“Cứ đập là có tiền”
Theo báo Lao động, thời gian gần đây, nhiều tài khoản TikTok quay video phát trực tiếp (livestream) công đoạn đập những cục đá thô và kêu gọi người xem đầu tư cổ phần các viên đá này.
Những phiên livestream kêu gọi đầu tư cổ phần đá quý trên TikTok. Ảnh: Lao động
Điển hình như tài khoản Đá quý H.G tối 18/2 phát livestream đập đá thô tìm đá quý. Phiên livestream luôn có trung bình trên 500 người xem. Người livestream không xuất hiện trên màn hình, mà thay vào đó là hình ảnh những viên đá sần sùi, dính đầy bùn đất được đính kèm 1 tờ giấy nhỏ ghi “15M, 20M, 30M” (tương đương 15, 20, 30 triệu đồng). Đây là mức giá mà chủ shop tự định giá cho những viên đá này.
Trước khi tiến hành đập những viên đá thô này, chủ shop liên tục kêu gọi người xem tham gia đầu tư cổ phần đá quý. Khi viên đá nào được góp đủ số tiền thì chủ shop bắt đầu đập cục đá thô tìm đá quý.
“Em đang nhập của công ty viên này là 30M. Vậy nên em chỉ nhận anh em đóng góp từ 500.000 đồng trở lên. Có hàng là có tiền anh em nhé, chỉ sợ không có hàng thôi, chứ cứ đập là có tiền. Anh em đóng góp nhanh kẻo hết mất suất”, người này nói.
Khi bình luận muốn đầu tư 3% vào viên đá 30M, người xem được chủ shop hướng dẫn kết bạn và nhắn tin Zalo theo số điện thoại hiển thị trên màn hình. Quá trình nhắn tin được hướng dẫn cách chuyển tiền. Người chuyển tiền thành công sẽ được tham gia vào nhóm “Đá 30M tối 18/2”.
Sau khoảng 20 phút kêu gọi, chủ shop thông báo ngừng nhận thêm người tham gia vì đã gom đủ số tiền cho viên 30M. Trong 40 phút tiếp theo, chủ shop tiến hành đập đá thô, sàng lọc và định giá số lượng “đá quý” vừa tìm được.
Thông báo đập ra được 8 viên “đá quý” nhỏ với khối lượng 40,2 carat. Chủ shop Đá quý H.G thông báo thu mua lại 8 viên đá này với giá 8 triệu đồng/1carat. Như vậy, viên đá 30 triệu đồng giờ tăng lên thành 322 triệu đồng.
Người này sau đó thông báo tất cả những ai tham gia đầu tư viên đá này nhanh chóng nhắn số tài khoản ngân hàng vào nhóm Zalo để được chuyển khoản lại gấp 10 lần số tiền đã đầu tư ban đầu. Từ sau 21h, tài khoản này tiếp tục livestream đập những viên đá thô có giá 20M, 50M...
Tương tự, tài khoản TikTok Đá quý M.D. cũng phát trực tiếp một đêm "tìm ngọc trong đá". Được quảng cáo là shop uy tín nên suốt nhiều giờ phát trực tiếp, shop này có trung bình trên 1.000 người xem.
"Tiếp tục viên 50M đây anh em ơi. Thể cuội này, viên nào cũng "nổ" thì ngon anh em ơi. Viên này cái nẹp của nó này, thâm thâm đây… Liều mới ăn nhiều anh em ơi, các bác không có tiền làm sao chơi với tôi…", chủ shop đưa ra thông tin để kêu gọi người chơi chuyển tiền vào tài khoản.
Trong lúc đập viên đá 35M, chủ shop thông tin shop mình đã từng "nổ" viên hơn 1 tỉ đồng. "Đầu tư vào đây anh em ơi, nẹp đầy nè. Có người thua người thắng, có người được mấy tỷ cơ, cũng có người bán nhà, cái gì cũng phải đánh đổi chứ", chủ shop nói.
Nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư
Theo báo Người lao động, khi một số người vào bình luận trái chiều, cho rằng chủ shop "lùa gà" thì liền bị chặn bình luận. Một tài khoản bình luận: "Anh em cảnh báo liên tục mà vẫn lao vào" thì chủ shop Đá quý M.D. nói: "Cảnh báo cái gì bác. Khi "nổ" hàng mấy chục M, mấy trăm M thì anh em nói gì không. Anh em không dám đầu tư vào viên người ta "nổ", đến khi viên mình đen thì phải chịu chứ".
Viên đá có giá 35 triệu đồng đập ra được khoảng 20 viên đá nhỏ và được chủ shop định giá thu mua 774 triệu đồng. Ảnh: Người lao động
Một người có thâm niên trong nghề, am hiểu về đá quý ở tỉnh Yên Bái cho biết tình trạng mở đá trên TikTok bắt đầu xuất hiện từ khoảng tháng 6/2023 và thời gian gần đây đã lan rộng.
Theo người này, những thợ làm đá xem trực tiếp còn chưa nói lên điều gì, chưa biết bên trong có đá quý hay không, nói gì xem online, qua màn hình điện thoại. Những người thợ làm nghề đá quý họ không làm vậy.
Cũng theo người này, một số sàn thường có "quân xanh, quân đỏ" vào bình luận "nổ" người này trúng, người kia trúng để đánh vào lòng tham và thu hút những người thiếu hiểu biết tham gia. Những viên đá thô được tài khoản TikTok tự định giá để người chơi tham gia, sau khi mở có đá quý, cũng tự chủ shop tự định giá nhưng chưa chắc đã là giá trị thực.
"Những chiêu trò mở bát, đập đá quý trên TikTok thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy như khiến nhiều người mất tiền, tai tiếng cho địa phương, thất thoát tài nguyên khoáng sản…", thợ đá này nói.
Chia sẻ trên báo Lao động, TS Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam cho biết, đá quý cũng là một loại hàng hóa, thế nhưng không dễ để xác định được chất lượng hay giá trị thật của một viên đá.
Theo TS Hoàng Thế Ngữ, việc mua bán đá quý là cực kỳ khó, bởi không có tiêu chí để đánh giá viên đá đó là bao nhiêu. Vậy nên, để kinh doanh đá quý cần có sự am hiểu và kinh nghiệm mua bán. Hơn nữa, ngay trong ngành đá quý, khi được bạn bè thông báo rằng có một viên đá quý muốn cổ phần hóa (đóng góp tiền cùng nhau mua để có cổ phần) thì những người tham gia cũng phải cân nhắc rất nhiều.
“Người ta chỉ dám mua bán, trao đổi đá quý khi họ biết về nó. Không những thế còn cần tận mắt nhìn thấy, thậm chí là cần chứng chỉ của phòng kiểm định thì mới dám mua bán”, Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam cho hay.
TS Hoàng Thế Ngữ lấy ví dụ, một viên đá thô mua về với giá 100 triệu đồng, với 3-4 người cùng đầu tư cổ phần. Thế nhưng khi đập ra, viên đá không có gì thì tất cả cùng phải chịu lỗ, dù đầu tư ít hay nhiều.
“Rủi ro đó trong đá quý xảy ra rất cao. Có viên đá tới nửa triệu USD, nhiều người đã cùng chung nhau bỏ tiền ra để mua nhưng sau khi làm sạch thì không được theo ý muốn. Còn có những viên đá mua rẻ hơn nhưng sau khi đập ra được viên đá đẹp thì họ lại được lời”, TS Ngữ phân tích.
Theo TS Ngữ, thông thường, chỉ người hiểu về đá quý mới dám mua đá thô. Những viên đá thô này cũng cần được cơ quan thẩm định, được nằm trong bao nhựa niêm phong và có chứng chỉ.
Nói về tình trạng nhiều người tham gia đầu tư cổ phần đá quý trên mạng xã hội, vị chuyên gia đá quý này cảnh báo người dân cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia.
Vân Anh (T/h)