“Nếu không có nguồn ngân sách bổ sung, chúng tôi sẽ nhanh chóng hết khả năng hỗ trợ Ukraine cũng như đáp ứng các yêu cầu hoạt động khẩn cấp mà nước này có”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Chủ nhân Nhà Trắng cam kết Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí và thiết bị quan trọng trong khả năng của mình. “Ông Putin đang trông chờ vào việc Mỹ không thể giúp đỡ Ukraine. Chúng ta phải chứng minh rằng ông ấy đã sai”, ông nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP
Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã đề xuất một dự luật ngân sách mới gồm bao gồm khoản 50 tỷ USD hỗ trợ an ninh, viện trợ nhân đạo và kinh tế cho Ukraine. Tuy nhiên, ngày 6/12, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã quyết định chặn dự luật này vì thiếu các điều khoản về tăng cường an ninh biên giới phía Nam.
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ không từ bỏ sự ủng hộ đối với Ukraine vì nước này có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thế giới. Ông nhấn mạnh vẫn có sự ủng hộ nhất định đối với Ukraine từ lưỡng đảng và ông sẵn sàng nhượng bộ về chính sách biên giới nếu điều đó đồng nghĩa với việc thông qua gói ngân sách.
Cũng trong cuộc gặp mặt với Tổng thống Zelensky, ông Biden đã thông báo về việc phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 200 triêu USD cho Ukraine. Gói viện trợ bao gồm đạn phòng không, các thành phần của hệ thống phòng không, đạn bổ sung cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, đạn pháo 155mm và 105mm, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, đạn chống thiết giáp, đạn dược vũ khí nhỏ, rào chắn HESCO và các phụ tùng thay thế.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau đó cho hay gói viện trợ quân sự mới này có thể là một trong những gói viện trợ cuối cùng của Washington dành cho Kiev trừ khi Quốc hội thông qua dự luật ngân sách bổ sung.
Mỹ là hiện quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi chiến sự với Nga nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình chiến sự tiếp tục kéo dài được cho là đã làm dấy lên lo ngại về tâm lý mệt mỏi ở Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev.
Ngày 12/12, hơn 100 nhà lập pháp cấp cao của châu Âu cũng đã gửi một lá thư chung tới những người đồng cấp của họ ở Mỹ và kêu gọi Quốc hội nước này phê duyệt gói ngân sách viện trợ mới dành cho Ukraine.
Động thái viết thư kêu gọi được khởi xướng bởi Nghị sĩ Pháp Benjamin Haddad và được các nhà lập pháp từ ít nhất 17 quốc gia bao gồm cả Pháp, Đức, Ý, Ba Lan và Ireland ký tên. Trong thư, các nhà lập pháp châu Âu nhấn mạnh rằng chi tiêu quân sự đã tăng lên trên khắp châu Âu nhưng viện trợ quân sự của Mỹ là rất quan trọng và cấp bách.
Phương Uyên (Theo Tass và Pravda)