Ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng Moscow có thể tấn công các cơ sở quân sự của bất kỳ quốc gia nào có vũ khí được sử dụng để chống lại Liên bang Nga.
Tổng thống Putin cũng lần đầu tiên thông báo chi tiết về 2 cuộc tấn công của quân đội Ukraine bằng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do Mỹ và Anh cung cấp.
“(Quân đội Ukraine) ngày 19/11 đã sử dụng 6 quả tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS và ngày 21/11 sử dụng đòn tấn công hỗn hợp bằng tên lửa Storm Shadow do Anh chế tạo và hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất để nhằm vào các cơ sở quân sự của Liên bang Nga tại khu vực Bryansk và Kursk", nhà lãnh đạo nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Theo ông Putin, hệ thống phòng không của Liên bang Nga đã đẩy lùi các cuộc tấn công này và việc sử dụng các loại vũ khí như vậy không thể ảnh hưởng đến tiến trình của các hành động quân sự trong khu vực mà Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt.
Cụ thể, cuộc tấn công của Ukraine vào kho đạn dược ở Bryansk đã bị lực lượng phòng không Nga chặn đứng, không gây thương vong, mà chỉ gây thiệt hại nhỏ về tài sản.
Cuộc tấn công thứ hai nhằm vào một sở chỉ huy quân sự ở Kursk khiến các nhân viên an ninh và hỗ trợ thương vong. Tuy nhiên, các nhân viên chỉ huy không hề hấn gì và tiếp tục điều hành chiến dịch đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi Kursk.
"Kể từ thời điểm đó, cuộc xung đột Ukraine do phương Tây kích động trước đây đã mang lại những yếu tố có tính chất toàn cầu, như chúng tôi từng hơn một lần cảnh báo. Xung đột khu vực Ukraine do phương Tây hậu thuẫn đã mang lại những yếu tố của một cuộc xung đột toàn cầu", ông Putin nói.
Chủ nhân Điện Kremlin một lần nữa tuyên bố vũ khí tầm xa của phương Tây không thể giúp Ukraine xoay chuyển tình hình, thay đổi bản chất của cuộc xung đột và biến NATO thành một bên tham gia trực tiếp vào các cuộc giao tranh.
Chủ nhân Điện Kremlin lập luận rằng, Ukraine không thể thực hiện một cuộc tấn công tầm xa nếu không có sự tham gia của quân nhân phương Tây.
Tên lửa tầm xa. Ảnh minh họa
Để đáp lại các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine, Nga đã tấn công một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro bằng tên lửa đạn đạo tầm trung đời mới có tên gọi Oreshnik và không mang đầu đạn hạt nhân.
Dù vậy, Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng Moscow luôn ủng hộ giải pháp hòa bình và sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề gây tranh cãi.
Đầu tuần này, Tổng thống Putin đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi theo hướng hạ thấp ngưỡng sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân. Giới quan sát cho rằng, động thái này của Moscow nhằm "nắn gân", ngăn chặn phương Tây tiếp tục cấp vũ khí tầm xa cho Kiev.
Về phía Liên hợp quốc, người phát ngôn của cơ quan này kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm giảm căng thẳng.
"Điều chúng tôi muốn thấy là chấm dứt cuộc xung đột này theo các nghị quyết của Đại hội đồng, luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ", người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh.