Dự án khảo cổ tại phía đông Jordan đã có nhiều phát hiện thú vị, đặc biệt là chiếc bánh mì được cho là cổ nhất thế giới.
Tàn tích của chiếc bánh mì có tuổi thọ 14.500 năm tại Jordan - Ảnh: Lara Gonzales Carratero. |
Những mẩu di tích sót lại của một miếng bánh mì nướng cách đây khoảng 14.500 năm trong một lò sưởi bằng đá tại một địa điểm khảo cổ ở phía đông bắc Jordan đã khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Con người đã làm bánh mì - một thực phẩm quan trọng – từ hàng nghìn năm trước khi bắt đầu phát triển nông nghiệp.
Di tích này cho thấy những người săn bắn hái lượm ở Đông Địa Trung Hải đã biết cách làm bánh mì sớm hơn nhiều so với suy đoán trước đây, hơn 4.000 năm trước khi trồng trọt.
Quá trình nghiên cứu cho thấy mẩu bánh mì này không được lên men và hơi giống với bánh mì pita làm từ các loại ngũ cốc hoang dã như lúa mạch, yến mạch hoặc một loại củ đao.
Amaia Arranz-Otaegui, một nhà nghiên cứu của trường Đại học Copenhagen, cho biết: “Sự hiện diện của bánh mì tại một địa điểm ở mốc thời gian này là rất đặc biệt”. Cho đến nay, nguồn gốc của bánh mì vẫn được cho là sản phẩm của các xã hội nông nghiệp sớm trồng ngũ cốc và các loại đậu. Bằng chứng lâu đời nhất trước đây về bánh mì có niên đại từ 9.100 năm trước ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Arranz-Otaegui nói: “Bây giờ chúng ta phải đánh giá lại mối quan hệ giữa sản xuất bánh mì và ngành nông nghiệp. Có thể bánh mì đã trở thành động lực cho người nguyên thủy chuyển sang trồng cây và canh tác".
Nhà khảo cổ học của trường Đại học Copenhagen và tác giả đồng nghiên cứu Tobias Richter đã chỉ ra những tác động dinh dưỡng của việc thêm bánh mì vào chế độ ăn uống. Bánh mì cung cấp cho con người một nguồn carbohydrate và chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm vitamin B, sắt, magie, và chất xơ.
Arranz-Otaegui cho biết các nhà nghiên cứu đã bắt đầu quá trình cố gắng tái sản xuất loại bánh mì đặc biệt này theo công thức thời tiền sử. Nhưng hương vị có vẻ không mấy ngon lành. “Vị rất ngái và mặn. Nhưng cũng hơi ngọt một chút”, Arranz-Otaegui nhận xét.
Thu Phương (Theo SCMP)