Xây dựng dự án bất động sản lớn tại Mỹ
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo (MCK: ITA) Đặng Thị Hoàng Yến (SN 1959) tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và được phân công về làm việc cho quận 5. Đến năm 1992, bà được bổ nhiệm làm chức vụ Giám đốc đầu tư của Trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND TP.HCM.
Chủ tịch Tân Tạo Đặng Thị Hoàng Yến.
Đến năm 1993, bà quyết định tạo dựng con đường đi riêng bằng việc đi làm thuê cho các công ty nước ngoài để dành dụm tiền thực hiện khát vọng của mình.
Trước khi thành lập và phát triển Tân Tạo, bà Hoàng Yến là một trong những doanh nhân Việt đầu tiên đầu tư lớn ở Mỹ.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp ở Mỹ trong chương trình "Người Đương thời" trên VTV1, để có thể phát triển bất động sản tại Mỹ, bà cho biết ngoài nguồn vốn tự thân thì thứ cần phải có là vốn từ các nhà băng, mà đấy chính là uy tín. Bà dẫn chứng rằng ở Mỹ, mỗi doanh nghiệp được đánh giá qua độ tín nhiệm mà người ta gọi là Credit nhưng Credit của bà lúc ấy là con số 0.
Về việc vay vốn ngân hàng, bà nói rằng, các ngân hàng lớn sẽ yêu cầu rất khắt khe trong việc cho vay vốn còn những ngân hàng nhỏ, mới ra đời thì sẽ rất cần khách, vì vậy bà đã tìm đến những ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, bà cũng “gõ cửa” các ngân hàng lớn để biết được họ đòi hỏi cái gì, để biết thêm kinh nghiệm.
Dự án đầu tiên về đầu tư xây dựng khu nhà ở có diện tích 10,43ha tại bang Houston được cấp phép, ngân hàng đã cho bà Yến vay nửa triệu USD. Quy mô dự án ngày càng lớn hơn và chỉ số Credit của bà cũng được nâng lên.
Để tạo sự khác biệt so với các công ty xây dựng khác, bà nói, điều đầu tiên là bà đã phải chọn một cái tên, để khi người khác nghe thấy sẽ cảm thấy rất gần gũi và thân thuộc và có cảm giác có quy mô rất lớn.
Sau khi xây dựng các dự án bất động sản lớn tại Mỹ, năm 1993, bà thành lập và phát triển Tân Tạo trở thành chủ đầu tư khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam và giữ chức Chủ tịch HĐQT kể từ năm 1996 tới nay.
ITA có quy mô với hàng chục công ty con, công ty liên kết hoạt động trong những lĩnh vực như phát triển hạ tầng, xây dựng, năng lượng, y tế, giáo dục và truyền thông với rất nhiều dự án hàng tỷ USD.
Đáng chú ý, bà Đặng Thị Hoàng Yến từng có khoảng 1 năm là ĐBQH của tỉnh Long An từ tháng 5/2011 tới tháng 4/2012.
Sau khi rời chính trường, doanh nghiệp mà bà sáng lập cũng ảnh hưởng không ít. Bên cạnh đó, nữ doanh nhân sinh năm 1959 này cũng "vắng bóng" trên chính trường cũng như thương trường.
Năm 2020, bà Đặng Thị Hoàng Yến bất ngờ xuất hiện trước cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ trực tuyến sau 8 năm "ở ẩn".
Tân Tạo bị yêu cầu buộc công bố thông tin buộc phá sản
Thời gian gần đây, Tân Tạo trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi công bố báo cáo tài chính vào cuối tháng 7, trong đó nêu thông tin doanh nghiệp tạm ứng cho Chủ tịch HĐQT Maya Dangelas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến) số tiền 1.936 tỷ đồng để tham gia dự án ở Mỹ. Đây là số tiền chuyển ra nước ngoài rất lớn.
Tuy nhiên, ngày 5/8, Tân Tạo công bố lại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 vì lý do trước đó đã "hạch toán sai". Theo báo cáo mới này, Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến không tạm ứng 1.936 tỷ đồng cho việc tham gia dự án tại Mỹ mà là 633 tỷ đồng với mục đích "hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua vào ngày 29/4/2022.
Sau nhiều lần bị HoSE yêu cầu giải trình về vấn đề này, cổ phiếu ITA của Công ty Tân Tạo bị cảnh báo.
Trên thị trường chứng khoán, gần 24 triệu cổ phiếu ITA của Tân Tạo được khớp lệnh sáng nay, trong đó hơn 20 triệu cổ phiếu khớp mức giá sàn sau khi Tổng Cục Thuế vừa có yêu cầu rà soát số liệu kê khai thuế của Tập đoàn Tân Tạo.
Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP.HCM rà soát số liệu kê khai thuế của Tân Tạo với số liệu công ty này công bố trên các website giao dịch chứng khoán, trong đó có trang web của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Kiểm tra xác minh số tiền mà công ty đã tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm (nếu có) và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Thông tin từ Tổng cục Thuế, căn cứ dữ liệu hệ thống quản lý thuế tập trung TMS, từ năm 2014 đến nay, Công ty Tân Tạo chưa được thanh tra, kiểm tra thuế. Vì vậy, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế TP.HCM tập trung đánh giá rủi ro trên cơ sở kết quả đánh giá để bổ sung công ty vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất và thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay để làm rõ thông tin rủi ro nêu trên, nếu có vi phạm pháp luật về thuế thì kịp thời xử lý theo quy định.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế cần thực hiện phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng, giao dịch đáng ngờ. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm thì củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật”.
Bạch Hiền (t/h)