Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người Việt kể lại giây phút tháo chạy trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Nhật Bản

  • Như Quỳnh
(DS&PL) -

Trận động đất mạnh xảy ra ở miền Trung Nhật Bản ngày 1/1 đã phá hủy các tòa nhà, hàng chục nghìn ngôi nhà bị mất điện và khiến người dân ở một số khu vực ven biển phải sơ tán đến vùng đất cao hơn.

VTVT cho biết, trận động đất với cường độ sơ bộ 7,6 xảy ra vào buổi chiều 1/1/2024 (theo giờ địa phương) đã phá hủy các tòa nhà, hàng chục nghìn ngôi nhà bị mất điện và khiến người dân ở một số khu vực ven biển phải sơ tán đến vùng đất cao hơn.

Trận động đất đã gây ra những đợt sóng cao khoảng 1 mét dọc theo bờ biển phía Tây Nhật Bản, cũng như ở nước láng giềng Hàn Quốc.

Quân đội Nhật Bản đã được điều động để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ, trong khi một sân bay địa phương phải đóng cửa sau khi trận động đất gây ra nhiều vết nứt trên đường băng.

Trận động đất đã phá hủy các tòa nhà, khiến người dân ở một số khu vực ven biển phải sơ tán đến vùng đất cao hơn. Ảnh: AP/TTXVN.

Chính phủ Nhật Bản cho biết, tính đến tối 1/1, chính quyền nước này đã ra lệnh sơ tán hơn 97.000 người ở 9 huyện thuộc khu vực bờ biển phía Tây của đảo chính Honshu. Người dân qua đêm trong các phòng thể thao và phòng tập thể dục của trường học, thường được sử dụng làm trung tâm sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.

Theo trang web của Điện lực Hokuriku, gần 33.000 hộ gia đình vẫn không có điện ở tỉnh Ishikawa vào sáng sớm 2/1.

Cơ quan Nội chính Hoàng gia cho biết, sau thảm họa, họ sẽ hủy bỏ sự xuất hiện dự kiến vào dịp năm mới của Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako vào ngày 2/1.

Ít nhất 30 tòa nhà bị sập ở Wajima, một thị trấn với khoảng 30.000 dân nổi tiếng với đồ sơn mài, và lửa đã nhấn chìm một số tòa nhà.

Trận động đất cũng làm rung chuyển các tòa nhà ở thủ đô Tokyo, cách Wajima khoảng 500 km ở bờ biển đối diện.

Đường sắt Tây Nhật Bản đưa tin vào tối 1/1 rằng tổng cộng 1.400 hành khách vẫn bị mắc kẹt trên bốn tuyến tàu cao tốc bị tạm dừng giữa các thành phố Kanazawa và Toyama.

Cơ quan giao thông vận tải Nhật Bản xác nhận, một trong những sân bay của tỉnh Ishikawa đã buộc phải đóng cửa do xuất hiện các vết nứt trên đường băng.

Các máy bay của hãng hàng không Nhật Bản ANA đã quay trở lại các sân bay ở thành phố Toyama và tỉnh Ishikawa, trong khi Japan Airlines hủy hầu hết các chuyến bay đến khu vực thành phố Niigata và tỉnh Ishikawa.

Chia sẻ trên báo Dân trí, Đỗ Phương (26 tuổi, sống tại thị trấn Nakanoto, tỉnh Ishikawa) cho biết, khi trận động đất xảy ra, cô vội tháo chạy ra ngoài, chỉ kịp mang theo giấy tờ cá nhân. Khu vực cô gái Việt sinh sống thuộc tâm chấn động đất ở vùng Noto, tỉnh Ishikawa.

Trận động đất khiến một vài ngôi nhà xung quanh hư hỏng nặng. Ảnh: Dân trí.

"Bát đũa, vật dụng trong nhà rơi vỡ, xáo trộn. Rung lắc dữ dội khiến tôi cảm thấy chóng mặt kinh hoàng", Phương kể, cho biết sau 5 tiếng, dư chấn vẫn chưa dứt hẳn. Một vài ngôi nhà xung quanh hư hỏng nặng. 

Hơn 4 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, đây là lần đầu tiên cô trải qua một trận động đất mạnh đến vậy. Những lần trước, động đất diễn ra trong đêm và rung lắc nhẹ khoảng một phút.

Phương sơ tán đến nhà văn hóa cách đó không xa, bên trong có sẵn chăn, gối, thức ăn nhẹ và nước uống. Không riêng cô, một vài người dân địa phương cũng đang tạm cư trú tại đây chờ tình hình tiếp theo.

"Tôi chưa dám quay lại nhà, lo lắng sẽ tiếp tục xảy ra động đất", cô kể.

Cách đó 100km, Kim Chi (30 tuổi) đang làm việc trong một công ty thực phẩm ở Hakusan (tỉnh Ishikawa) cảm thấy sàn nhà rung lắc mạnh, khiến đầu óc cô quay cuồng. Hai trận rung lắc nhẹ kế tiếp, điện thoại cô và đồng nghiệp ngay lập tức vang lên cảnh báo động đất và sóng thần.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo "sắp có rung chấn mạnh, hãy bình tĩnh và tìm nơi trú ẩn gần bạn". Trong một cảnh báo sóng thần, họ yêu cầu người dân "sơ tán ngay lập tức ra khỏi các vùng ven biển và ven sông, đến một địa điểm an toàn hơn". 

Cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo "sắp có rung chấn mạnh, hãy bình tĩnh và tìm nơi trú ẩn gần bạn". Ảnh: Dân trí.

Do chỉ cách bờ biển 500m, đe dọa nguy cơ sóng thần, công ty của Chi vội tìm cách sơ tán nhân viên. Trong khi đó, đợi tình hình ổn định, cô đạp xe hơn 2km từ công ty về ký túc xá. 

"Dù lo lắng, tôi cố đạp thật nhanh", Chi kể.

Cô cho biết mới sang Nhật Bản được 6 tháng theo diện thực tập sinh mà đã trải qua một trận động đất "nhớ đời". Trước khi sang Nhật, cô đã tham gia khóa học bảo vệ bản thân khi có thiên tai xảy ra.

Nghiệp đoàn và công ty liên tục trấn an, thông báo khẩn, dặn cô và mọi người chuẩn bị một số đồ thiết yếu như: hộ chiếu, thẻ cư trú, tiền mặt, đồ ăn và nước uống, sẵn sàng trong mọi tình huống sơ tán.

"Họ hỏi thăm tình hình, nhắc nhở nếu gặp sự cố phải liên lạc ngay để kịp thời được hỗ trợ. Người thân ở Việt Nam biết tin cũng liên tục gọi điện và nhắn tin, tôi thông báo đã ổn định", Chi kể.

Theo thông tin từ TTXVN, ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý Lao động Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam, cho biết sau khi trận động đất xảy ra, ban đã lập tức liên hệ với chính quyền những địa phương bị ảnh hưởng thiên tai có lao động Việt Nam làm việc.

Theo thông tin ban đầu, một số nhà dưỡng lão ở tỉnh Niigata có thực tập sinh Việt Nam làm việc đã được sơ tán lên vùng cao lánh nạn để đề phòng nguy cơ sóng thần. Ngoài ra, Ban quản lý Lao động Việt Nam đang xác nhận thông tin liên quan đến lao động người Việt tại các khu vực khác, trong đó đặc biệt là tỉnh Ishikawa, nơi có nguy cơ sóng thần cao nhất. 

Bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hiện cũng đang liên hệ với các địa phương bị ảnh hưởng động đất để xác nhận thông tin liên quan đến an toàn của người Việt tại các khu vực này, sẵn sàng thực hiện công tác bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Như Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật