(ĐSPL) - Nhanh nhẹn và bận rộn, NSND Hồng Lựu đang miệt mài tập luyện cho các diễn viên trẻ ở sân khấu kịch. Những ngày này, chị vẫn chưa hết vui mừng, hạnh phúc và tự hào khi những điệu hò ví, giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
NSND Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, người được ví như “cây đa, cây đề về dân ca ví, giặm” ở Nghệ An. Không chỉ là một diễn viên xuất sắc, Hồng Lựu còn là một đạo diễn tâm huyết và có tài, góp phần giữ lửa di sản dân ca xứ Nghệ. Ngày 27/4/2012, Chủ tịch nước ký Quyết định số 533/QĐ-CTN phong tặng cho chị danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ Nhân dân”.
Sinh năm 1967 ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An), trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1985 Hồng Lựu vào học tại Trường Nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Năm 1987, cô về thực tập tại đoàn dân ca Nghệ Tĩnh và đóng thành công vai Thảo trong vở “Ông vua hóa hổ” (kịch bản của nhà viết kịch quá cố Lưu Quang Vũ). Năm 1988, Hồng Lựu chính thức về đoàn dân ca Nghệ Tĩnh.
|
NSND Hồng Lựu trong giờ tập luyện (người mặc áo tím ngồi giữa) |
Ngoài tư cách là một diễn viên trưởng thành từ thực tiễn sân khấu, Hồng Lựu còn tham gia chuyển thể nhiều tiết mục từ dạng kịch nói sang hình thức dân ca kịch, nhào nặn lại diện mạo của kịch bản. 30 năm đứng trên sân khấu, NSND Hồng Lựu đã có hơn 60 vai diễn khác nhau, mỗi vai diễn của chị đều ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Chị 8 lần tham gia Liên hoan hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, 8 lần giành được Huy chương Vàng và 3 giải nghệ sỹ xuất sắc. Đến nay, nhắc đến dân ca xứ Nghệ, không thể không nhắc tới NSND Hồng Lựu, người phụ nữ dành gần trọn cuộc đời cho từng câu hát, từng làn điệu ví, giặm quê hương.
Có những lúc, áp lực của cuộc sống với những mối lo về kinh tế làm chị muốn từ bỏ nhưng vì dân ca “ngấm” vào máu chị nên không thể bỏ được. Với chị, cuộc sống mưu sinh khó khăn và quãng thời gian lăn lộn với những gánh hàng đã để lại cho chị muôn vàn cái “được”, mà cái được lớn nhất chính là ngọn lửa về niềm yêu thích những điệu hò ví, giặm. Càng tiếp xúc với những người dân quê chân chất, mộc mạc, chị càng ngấm hơn những câu chuyện đời thường, từ đó lượm lặt cho mình được nhiều làn điệu, khúc hát mới.
Theo NSND Hồng Lựu: “Dân ca Nghệ Tĩnh là một thể loại đặc trưng, nó mang hơi thở của cuộc sống sinh hoạt, lao động của bà con. Theo xu thế phát triển, nó lại mang những âm hưởng mới, dạy chúng ta về tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người. Và đặc biệt hơn là dân ca Nghệ Tĩnh chỉ có thể được hát bởi những con người xứ Nghệ, nói giọng Nghệ, nó có đặc trưng riêng cũng vì thế”.
Chị đã cùng những anh em nghệ sĩ đến những miền quê xa xôi để tìm tòi, gây dựng nên các câu lạc bộ dân ca. Từ năm 1993, chị tìm đến nhiều trường học với mong muốn được đưa làn điệu dân ca vào chương trình học của các em học sinh, truyền lửa đến thế hệ trẻ. Với sự tận tâm, nhiệt huyết, chị đã vui mừng được chứng kiến các câu lạc bộ hát dân ca lần lượt ra đời và ngày càng phát triển.
Và những đóng góp không mệt mỏi đó đã được ghi nhận. Năm 2013, hồ sơ "Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vào ngày 27/11 vừa qua, tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ ngày 24 - 28/11 tại Paris (Pháp) chính thức công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là kết quả đáng mong đợi và tự hào mà những người con xứ Nghệ - Tĩnh nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung.
Hạnh phúc, tự hào nhưng NSND Hồng Lựu vẫn còn nhiều trăn trở: “Làm sao để phát triển hơn nữa những câu lạc bộ, những tầng lớp khán giả biết đến và thấm được dân ca ở xứ Nghệ không chỉ ở Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn ở những vùng miền xa xôi khác ở miền Bắc, miền Nam…, vẫn là mong ước mãnh liệt của anh em nghệ sĩ chúng tôi. Để làm được điều đó, dân ca ví, giặm cần có chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay. Và trước hết, cần phải có chế độ phù hợp với những nghệ nhân dân gian hay những nghệ sỹ, để họ có thể yên tâm cống hiến, phát huy loại hình sân khấu này…”