Báo Thanh niên dẫn nguồn Hãng AFP ngày 2/1 dẫn lời một quan chức địa phương cho hay hơn 2.200 người được sơ tán đến những trung tâm tạm cư, sau khi một núi lửa gia tăng hoạt động ở phía đông Indonesia.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở tỉnh Đông Nusa Tenggara đã phun trào vài lần trong những ngày qua, trong đó có đợt phun trào ngày 1/1 với khối tro bụi cao 1,5 km so với đỉnh núi, theo Trung tâm Giảm thiểu rủi ro Núi lửa và Địa chất Indonesia (PVMBG).
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở tỉnh Đông Nusa Tenggara đã phun trào vài lần trong những ngày qua. Ảnh: AFP.
Tro núi lửa từ những vụ phun trào gần đây đã ảnh hưởng đến 2 khu vực gần núi Lewotobi Laki-Laki, khiến hơn 2.200 cư dân phải sơ tán đến những nơi trú ẩn tạm thời do chính quyền địa phương thành lập, theo quan chức Benediktus Bolibapa Herin tại huyện Đông Flores.
"Có 1.931 người sơ tán ở tiểu khu Wulanggitang và 328 người sơ tán ở tiểu khu Ile Bura. Do sự gia tăng hoạt động của núi lửa Lewotobi Laki-Laki, các cộng đồng phải được di dời đến vùng an toàn để đề phòng những điều không mong muốn", quan chức này nói và cho biết số người sơ tán có thể tăng lên do nhiều người muốn tìm nơi an toàn.
VOV cho biết, đến ngày 2/1, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) tiếp tục phát hiện tro bụi núi lửa trên không trung. Điều này có thể đe dọa tới động cơ máy bay. Do vậy, để đảm bảo an toàn hàng không, cơ quan điều hành sân bay Frans Seda Maumere ở tỉnh Đông Nusa Tenggara quyết định gia hạn thời gian đóng cửa sân bay này từ ngày 1/1 đến 2/1.
Chính quyền địa phương đang khẩn trương cung cấp lều bạt, chăn, gạo, dầu ăn, nước sạch, khẩu trang… cho người dân bị ảnh hưởng. Ảnh: Liputan6.
Núi lửa Lewotobi Laki-laki nằm cách thị trấn Labuan Bajo – một trong 5 điểm đến du lịch “siêu ưu tiên” của Indonesia” – khoảng 600 km.
Sau vụ phun trào hôm 1/1, nhà chức trách đã nâng cảnh báo tình trạng núi lửa Lewotobi Laki-laki từ cấp độ II (cảnh báo) lên cấp độ III (sẵn sàng trước tình huống khẩn cấp). Trước đó, hôm 23/12/2023, núi lửa Lewotobi Laki-laki cũng đã phun trào, tạo ra các vết nứt trên đỉnh núi.
Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực có nhiều hoạt động núi lửa và địa chấn. Tháng 12/2023, núi lửa Merapi ở đảo Sumatra phun trào khiến 23 người thiệt mạng. Indonesia có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động.
Như Quỳnh (T/h)