(ĐSPL) - Thời gian gần đây, người nông dân ở nhiều xóm của xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã đưa vào trồng, chăm sóc cây ớt ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đến ngày ớt thu hoạch, không có đơn vị thu mua khiến nhiều hộ dân phải hái ớt để ... đổ xuống sông.
Đua nhau làm giàu với ớt
Những năm trở lại đây, người dân các xóm ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương (Nghệ An) tiến hành trồng cây ớt giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, đồng thời, cải tạo đất màu. Thời gian để thu hoạch ớt là 3 tháng.
Đội ngũ Công ty Á Châu đã mang lại niềm hy vọng cho người dân khi dẫn các đoàn cán bộ xã tới các địa điểm trồng ớt “điểm” tại các địa phương khác nhau ở huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn... Ngay mùa đầu tiên trồng thử nghiệm, ớt đã mang lại hiệu quả cao và khiến cho nhiều người dân ở các xóm trong xã rất tin tưởng mô hình kinh tế mới này.
Trước đây, do bị sâu phá hoại, thời tiết không thuận lòng người, nhiều hộ nông dân mất đi một vụ mùa. Doanh nghiệp đã cung cấp thuốc hỗ trợ (dạng mua bán) để phòng chống thiệt hại cho cây trồng. Kinh phí cây giống được hỗ trợ 50\% từ doanh nghiệp và xã hỗ trợ 50\% cho người dân giúp phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thảo, trú tại xóm Thịnh Đại, xã Thanh Khê cho biết: “Nhà tôi trước đây thường trồng lúa, lạc nhưng sau chuyển qua trồng ớt theo mô hình mới và thu hoạch được 35kg trong 5 đợt với giá bán là 6.000 đồng/kg. Nhưng về sau, công ty không cử người tới thu mua cũng như quan tâm đến các sản phẩm thu hoạch nữa”.
Nhiều hộ dân không quan tâm đến đồng áng sau vụ mùa trồng ớt |
Nhiều hộ dân trú tại các xóm thuộc xã Thanh Khê cũng phản ánh, người dân khi tới bàn giao ớt cho Công ty Á Châu nhưng thường bị chê là không đạt tiêu chuẩn. Sản phẩm bán được ít mà dân còn bị công ty thanh toán chậm thời hạn. Không nhận được tiền trồng ớt, người dân chán nản, bỏ bê việc đồng áng.
Chủ đầu tư... biến mất
Không phải mô hình nào cũng giống nhau, đều có thể đạt hiệu quả như mong muốn, đạt kinh tế cao. Công ty Á Châu ban đầu mới chỉ lo đầu vào, chưa chuẩn bị đầu ra cho sản phẩm của người dân khiến người trồng ớt lao đao.
Một số người dân vẫn kiên nhẫn chăm sóc nông sản của mình |
Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Khê (Nghệ An) cho biết: “Thời gian 3 vụ mùa đầu tiên được công ty trả tiền nhưng mấy vụ mùa về sau thì nợ, chưa hoàn trả. Sau đó, gửi công văn về cho UBND xin hoãn thời gian trả khoản tiền 160 triệu (chưa trừ chiết khấu) đến 31/7 nhưng hiện nay vẫn bặt vô âm tín. Khi gọi điện cho ông Dũng, Giám đốc Công ty Á Châu, ông bảo đang đi công tác, nhiều lúc gọi mãi không nghe máy. Đến ngày 4/8, chúng tôi tìm đến trụ sở tại địa chỉ 582 đường Nguyễn Trường Tộ, TP. Vinh nhưng văn phòng đóng cửa, bên trong chỉ còn chiếc máy tính trên bàn làm việc. Theo tìm hiểu trạm giống bên cạnh, Công ty Á Châu còn nợ khoản tiền 150 triệu đồng giống cây trồng và cũng không biết hiện giờ ông Dũng ở đâu”.
Ngày 8/9 vừa qua, UBND xã Thanh Khê họp, bàn bạc và đi tới quyết định sẽ trả lại cho dân khoảng 2/3 số tiền sản phẩm. Ngoài xã Thanh Khê, Công ty Á Châu này còn từ chối thu mua ớt và nợ các hộ dân khác khá nhiều tiền ở các địa phương khác nhau trên địa bàn tỉnh Nghệ An, khiến người dân chỉ biết nhìn vào ớt mà... khóc.