Thời gian niềng răng mất bao lâu?
Niềng răng là kỹ thuật chỉnh nha sử dụng mắc cài, dây cung hoặc khay niềng trong suốt để nắn chỉnh răng. Không giống như các biện pháp phẫu thuật hay bọc răng sứ, niềng răng cần nhiều thời gian hơn để nắn chỉnh răng từ từ về đúng vị trí trên cung hàm, giúp bảo tồn tối đa răng thật, khắc phục các khiếm khuyết răng hô, móm, thưa, lệch lạc.
Theo các bác sĩ chuyên sâu về niềng răng thì quá trình nắn chỉnh răng có thể kéo dài từ 1 - 3 năm, tùy theo mức độ hô, móm, sai lệch khớp cắn của răng. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ sẽ dàn đều răng, đóng khoảng trống nhổ răng, cân đối khớp cắn…
Những trường hợp răng thưa mức độ trung bình chỉ cần đóng khít kẽ răng thì thời gian ít nhất khoảng 6 tháng. Những trường hợp răng hô, móm, lệch lạc mức độ trung bình cần từ 1 - 1,5 năm. Những ca khó, phức tạp hơn, cần nhiều thời gian để bác sĩ nắn chỉnh răng, giúp bạn có một khớp cắn hài hòa và tự tin sau khi niềng. Thời gian này có thể kéo dài từ 1,5 - 3 năm. Tùy vào tình trạng răng của bạn thế nào mà bác sĩ sau khi thăm khám và chụp X-quang sẽ dự đoán thời gian tương ứng, theo các chuyên gia trao đổi với Sức khỏe & Đời sống.
Thời điểm nào nên niềng răng?
Theo BS Lê Huy Thành trao đổi với VOV.VN, thời điểm "vàng" nên niềng răng được khuyến cáo như sau: Tiền chỉnh nha, từ 6-11 tuổi: Đây chính là giai đoạn răng vĩnh viễn mọc thay thế răng sữa. Những thói quen xấu như đẩy lưỡi, mút môi, mút ngón tay, nuốt ngược, đặt lưỡi sai vị trí, thở bằng miệng... là nguyên nhân chính khiến răng mọc lệch, mặt phát triển không cân đối.
Niềng răng trong thời điểm này nhằm mục đích định hướng răng trưởng thành mọc đúng vị trí. Vì vậy, ở độ tuổi này cha mẹ cần thường xuyên cho trẻ đi theo dõi.
Niềng răng tốt nhất là 12-16 tuổi: Ở giai đoạn này răng sữa đã được thay thế hoàn toàn bằng răng trưởng thành, có thể thấy rõ những sai lệch răng của trẻ, niềng răng cố định là phương pháp tốt nhất được các chuyên gia khuyên nên thực hiện.
Ở lứa tuổi này cơ thể còn đang phát triển, xương hàm còn chưa cố định. Việc điều chỉnh độ đưa ra thụt vào của hàm, điều chỉnh răng móm, vẩu hay răng mọc chen đều khá thuận lợi. Đồng thời, tác động lực diễn ra nhanh chóng, răng sẽ dịch chuyển dễ hơn, cho kết quả răng đẹp tối đa.
Nếu bỏ lỡ thời điểm "vàng" để niềng răng thì bạn vẫn hoàn toàn có thể thực hiện khi 17-25 tuổi. Bởi giai đoạn này, đang ở “đỉnh cao” về sức khỏe, khả năng thích nghi, hồi phục cũng tốt nhất. Tuy nhiên, vì hàm đã có phần cứng hơn nên thời gian niềng răng trong giai đoạn này cũng có thể sẽ kéo dài hơn.
Niềng răng càng sớm khi mật độ xương hàm chưa cốt hóa tối đa, chưa phát triển hoàn thiện thì việc nắn chỉnh sẽ càng dễ dàng, nhanh hiệu quả. Nhưng không phải vì thế mà việc niềng răng ở độ tuổi 25 hay ngoài 30 là không thể thực hiện. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc niềng răng đúng kỹ thuật, tiến trình và kế hoạch vẫn sẽ đem đến cho bạn kết quả như mong đợi.
Tuy nhiên, do độ tuổi 25 đến ngoài 30, xương hàm và nướu đã ổn định vững chắc, răng cũng là răng vĩnh viễn nên việc sắp xếp răng bị khấp khểnh, đẩy, kéo răng khít sát vào nhau, hay đưa hàm về đúng vị trí cần nhiều thời gian hơn.
Những lưu ý khi niềng răng
Tuân thủ lộ trình chỉnh nha
Nhiều bệnh nhân không tái khám và thực hiện theo lời dặn của bác sĩ, dẫn đến răng "chạy" lung tung, không ổn định. Đây là sai lầm vì điều này không chỉ hoang phí tiền của, sức lực mà còn để lại hậu quả như hàm biến dạng, răng hô móm, lệch vẹo... Việc thực hiện đúng lộ trình chỉnh nha và làm theo chỉ định của bác sĩ sẽ hạn chế các rủi ro biến chứng kể trên.
Chăm sóc răng miệng đúng cách
Mỗi loại niềng răng sẽ có cách chăm sóc khác nhau nhưng quy tắc chung là phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước và sau ăn để tránh thức ăn mắc vào kẽ răng hay dụng cụ niềng nếu không sẽ dễ hình thành mảng bám. Vi khuẩn trong mảng bám hấp thu đường và chuyển hóa thành axit kích thích nướu, gây sâu răng và hôi miệng.
Do đó, khi niềng răng, bạn cần vệ sinh đúng cách với các sản phẩm như bàn chải răng chuyên biệt, bàn chải kẽ, chỉ nha khoa... Ngoài ra, nha sĩ có thể yêu cầu bổ sung fluoride, đến phòng khám làm sạch răng hàng tháng và hướng dẫn các thao tác vệ sinh răng miệng chi tiết để hình thành thói quen chăm sóc răng miệng đúng.
Cách ăn uống trong quá trình niềng răng
Người niềng răng được khuyên tránh ăn các loại thực phẩm cứng, quá dai, các loại kẹo cao su, chocolate... vì có thể dính vào mắc cài, khó làm sạch. Các loại thực phẩm nóng lạnh cũng cần hạn chế vì dễ gây ra ê buốt và đau nhức.
Ngoài ra, thức ăn có nhiều đường hoặc có màu cũng không được khuyến khích sử dụng vì có thể gây sâu răng hoặc biến đổi màu răng ở vùng răng không tiếp xúc với dụng cụ niềng do mất canxi.
Đeo hàm duy trì sau khi niềng răng
Thực tế, nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào sau đó, răng vẫn có thể chạy về vị trí cũ, đặc biệt với người cần chỉnh nha do cấu trúc xương hàm, xương chân răng. Người có khung miệng hô vẫn sẽ có nguy cơ tiếp tục hô và tương tự với các trường hợp khác. Để khắc phục điều này, bạn cần nghe theo lời bác sĩ và đeo hàm duy trì, không chủ quan để tránh tiền mất, tật mang.
Những lưu ý về thói quen cá nhân
Khi hút thuốc, nướu và răng trở nên nhạy cảm và đổi màu men răng do đó có thể tạo sự khác biệt về màu sắc trên răng sau khi chỉnh nha. Khi cắn bút và ngón tay, có thể làm rơi mắc cài thậm chí dễ lệch khỏi vị trí cần điều chỉnh, VnEpress dẫn lời các bác sĩ chuyên khoa.
Linh Chi (T/h)