul, và hầu hết các nơi khác ở Afghanistan, trẻ em gái đã bị hạn chế quyền đến trường đi học trong gần 1 năm qua do các lệnh cấm của Taliban. Các quan chức Taliban khẳng định quy định này chỉ là tạm thời nhưng không đưa ra thời hạn hay kế hoạch gỡ bỏ hạn chế.
Động thái trên của Taliban đã vấp phải làn sóng phẫn nộ và tuyệt vọng của người dân Afghanistan, cũng như sự phản đối gay gắt từ thế giới. Đáng chú ý, các lệnh hạn chế này cũng đang gây ra sự rạn nứt trong nội bộ nhóm.
Theo The Guardian, một số nhân vật cấp cao trong ban lãnh đạo Taliban trước đây từng bí mật gửi con gái họ ra nước ngoài, chủ yếu ở Pakistan hoặc Qatar, đi học trong suốt 20 năm chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ và các đồng minh ở Afghanistan. Đến nay, một số người vẫn tiếp tục làm điều này ngay cả khi Taliban đã nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul vì các lệnh hạn chế với việc cho trẻ em gái đi học.
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền lãnh đạo, trẻ em gái ở Afghanistan đã bị hạn chế quyền được đến trường. Ảnh: AP
Một số thành viên cấp thấp hơn trong Taliban cũng đang tìm kiếm sự lựa chọn khác để cho con gái đi học gần nhà hơn. Trong một ngôi trường bí mật dành cho nữ sinh, có tới 4-5 gia đình Taliban đã tới ghi danh cho con gái tới học trong các khối lớp từ lớp 7-12.
Trong cam kết riêng của một số thành viên Taliban về việc đảm bảo giáo dục cho con gái của họ bằng bất cứ giá nào, những người Afghanistan đã nhìn thấy cả các vấn đề và một số hy vọng thay đổi. Tuy nhiên, đây có thể sẽ là một cuộc chiến dài hơi vì những người đứng đầu Taliban là những người áp đặt các quy định hạn chế khắt khe với quyền đi học của trẻ em gái.
Một số người Afghanistan biết về sự lãnh đạo của Taliban, cả trong và ngoài phong trào, mô tả quyết định cấm các nữ sinh đến trường đến từ chính thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada và nội bộ ông ta.
Đầu năm nay, Haibathullah được cho là đã ban hành một trong những quy định "ác độc" nhất khi bắt các nữ sinh trở về nhà chỉ 1 ngày sau khi họ được trở lại trường vào hồi tháng 3.
Các nhà ngoại giao và những người Afghanistan có quan hệ với lãnh đạo cho biết Bộ Giáo dục đã có kế hoạch đưa nữ sinh trở lại trường học và thực hiện các công tác chuẩn bị sẵn sàng bao gồmkiểm tra xem liệu cơ sở vật chất có đáp ứng các tiêu chuẩn để mở các lớp học biệt lập hay không. Tuy nhiên, phán quyết vào phút chót của Haibathullah đã thay đổi hoàn toàn việc này.
Nhiều phụ nữ Afghanistan đã ra đường biểu tình đòi quyền bình đẳng sau khi Taliban lên cai trị. Ảnh: AFP
Bất chấp những cấm kỵ về việc chỉ trích giới lãnh đạo, sau nhiều thập kỷ nhấn mạnh sự đoàn kết trong nội bộ Taliban, một số nhân vật cấp cao của nhóm giờ đây đã lên tiếng phản đối lệnh cấm đối với việc đi học của trẻ em gái.
Vào tháng 5, Thứ trưởng Ngoại giao của Taliban, Sher Mohammad Abbas Stanikzaim đã trực tiếp lên án việc cấm trẻ em gái đến trường trong một bài phát biểu trên truyền hình bảo vệ quyền của "một nửa dân số Afghanistan".
Trong khi đó, Giáo sĩ nổi tiếng cảu Taliban, Rahimullah Haqqani, người bị giết vào tuần trước trong một vụ đánh bom liều chết do khủng bố Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện, cũng từng lên tiếng kêu gọi cho phép phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan được tiếp cận với giáo dục.
Ông nói: "Không có lý do nào trong luật sharia nói rằng phụ nữ không được giáo dục. Không có điều gì để biện minh cho việc ấy. Tất cả các cuốn sách tôn giáo đều nói rằng giáo dục nữ giới là được phép và bắt buộc, bởi vì nếu một phụ nữ bị bệnh, trong một môi trường Hồi giáo như Afghanistan hoặc Pakistan và cần được điều trị, sẽ tốt hơn nhiều nếu cô ấy được điều trị bởi một bác sĩ nữ".
Ông Maulawi Ahmed Taqi, người phát ngôn của cơ quan giáo dục, nhấn mạnh nỗ lực điều chỉnh các trường đại học để phụ nữ có thể theo học đồng thời đáp ứng các yêu cầu của Taliban về phân biệt giới tính nghiêm ngặt, như một dấu hiệu cho thấy cam kết của nhóm đối với giáo dục dành cho nữ giới.
Ông chia sẻ: "Tôi có con gái và tất nhiên tôi muốn các con gái của mình được giáo dục trong các giáo phái tôn giáo cũng như nhận được một nền giáo dục hiện đại. Tôi lạc quan tin rằng các trường học sẽ không bị đóng cửa mãi mãi".
Minh Hạnh (Theo The Guardian)