Thị trấn Ny-Alesund (tên chính xác Ny-Ålesund) ở Bắc Băng Dương, khoảng giữa Na Uy và Bắc Cực, được xem là vùng đất gần cực Bắc nhất có người sinh sống. Với một bên là ngọn núi cao vút, và bên còn lại là vịnh hẹp, đây là một nơi tuyệt đẹp đến nghẹt thở. Đây có lẽ cũng là một trong những nơi tốt nhất trên Trái đất để hít thở, bởi không khí ở đây sạch sẽ nhất thế giới.
Thị trấn Ny-Alesund được mệnh danh là "nơi tận cùng thế giới". Ảnh: Reuters
Trước đây nơi này từng là một thị trấn chuyên về khai thác mỏ, nhưng giờ đây nó là trạm nghiên cứu Bắc Cực lớn nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới là những người hiếm hoi sống ở đây để thực hiện các cuộc nghiên cứu về môi trường Trái Đất.
Với bầu không khí trong lành và môi trường tự nhiên ít bị ô nhiễm, đây là nơi lý tưởng để theo dõi tác động của biến đổi khí hậu. Từ năm 1989, Đài khí tượng Zeppelin tại Ny-Alesund đã trở thành trung tâm quan trọng trong việc đo lường khí nhà kính và các chất ô nhiễm trong khí quyển.
Các nhà khoa học di chuyển về khu định cư khi mặt trời lặn. Ảnh: Reuters
Nghiên cứu tại Ny-Alesund là một phần quan trọng trong nỗ lực quốc tế nhằm xác định tác động của con người đến bầu khí quyển. Theo nhà khoa học Ove Hermansen tại Đài quan sát Zeppelin và Viện nghiên cứu Không khí Na Uy giải thích, các phép đo mà họ thực hiện giúp “phát hiện mức ô nhiễm cơ bản và tính toán xu hướng toàn cầu theo thời gian”.
Ny-Alesund có dân số chưa đầy 100 người, trấn phần lớn là các nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới bao gồm Pháp, Đức, Anh, Ý, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác. Chỉ có hai chuyến bay hàng tuần đến nơi này từ thị trấn Longyearbyen, Svalbard, trên một chiếc trực thăng rung bần bật.
Khu vực trạm khoan phục vụ mục đích khoa học. Ảnh: Reuters
Thị trấn bao gồm khoảng 30 căn nhà cabin bằng gỗ, được đặt tên theo các trung tâm đô thị lớn toàn cầu, giả sử như Amsterdam, London, Mexico, Ý. Chúng tựa như một lời nhắc nhở về sự cần thiết của quan hệ con người ở những nơi hẻo lánh như thế này. Tuy nhiên, các hình thức kết nối khác lại rất hạn chế - tất cả điện thoại di động và Wi-Fi đều không được bật. Thị trấn là một khu vực không có sóng vô tuyến nhằm cố gắng giới hạn sóng phát thanh trong khu vực nhất có thể và cần có sự cho phép đặc biệt nếu nhà nghiên cứu muốn vận hành bất kỳ thiết bị nào sử dụng đường truyền vô tuyến.
Các nhà khoa học ở đây cần có một tinh thần thép để chịu đựng mùa đông kéo dài với bóng tối 24 giờ trong nhiều tháng liền. Trong điều kiện đó, việc di chuyển trở thành thách thức không nhỏ. Theo TechInsider, một nghiên cứu sinh người Ý đã phải đi bộ qua vùng hoang dã Bắc Cực trong đêm tối với tầm nhìn chỉ 2-3 mét để thay bộ lọc trên thiết bị.
Các cột radar ở Ny-Alesund. Ảnh: Reuters
Đặc biệt, gấu Bắc Cực cũng thường xuyên ghé thăm khu vực thị trấn, khiến cư dân luôn phải cảnh giác. Để đảm bảo an toàn, mọi ngôi nhà đều không khóa cửa, cho phép người dân trú ẩn nếu có tình huống bất ngờ xảy ra. Sự xuất hiện thường xuyên của loài động vật to lớn này là lời nhắc nhở liên tục về việc sống gần gũi với thiên nhiên và phải luôn sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa.