Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Thậm chí, người vay vốn ẩn náu trong vỏ bọc hoàn toàn mới với những bộ hồ sơ đẹp được làm giả mạo. Xung quanh vấn đề này, PV tạp chí ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
TS. Cao Sỹ Kiêm. |
PV: Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội vừa làm rõ đường dây làm, sử dụng chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và các loại giấy tờ xác nhận thu nhập giả để làm thủ tục mở thẻ tín dụng, vay tín chấp tại các ngân hàng rồi rút tiền, chiếm đoạt. Ông đánh giá sao về vụ việc này?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Không chỉ lĩnh vực ngân hàng mà lĩnh vực nào có những lỗ hổng mà các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng để trục lợi. Thời gian vừa qua, các ngân hàng đã đồng loạt đưa ra những cảnh báo đến khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, thủ đoạn của đường dây làm giả mạo giấy tờ để làm thủ tục vay tín chấp mà báo chí vừa nhắc đến là siêu tinh vi, khép kín. Sở dĩ có những vụ việc như báo chí phản ánh là do mặt trái của kinh tế thị trường. Khi công nghệ càng phát triển, các hình thức, thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo sử dụng càng tinh vi hơn. Họ sẽ tìm những lỗ hổng chính sách, pháp luật để “lách” qua. Hơn nữa, đời sống có sự phân hóa về thu nhập, nhiều người lười làm nhưng lại muốn có thu nhập cao, muốn hưởng thụ nên tìm mọi cách để hiện thực hóa điều đó, kể cả là thực hiện hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật.
PV: Đối tượng cầm đầu đường dây từng vay tiền bằng tín chấp nên biết rõ quy trình vay tiền của các ngân hàng cũng như những sơ hở trong công tác thẩm tra tài sản nên dễ dàng cho “ra lò” các loại giấy tờ giả để hợp thức hóa. Theo ông, lỗ hổng lớn nhất ở đây là gì?
TS.Cao Sỹ Kiêm: Tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng đa số là những người có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, khả năng che giấu tội phạm tinh vi, lợi dụng cơ chế chính sách, khe hở của pháp luật, sử dụng thủ đoạn nghề nghiệp để phạm tội. Trong khi đó, năng lực, trình độ chuyên môn cũng như trách nhiệm của một bộ phận cán bộ ngân hàng trong giải quyết hồ sơ tín dụng ngân hàng vẫn còn hạn chế. Trong việc này, có thể một số cán bộ tín dụng nghiệp vụ kém hoặc công tác quản lý cũng lỏng lẻo, dễ dãi quá nên mới xảy ra những sự việc đáng tiếc như thế. Trong khi đó, các cá nhân vay vốn không trung thực trước pháp luật nên hồ sơ vay vốn méo mó đi (cụ thể ở đây là hồ sơ bị làm giả-PV). Hơn nữa, vì chỉ tiêu, một số nhân viên làm tín dụng đã bỏ qua quy định về thẩm định tài sản của ngân hàng, đây là kẽ hở để cho các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế có cả chuyện nhân viên tín dụng dễ dãi trong việc thẩm định để được nhận “hoa hồng” từ mỗi hợp đồng vay vốn thành công.
PV: Nói như vậy, những lỗ hổng không chỉ nằm ở cơ chế chính sách mà ở ngay yếu tố con người- nhân viên thẩm định của ngân hàng, thưa ông?
TS.Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi, một đồng vốn bỏ ra đều phải kiểm soát. Các cấp cũng phải vào cuộc chứ không chỉ là ngân hàng. Nhân viên ngân hàng càng cẩn trọng, đảm bảo các nguyên tắc càng giảm thiểu rủi ro cho đơn vị của mình. Nếu làm nghiêm túc, tôi tin rằng việc một bộ hồ sơ được làm giả từ A đến Z sẽ không thể “lọt cửa” kiểm định một cách dễ dàng. Đó là những tiêu cực trong tín dụng mà cần phải loại bỏ. Quản lý lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp của ngân hàng và ý thức chấp hành luật pháp của nhân viên ngân hàng còn thấp chính là lỗ hổng lớn. Từ vụ việc trên, theo tôi, các đơn vị tín dụng, ngân hàng cũng đã tự rút ra cho mình được nhiều bài học.
PV: Vụ việc vừa qua cho thấy, kẽ hở của ngân hàng còn khá lớn, dẫn đến thất thoát vốn và tăng nợ xấu. Theo ông, đâu là giải pháp ngăn ngừa những vụ việc tương tự?
TS.Cao Sỹ Kiêm: Giải pháp để hạn chế tình trạng vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng đòi hỏi cần được tiến hành đồng bộ, tăng cường kiểm tra giám sát tại các tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Cán bộ quản lý hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính... cần được đào tạo trình độ chuyên sâu, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng phát hiện, xử lý tình huống, nhận biết dấu hiệu vi phạm. Phong cách làm việc, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật kỷ cương của đội ngũ cán bộ ngân hàng là yếu tố quyết định. Phải có “bàn tay sắt”- kỷ luật gắn với trách nhiệm đối với cán bộ trong từng khâu cụ thể (làm hồ sơ, thẩm định...). Bên cạnh việc minh bạch cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần đề cao trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không thể để tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”. Tôi tin, khi đưa những vụ án này ra xét xử, chúng ta mới thấy có một kẽ hở lớn để cho tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hoạt động. Nếu xét xử nghiêm minh sẽ có tác dụng răn đe.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Thủ tướng chỉ thị tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư... có chiều hướng gia tăng. Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, không đúng quy định pháp luật về hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, phòng ngừa đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động như cho vay, thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền... Phối hợp bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong công tác xác minh, xử lý tội phạm; kịp thời có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc, vụ án. |