Chiều cuối năm, cái nắng Sài Gòn thật dịu dàng, gió cũng thoảng nhẹ như tiếc nuối những khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ sắp qua. Còn nhiều việc của năm phải làm nhưng cuộc gặp của tôi với vị khách đặc biệt diễn ra thật hiền. Ngồi tiếp tôi trong quán cà phê nhỏ ở một góc phố, doanh nhân - chàng trai trẻ của vùng sông nước say sưa kể về hạt gạo, cây lúa và những dự tính của anh trong tương lai.
Tuổi trẻ thường thu hút người đối diện ở sự nhiệt huyết, những ước mơ và ý tưởng táo bạo. Doanh nhân Phạm Minh Thiện –Phó GĐ Doanh nghiệp Tư nhân Cỏ May cũng không phải là ngoài lệ. Thiện cho biết, điều cốt lõi để Doanh nghiệp Cỏ May tồn tại đến ngày hôm nay là đã lựa chọn đúng và thậm chí biết đổi hướng, tìm ngay lối thoát khi hoạt động sản xuất kinh doanh không còn phù hợp dẫn đến nguy cơ thất bại. Và quan trọng nhất là phải kiên định với mục tiêu lấy chất lượng làm nền tảng cho sự phát triển.
Năm 1981, tổ hợp sản xuất xà bông mang tên Cỏ May xuất hiện tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Ban đầu chỉ là cơ sở sản xuất nhỏ, quy trình thủ công, đây là thời điểm khó khăn nhất của Cỏ May mà lúc này chỉ có tính quyết đoán và sự thông minh của người cầm lái mới giúp doanh nghiệp trụ vững. Đó là ông Phạm Văn Bên, cha anh, người đặt viên gạch đầu tiên cho Doanh nghiệp Cỏ May bước những bước dài vững chắc đến ngày hôm nay. Tám năm sau, trong lúc hàng loạt các doanh nghiệp lâm vào tình trạng bế tắc, thậm chí phá sản thì Cỏ May quyết định nâng cấp quy mô hoạt động lên thành doanh nghiệp và chuyển sang kinh doanh xuất khẩu gạo khi sản xuất xà phòng không còn là ưu thế thời mở cửa và đem lại hiệu quả kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo của miền Tây và cả nước, trong đó thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) là trung tâm giao dịch của khu vực miền Tây. Tận dụng lợi thế vùng miền và kinh doanh mặt hàng không bao giờ hết nguồn cung là sự thay đổi vô cùng sáng suốt đã giúp Doanh nghiệp Cỏ May vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục.
Cứ thế, từ một tổ hợp sản xuất xà bông nhỏ, đến nay Doanh nghiệp Tư nhân Cỏ May đã “sinh” thêm 6 “người con”, gồm 2 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với công suất 400 ngàn tấn/năm, 1 nhà máy chế biến lương thực công suất 80 ngàn tấn/năm, 1 nhà máy sản xuất bao bì công suất gần 20 triệu sản phẩm/năm và 2 dự án sẽ triển khai trong năm 2015. Doanh thu trung bình của Doanh nghiệp Cỏ May đạt từ 2000 - 3000 tỉ đồng/mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 700 lao động.
Tại lễ khánh thành Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Cỏ Mây
Tự nhận mình là người may mắn, Thiện cho rằng, anh được thừa hưởng rất nhiều từ cha. Từ nhỏ, không chỉ có anh mà 5 anh chị em trong nhà đã được cha dạy cho cách biết quý trọng những sản phẩm do mình làm ra, được truyền thổi ngọn lửa yêu lao động, biết tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội để nuôi sống gia đình và anh em công nhân. Lớn thêm một chút, những hạt gạo trắng muốt và nhỏ xíu quê anh đã được cha khuyến khích tự biết tính toán, làm sao khi thu gom về, biết loại nào ngon, đặc điểm riêng của từng loại, phân chia và bán ra ngoài thị trường vừa có lời cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo không thiệt hại cho người nông dân. Đặc biệt, anh thấm nhuần tư tưởng của cha, phải đặt chữ tâm, chữ tình lên tất cả. Bài học từ cha anh là phải tuyệt đối biết quí trọng người lao động. Nên trong hơn nửa đời người kinh doanh, anh em công nhân đều một lòng một dạ, yêu quý và trân trọng người đã mang đến cho mình công ăn việc làm. Và ngay cả những lúc khó khăn nhất cũng không ai nỡ quay đi mà sẵn lòng ở lại cùng Cỏ May, sẻ chia gian khổ.
Năm 2014, anh Phạm Minh Thiện vinh dự nhận giải thưởng Sao Đỏ.Giải thưởng dành cho 100 doanh nhân không quá 45 tuổi, giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các doanh nghiệp Việt Nam
Nói về kế hoạch mở rộng lãnh vực hoạt động của Doanh nghiệp Cỏ May, Phạm Minh Thiện không ngại ngần chia sẻ dự tính của anh là sẽ quyết tâm đưa nhà máy sản xuất Gamma Oryzanol vào hoạt động khoảng cuối năm 2016. Anh cho biết, việc mở thêm nhà máy sản xuất bao bì, trước hết bắt đầu từ nhu cầu phục vụ cho việc chế biến, kinh doanh gạo và thức ăn chăn nuôi thì việc xây dựng nhà máy chiết xuất hợp chất Gamma Oryzanol cũng từ việc hàng ngày có hàng ngàn tấn cám gạo được thải ra từ ngành công nghiệp xay xát, chế biến lúa gạo. Xưa nay, người dân chỉ sử dụng cám gạo cho mục đích duy nhất là làm thức ăn chăn nuôi mà không biết trong thành phần của cám có hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ qúy giá như Protein, Lipit, Glucocide, Vitamin, Gamma Oryzanol…Trong đó hợp chất Gamma Oryzanol được coi như chất chống oxy hóa thực vật, có thể tạo ra nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng… Anh cho biết, nhà máy sản xuất Gamma Oryzanol sẽ là đơn vị tiên phong trong cả nước về lĩnh vực nghiên cứu và tạo ra mộtsản phẩm có ích, quý hiếm mà nước ta hiện vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi Việt Nam là nước đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Anh hy vọng khi dự án thành công, cám gạo sẽ là chính phẩm để bớt gánh nặng lên vai người nông dân và áp lực lên hạt gạo. Anh tin tưởng đây sẽ là thị trường xuất khẩu tiềm năng, cũng giống như nhu cầu về lúa gạo không bao giờ là cũ và thiếu. “Người Việt mình thông minh và chịu khó, nguyên vật liệu không thiếu sao lại không thể tạo những sản phẩm có giá trị cao mang thương hiệu Việt vươn ra ngoài thế giới? Và tôi rất mong điều đó sớm thành hiện thực với Cỏ May”.
Câu chuyện về hạt gạo với Phạm Minh Thiện dường như là nguồn cảm hứng bất tận. Anh yêu cây lúa quê mình bao nhiêu thì trăn trở để nó đem lại lợi ích cho cuộc sống của quê hương bấy nhiêu. Tuổi trẻ không bao giờ thôi khát khao chinh phục, được tạo dựng từ nền móng vững chắc cùng năng khiếu kinh doanh bẩm sinh, đường đi của anh sẽ luôn thênh thang và tươi sáng.
Dzung Lê