(ĐSPL) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có thể biến một cuộc rút lui thành chiến thắng ở Iraq. Liệu ông có làm cái điều tương tự ở Ukraine?
Trong một bài viết đăng trên trang mạng Indian Punchline, nhà ngoại giao Ấn Độ kỳ cựu MK Bhadrakumar viết: Có một điều rõ ràng là ông Obama đang khuyến khích Kiev có "quan hệ tốt với tất cả các nước láng giềng, ở cả hai phía đông lẫn phía tây" và đề nghị rằng Ukraine cần tiếp tục liên kết kinh tế mạnh mẽ và quan hệ nhân văn với Nga.
|
Tổng thống Obama đang khuyên Kiev có "quan hệ tốt với tất cả các nước láng giềng, ở cả phía đông lẫn phía tây". |
Khi từ Mỹ trở về Kiev, Tổng thống Petro Poroshenko tiết lộ rằng Mỹ sẽ chỉ cung cấp cho Ukraine các mặt hàng quân sự "phi sát thương” và tất nhiên là ít hơn nhiều so với những gì mà nước ông kỳ vọng.
Về hỗ trợ kinh tế, Nhà Trắng chỉ đồng ý viện trợ cho chính phủ Poroshenko 50 triệu USD trong năm 2015. Đây quả là một “trò đùa”, khi Quĩ Tiên tệ Quốc tế (IMF) ước tính Ukraine cần khoảng 19 tỷ USD trong năm tới.
Trong khi đó, IMF đã điều chỉnh dự toán được công bố 6 tháng trước đây và cho biết Ukraine hiện cần một gói cứu trợ lên tới 55 tỷ USD. Các chuyên gia dự đoán rằng cuối cùng, gói cứu trợ này phải lên tới 100 tỷ USD.
Đây quả là một trò đùa rùng rợn: chỉ chi một khoản tiền còm 50 triệu USD, sau khi thúc đẩy Ukraine đi đến chiến tranh với Nga. Vậy Ukraine sẽ kiếm ở đâu số tiền 18,45 tỷ USD còn lại cho năm tới?
Dĩ nhiên là Ukraine phải xin xỏ Liên minh Châu Âu (EU), chứ còn xin được ở đâu nữa. Và trong số các nước Châu Âu, nước nào sẽ phải chi trả? Ba Lan rõ ràng là không, còn Lithuania và Estonia cũng không nốt. Số tiền khổng lồ này phải đến từ Tây Âu và một lần nữa Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ phải “đau đầu, nhức óc”.
Trái ngược với ước tính trước đó, nền kinh tế Ukraine có thể “tăng trưởng âm” ở mức hai con số.
Tất cả những yếu tố nói trên đã giúp lý giải những diễn biến “trái chiều” liên quan đến Ukraine trong những tuần gần đây: Thứ nhất là quyết định hoãn thực thi Hiệp định liên kết mà EU ký kết với Ukraine ít nhất cho đến cuối năm 2015. Thứ hai, EU ủng hộ mạnh mẽ cuộc đối thoại ở thủ đô Minsk giữa Kiev và phe ly khai ở miền đông nam Ukraine. Thứ ba là các cuộc họp bí mật giữa bộ trưởng ngoại giao của Pháp, Đức và Nga bên lề các hội nghị quốc tế gần đây ở Paris liên quan đến việc Nhà nước Hồi giáo. Thứ tư, NATO thừa nhận Nga đã rút một số lượng lớn binh sĩ khỏi Ukraine. Và cuối cùng là cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao của Nga và Mỹ tại New York gần đây.
Rõ ràng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giành được một chiến thắng ngoại giao lớn trong việc buộc phương Tây nhận ra rằng Moscow có lợi ích hợp pháp tại Ukraine. Phương Tây không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rằng nền kinh tế Ukraine kết nối mật thiết với Nga và không thể nào vực dậy nền kinh tế này, nếu không có sự hợp tác của Moscow.
Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây công bố cách đây 3 tuần chẳng làm gì được Nga. Nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Poroshenko đang đánh mắt về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đối thoại xem ra có hiệu quả nhất của ông.
Đồng thời, Washington cũng bắt đầu nhận ra rằng sự can dự của Moscow đang trở nên cần thiết cho việc phát động một chiến dịch quốc tế hiệu quả chống lại Nhà nước Hồi giáo. Một dấu hiệu cho thấy “gió đang đảo chiều” là việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox cảnh báo Châu Âu và Mỹ về việc đe dọa Nga vì Ukraine. Ông Fox nói thẳng: "Chúng ta phải xem xét nhiều cách khác nhau để đối phó với tình hình Ukraine”.
Do đó, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nếu một ngày nào đó Mỹ sẽ phải một lần nữa nhờ cậy đến sự trợ giúp của Nga ở Syria. Nga có thể giúp Obama hợp pháp hóa các chiến dịch quốc tế chống lại Nhà nước Hồi giáo bằng cách không ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy thác cho Mỹ làm việc này. Nga có thể hữu ích trong sự giao dịch của Mỹ với Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad. Lập trường của Nga về các mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (IS) là rõ ràng và có nhiều lý do để Moscow hỗ trợ các chiến dịch quốc tế chống IS do Mỹ cầm đầu.
|
Rất có thể, gió sẽ đảo chiều sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại New York. |
Nga đã lên tiếng cảnh báo rằng là các chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo của Mỹ tại Syria cần phải có sự đồng ý của chính phủ Syria và cần phải có sự ủy thác của Liên Hợp Quốc. Tổng thống Obama khó có thể tìm kiếm được sự ủy thác của Liên Hợp Quốc, nếu Nga không chịu hợp tác. Rất có thể, gió sẽ đảo chiều sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại New York.
Xem ra, cuộc chiến tranh lạnh mới bắt đầu bằng một tiếng nổ vang trời và có thể được kết thúc bằng một tiếng rên cay đắng của người trong cuộc.