Đây là câu chuyện của cô Vũ Thị Hương - Giảng viên Khoa đào tạo luật sư Học viện Tư pháp, một ngôi trường chuyên đào tạo ra các Luật sư và chức danh Tư pháp.
Nữ giảng viên chia sẻ, cô sinh ra tại tại một miền quê yên bình bên sông ở Thái Bình. Sau khi học xong trung học, cô Vũ Thị Hương vào học tại Cao Đẳng Kiểm sát để kế tiếp đam mê nghề Luật đã được người cha truyền lửa. Ra trường, cô gắn bó với nghề Luật và hoạt động trong lĩnh vực Tư pháp, rồi chuyển sang giảng dạy tại Học viện Tư Pháp. Tính đến nay, nNữ giảng viên đã có 26 năm công tác trong lĩnh vực Tư pháp.
Nữ giảng viên Vũ Thị Hương – Người truyền lửa cho nhiều thế hệ Luật sư
Tại Học viện, cô Hương giảng dạy môn Luật sư và nghề Luật sư, trực thuộc Khoa đào tạo Luật sư. Có thể nói, những giảng viên như cô Hương đã góp phần lan tỏa tình yêu nghề với những người học luật và hành nghề luật. Quan trọng hơn nữa, cô Hương cũng mang một trọng trách to lớn trong việc bồi đắp đạo đức, kiến thức cho người hành nghề luật.
"Trong thời gian giảng dạy tại Học viện Tư pháp, đặc biệt là tham gia giảng dạy đào tạo ra các luật sư trong tương lai, bản thân tôi thấy đây là một môi trường rất đáng được trân trọng và tự hào! Học viên đến với giảng đường từ mọi miền đất nước, có những ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ, có cả sự đam mê công hiến của những người giàu kinh nghiệm. Điểm chung ở họ là đến đây không chỉ để được đào tạo kỹ năng nghề, mà họ được trải nghiệm một cách khoa học và tích lũy được nhiều kiến thức trong nhiều lĩnh vực pháp luật!
Một tiết học phiên tòa giả định của giảng viên Vũ Thị Hương tại Học viện Tư pháp.
Với đặc thù của lĩnh vực giảng dạy, chắc chắn cô đã tiếp xúc với nhiều học viên ở độ tuổi và điều kiện khác nhau, điều này có gây ra khó khăn cho cô trong việc truyền thụ kiến thức?
- Đối với tôi, được đứng lớp giảng dạy trong môi trường này, tôi thấy đó là sự may mắn trong cuộc đời người thầy, sự may mắn đó chính là bản thân tôi cũng được trao dồi, bổ sung các kiến thức khác ngoài kiến thức về pháp luật của nhiều thế hệ học viên!
Vì đặc thù việc học luật không giới hạn đối tượng học, pháp luật là thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Tôi và các giảng viên khác của học viên luôn mong muốn có nhiều người tiếp cận được với các kiến thức pháp luật. Thực tế, học viên của tôi không chỉ là các bạn trẻ, mà còn có người là bác sĩ giỏi, có người là tiến sỹ triết học, tiến sĩ kinh tế, phóng viên, nghệ sĩ và thậm chí có cả những người có quốc tịch nước ngoài, những chuyên gia giàu kinh nghiệm…
Mỗi người đều là một kho tàng kiến thức trong chuyên môn của họ, do đó đến với lớp học chúng tôi không chỉ là cương vị thầy trò, mà còn có thể trao đổi, thảo luận với nhau nhiều lĩnh vực trong cuộc sống”.
Với gần 30 năm hoạt động một số công việc trong lĩnh vực Tư pháp, cô thấy việc giảng dạy khác gì với những công việc khác trong ngành?
- Cũng không có khó khăn nào hiện thị một cách rõ ràng với người làm thầy bởi công việc của chúng tôi là truyền thụ kiến thức, và lan tỏa năng lượng tích cực, tình yêu nghề đến học viên.
Nhưng có lẽ, đối với tôi, việc giảng dạy tại học viện so với thời gian còn là công chức ngành Tư pháp, tôi thấy mình cần có sự bản lĩnh, tự tin, am hiểu sâu rộng về lĩnh vực mình truyền đạt. Điều này khiến tôi còn phải chịu khó nghiên cứu học hỏi những điểm mới, đưa các kiến thức thực tiễn vào giảng dạy.
Từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, tôi luôn quan niệm, vai trò của người giảng viên không chỉ gói gọn trong việc cung cấp kiến thức cho người học, mà cần giúp người học rèn luyện được các kỹ năng cần thiết trong công việc.
Trên cương vị là một giảng viên khoa đào tạo luật sư, điều quan trọng nhất là mình phải được thực tiễn nghề song song với lĩnh vực nghiên cứu giảng dạy! Như người ta vẫn nói “học suốt đời” là vì thế!
Vậy kỷ niệm nào khiến cô nhớ nhất trong quãng thời gian hoạt động giảng dạy cũng như công tác trong lĩnh vực Tư pháp?
- Với tôi, mỗi ngày được đứng lớp đều sẽ trở thành những hồi ức đẹp trong sự nghiệp giảng dạy của mình. Bên cạnh đó, kỷ niệm đang nhớ nhất và đong đầy cảm xúc của tôi là khi tôi được đem kiến thức của mình hỗ trợ và đống hành cùng một người em thân thiết! Vụ việc tưởng chừng khó khăn bế tắc nhưng do người tư vấn và người được tư vấn rất tin tưởng nhau cùng với sự cương quyết khéo léo của những người trong cuộc nên vụ việc đã được khép lại như mong muốn.
Đây cũng là một trong những điều tôi muốn các học viên của mình thấu hiểu và trau dồi, thực hiện trong quá trình hành nghề sau này. Đối với những người tư vấn pháp luật, những Luật sư ngoài việc tôn trọng pháp luật thì yêu cầu luôn phải tôn trọng khách hàng của mình, ngoài việc tư vấn cho họ thì cần đồng cảm, chia sẻ, đặt vào vị trí của khách hàng để thực sự hiểu câu chuyện của họ. Người hành nghề luật phải làm việc bằng cả cái tâm với nghề.
Nữ giảng viên có tình yêu lớn với nghệ thuật.
Được biết, cô Vũ Thị Hương ngoài tình yêu nghề luật, cô còn dành tình yêu rất lớn cho nghệ thuật. Ít ai biết được, nữ giảng viên có một tầm hồn nghệ sĩ, sau khoảng 10 năm sáng tác, nữ giảng viên Luật đã viết hơn 300 bài thơ tình, chủ yếu về tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước, trong đó có hơn 70 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc và gần 30 bài hát cô tự viết nhạc. Cô Hương chia sẻ, nghệ thuật đến với cô một cách rất tự nhiên, đó là cảm xúc thật bên trong con người mình.
Những người làm luật thường rất nghiêm túc, thực tế, nhưng hình như cô lại rất mơ mộng?
- Bạn cũng nói đúng phần nào, chính việc giảng dạy, gắn bó với nghề luật cũng là nguồn cảm hứng để tôi sáng tác nghệ thuật.
Nhiều tác phẩm tôi sáng tác là một câu chuyện của đời thực mà tôi đã từng tham gia tư vấn hỗ trợ pháp lý cho nhân vật, là câu chuyện tôi tiếp xúc thực tiễn, để từ đó nói lên nỗi lòng của mình với sự cảm thông sâu sắc, chia sẻ động viên làm xoa dịu sự tổn thương trong tâm hồn của nhân vật trước những trái ngang của cuộc đời, đôi khi như của chính mình.
Với tôi, đằng sau mỗi vụ việc là một câu chuyện, sau mỗi câu chuyện là một cuộc đời và đặc biệt sau mỗi cuộc đời là một tác phẩm âm nhạc!
Một cuộc trò chuyện chắc chắn chưa thể truyền tại hết những nỗi niềm của giảng viên Vũ Thị Hương, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết và tình yêu nghề giáo của cô. Chắc chắn, với ngọn lửa yêu nghề của mình, cô Vũ Thị Hương sẽ tiếp tục lan tỏa, truyền được cảm hứng cho các học viên thêm yêu nghề, các luật sư tương lai thêm tin tưởng vào sự lựa chọn nghề nghiệp, vững tâm hành nghề với đúng đạo đức của người luật sư. Đồng thời, cô luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cho những giảng viên trẻ, là nhân tố tích cực xây dựng và lan tỏa các phong trào thi đua của Học viên Tư pháp.
Bảo An