Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ông Trump hưởng lợi gì sau cuộc nói chuyện suốt 2 giờ đồng hồ với tỷ phú Elon Musk?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Theo bộ đếm của X, sau 2 giờ phát sóng, có hơn một triệu người nghe trực tiếp cuộc phỏng vấn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với tỷ phú Elon Musk.

Cuộc nói chuyện lan man, ông chủ X bị chê

Cuộc nói chuyện cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với tỷ phú Elon Musk đã được chờ đợi từ lâu, nhưng dường như ông chủ X vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt. Trong cuộc nói chuyện, ông Musk nhiều lần muốn ngắt lời ông Trump ở giữa một chủ đề, nhưng cựu tổng thống Mỹ hầu như luôn bỏ qua và tiếp tục câu chuyện của mình. Sau đó, tỷ phú Elon Musk phải chèn những câu đệm để đồng ý, tán dương ông Trump.

Cách nói chuyện của ông Musk bị chê khá nhiều trên X. Grok, AI của nền tảng này tổng hợp bình luận người dùng trên X và cho rằng kỹ năng phỏng vấn của ông Musk bị chê tệ hại, yếu kém, không tương tác nhiều với người được hỏi và không kiểm soát được cuộc trò chuyện.

"Về tổng thể, phần lớn ý kiến cho rằng Elon Musk không phải người có kỹ năng phỏng vấn", Grok kết luận trong phần tổng hợp.

Cuộc trò chuyện của ông Donald Trump và ông Elon Musk nhận được hơn 1,3 triệu người xem vào thời điểm đạt đỉnh. Ảnh: Reuters.

Nội dung buổi trò chuyện khá rộng và lan man. Cựu Tổng thống và Giám đốc điều hành Tesla không ngừng bày tỏ sự ngưỡng mộ lẫn nhau và thảo luận về quan điểm chính trị của họ.

“Đây sẽ là một tương lai thú vị, đầy cảm hứng. Mọi người có thể mong đợi và lạc quan, hào hứng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đó là tương lai mà tôi nghĩ ông hoàn toàn có thể tạo ra với tư cách là tổng thống. Và đó là lý do tại sao tôi ủng hộ ông”, ông Musk tán thưởng  ông Trump.

Đáp lại, ông Trump nói: “Chà, tôi đánh giá cao điều đó. Chiến dịch ủng hộ của anh có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Không phải tất cả chiến dịch đều có ý nghĩa lớn như vậy. Thành thật mà nói, sự ủng hộ của anh giúp ích tôi rất nhiều".

Khi nói về viễn cảnh ông Trump trúng cử và lập chính quyền mới, tỷ phú Elon Musk thậm chí nhắc đến việc mình có thể tham gia trong một ủy ban kiểm soát chi tiêu của chính phủ.

"Tôi sẽ rất vui được tham gia một ủy ban như vậy", ông chủ mạng xã hội X nói.

Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, từ khóa "nói nhảm" (xuất hiện trong 20.000 bài đăng) đang nằm trong top thịnh hành trên Twitter.

Ảnh chụp ông Donald Trump khi đang trò chuyện với tỷ phú Elon Musk. trên Twitter Spaces. Ảnh: Daily Caller.

Những vấn đề nào được nhắc tới?

Một trong những điểm đáng chú ý trong cuộc nói chuyện là tỷ phú Musk và ông Trump đã than thở về việc hàng triệu tội phạm từ khắp nơi trên thế giới tràn vào Mỹ. Ứng cử viên đảng Cộng hòa phỉ báng những người nhập cư không có giấy tờ trong suốt chiến dịch tranh cử của mình.

Ông Trump còn đùa rằng thống kê về số lượng người nhập cư đã cứu mạng ông. Vì khi ông đang chỉ trích nó trong buổi kêu gọi bầu cử, tay súng đã cố ám sát ông. Viên đạn sượt qua tai nhưng ông không bị thương nặng.

“Nhập cư bất hợp pháp đã cứu mạng tôi”, ông Trump nói đùa trong buổi phỏng vấn.

CEO Tesla ca ngợi phản ứng tức thời của ông Trump. “Ông không thể giả vờ dũng cảm trong hoàn cảnh như vậy. Tôi nghĩ rất nhiều người ngưỡng mộ lòng dũng cảm của ông dưới làn đạn khi đó”, ông chủ X nói với ông Trump.

Ông Trump đồng thời đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ Joe Biden vì đã đưa thế giới đến gần hơn với Thế chiến III bằng cách gửi tín hiệu sai cho Tổng thống Nga Putin. Ông còn đổ lỗi cho chính quyền hiện tại về các vấn đề liên quan đến chiến sự tại Ukraine và tình hình Israel-Palestine.

Chính quyền của ông Joe Biden được nhắc tới trong cuộc nói chuyện. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, điều xuất hiện nhiều nhất trong hơn hai giờ phỏng vấn là những lời công kích bà Harris, bên cạnh những lời tán tụng nhau giữa hai tỷ phú.

"Bà ấy là người theo chủ nghĩa cực tả", ông Trump nói. Cựu tổng thống Mỹ cũng cho rằng Tổng thống Biden đã bị đảng Dân chủ gạt sang một bên để nhường chỗ cho phó tướng Harris, dù không đưa ra bằng chứng. "Bà ấy chưa từng trả lời phỏng vấn kể từ khi trò lừa đảo này bắt đầu. Nói gì thì nói, đây vẫn là một cuộc lật đổ nhằm vào một tổng thống Mỹ".

Tỷ phú Elon Musk tỏ ra đồng tình rằng Harris là người theo chủ nghĩa cực tả, đồng thời tâng bốc Trump bằng cách ám chỉ rằng ứng viên Cộng hòa là người mạnh mẽ, trong khi đối thủ của ông rất yếu đuối.

Hai bên nhận được gì?

Reuters nhận định sự kiện này là cơ hội để cựu tổng thống Donald Trump giành lấy sự chú ý khi chiến dịch tranh cử của ông đang phải đối mặt với nhiều hàng loạt bất lợi.

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy bà Harris không chỉ thu hẹp khoảng cách với ông Trump về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc, mà còn vươn lên dẫn trước ở các bang chiến trường quan trọng.

Tình hình này khiến ông Trump rất cần một đòn bẩy để thu hút sự chú ý trở lại của giới truyền thông cũng như dư luận Mỹ và cuộc phỏng vấn do ông Musk đề xuất được coi là đòn bẩy quan trọng đó.

Cuộc phỏng vấn giúp ông Trump đưa ra một số luận điểm chính sách tập trung hơn cho nhiệm kỳ hai, thay vì những lời công kích cá nhân nhắm vào bà Harris. Cả ông và tỷ phú Musk đều cáo buộc Tổng thống và Phó tổng thống đương nhiệm đã thi hành những chính sách chi tiêu làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lạm phát, ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ.

Song những tuyên bố quanh co, thiếu dữ liệu và các thuyết âm mưu mà ông Trump đưa ra cũng có thể khiến cử tri bất bình hơn với ông, khiến cựu tổng thống khó lôi kéo cử tri là phụ nữ và những người sống ở vùng ngoại ô tại các bang chiến trường.

 Cuộc phỏng vấn với tỷ phú Musk được coi là đòn bẩy quan trọng. Ảnh: Daily Caller.

Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk đã gây được ấn tượng với ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, thể hiện quan điểm về nhập cư, kinh tế, quy định kiểm soát của chính phủ và cắt giảm thuế. Các công ty của ông Musk, trong đó có SpaceX và Tesla, đều có thể chịu ảnh hưởng vì những thay đổi trong chính sách của Mỹ. Không người dân Mỹ bình thường nào có được cơ hội đối thoại trực tiếp với tổng thống tiềm năng như vậy.

Ông Musk thậm chí còn đề xuất đảm nhận vị trí trong chính quyền ông Trump, có thể là ủy ban chuyên "xem xét những vấn đề chi tiêu và hạch toán tiền của người đóng thuế".

Stephen Collinson, bình luận viên của CNN, nhận định cuộc phỏng vấn là ví dụ cụ thể cho thấy nền chính trị Mỹ đã thay đổi đáng kể bởi mạng xã hội, trong bối cảnh báo chí truyền thống bị chia rẽ.

Các thành viên đảng Cộng hòa cho rằng báo chí Mỹ gần đây tập trung quá nhiều vào bà Harris và "bỏ quên" ông Trump. Đây dường như là động lực để cựu tổng thống tìm đến với ông Musk, người đã mua lại Twitter và đổi tên mạng xã hội này thành X, cũng như khôi phục tài khoản của ông Trump.

Khả năng tận dụng những nền tảng mới sẽ mang lại nhiều lợi thế cho cựu tổng thống so với đối thủ.

Tin nổi bật