Sẽ chẳng có ai muốn xa gia đình trong những ngày Tết, đặc biệt là đêm giao thừa. Bởi vào thời khắc thiêng liêng ấy, mọi người đều mong ước được đoàn tụ, sum vầy. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn có những con người đang hi sinh hết mình cho công việc, cống hiến cho xã hội…
Trực đêm, đối với đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn luôn là những đêm trắng không ngơi nghỉ, thậm chí là "cuộc chiến" đầy cam go để giành giật lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần.
Bệnh nhân nhập viện đêm thường là những ca bệnh nặng, tai nạn giao thông, hay những người không may đổ bệnh… Điều đó đòi hỏi các bác sĩ không chỉ cần có tay nghề cao mà còn cả sự kiên nhẫn, tận tâm, để cứu chữa người bệnh kịp thời.
“Những ngày Tết, lượng bệnh nhân nhập viện đông không kém ngày thường, thậm chí có thời điểm đông hơn nhiều. Ngoài các vụ tai nạn giao thông thì việc ăn uống không kiểm soát, liên hoan tất niên, rượu bia quá chén cũng kéo theo nhiều ca bị ngộ độc, viêm loét dạ dày cấp và nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nặng có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Bệnh nhân viêm gan do rượu hoặc xơ gan tiến triển cũng khá đông vào dịp Tết.
Nhân lực y bác sĩ tại viện trong những ngày trực Tết có phần hạn chế hơn ngày thường, song khối lượng công việc nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi không xem đó là vất vả, bởi đó là công việc mình lựa chọn, quan trọng là đồng hành cùng bệnh nhân và cứu được họ”, B.S Nguyễn Hương Giang (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện E) cho biết.
Gác lại nỗi niềm riêng
Trước câu hỏi có cảm thấy buồn hay chạnh lòng khi không được đón Giao thừa bên người thân hay không, bác sĩ Giang cho biết: “Khoảnh khắc giao thừa ai cũng mong xum họp cùng gia đình nhưng từ khi khoác lên mình chiếc áo blu thì việc vắng mặt vào thời điểm thiêng liêng này đã trở nên thường xuyên và dần thành quen. Trong niềm hân hoan đón năm mới thì nhiều bệnh nhân và người nhà đang phải căng thẳng và âu lo tột cùng. Mình phải ở để giúp họ! Một người bệnh qua khỏi cơn hiểm nghèo vào đầu xuân năm mới là niềm hạnh phúc đối với kíp trực”.
Được biết, tại Bệnh viện E, lịch trực tết được luân phiên theo thứ tự của trực ngày thường, tới lịch của ai người đó sẽ trực. Mỗi ca trực đêm sẽ có khoảng 140 nhân viên, đêm nào cũng như đêm nào, kể cả giao thừa, nhằm đảm bảo khoảng 40 vị trí trực, tính cả điều dưỡng, bác sĩ, và các nhân viên từ các phòng ban như công nghệ thông tin, công tác xã hội, hay vật tư điện, nước.
B.S Nguyễn Hương Giang (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện E) khám cho bệnh nhân.
Trực đêm giao thừa tại bệnh viện, ngoài chuyên môn, các y bác sĩ còn phải chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng để đối mặt với mọi tình huống có thể xảy ra trong những giờ khắc đầu tiên của năm mới.
“Một tiếng trước và sau giao thừa là thời gian quan trọng, nhạy cảm. Chẳng ai có thể cầm được lòng trước những mất mát, phân ly tử biệt, đăc biệt lại là tại giờ khắc chuyển giao sang năm mới. Do đó, kíp trực phải tập trung và tỉnh táo. Nếu mọi điều suôn sẻ, tốt lành sẽ mang lại may mắn cả năm cho bệnh nhân, người nhà và cả bệnh viện”, B.S Nguyễn Mạnh Chiến - bác sĩ điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện "đầu sóng ngọn gió", là "chuyến xe định mệnh cuối cùng" của người bệnh từ khắp mọi nơi đổ về chữa trị. Bệnh viên luôn xây dựng trước các kịch bản chống quá tải, ứng phó các tình huống gia tăng bệnh nhân đột biến, có nhiều ca chuyển nặng thì có các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn trong dịp Tết cho người dân.
Bác sĩ Chiến cho biết, riêng tại Trung tâm chống độc, kíp trực đêm giao thừa sẽ thường có một bác sĩ trực chính, 2 bác sĩ trực phụ cùng nhiều nhân viên y tế khác. Nếu gặp tình huống khẩn cấp, cần huy động nhiều nhân lực hơn, sẽ có hai hình thức: Thứ nhất là gọi hỗ trợ trực tiếp ngay trong bệnh viện, bằng cách điều nhân lực từ các khoa khác sang hỗ trợ. Thứ hai là điều động các bác sĩ thường trú (các nhân lực được đón Tết tại nhà nhưng không đi quá xa, nếu huy động sẽ có mặt khẩn cấp).
“Người thân của tôi cũng rất mong tôi được ở nhà trong đêm Giao thừa để cùng đón giờ khắc đầu tiên của năm mới. Song gia đình cũng hiểu rằng nhiều người bệnh rất cần chúng tôi.
Tôi may mắn khi bà xã cũng công tác trong ngành Y nên luôn có sự đồng cảm và thấu hiểu nỗi vất vả của người thầy thuốc, nhất là trong đêm trực Tết. Gia đình luôn là chỗ dựa rất lớn về tinh thần cho tôi”, bác sĩ Chiến tâm sự.
"Cuộc chiến với tử thần"
Nói về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trực Tết có lẽ chính là việc phải đối mặt với các ca bệnh nguy kịch, thời khắc đó các y bác sĩ phải đối mặt với tử thần để tranh giành mạng sống cho bệnh nhân.
Đêm giao thừa, bệnh nhân cấp cứu ít nhưng nguy kịch hơn ngày thường. "Cuộc chiến với tử thần" theo đó mà càng thêm căng thẳng.
Chia sẻ về một ca bệnh đáng nhớ trong ca trực đêm giao thừa, bác sĩ Giang kể lại: “Cách đây khoảng 5 năm, tôi không thể tham dự lễ gặp mặt chúc mừng năm mới của lãnh đạo bệnh viện vì bất ngờ có một ca xuất huyết tiêu hóa ở khoa cấp cứu và các bác sĩ tiêu hóa đã được điều động khẩn cấp”.
Theo bác sĩ Giang, bệnh nhân trước đó có tham gia một bữa liên hoan, uống rất nhiều rượu bia và có tiền sử đau dạ dày từ trước. Tuy nhiên, người bệnh không để ý và không đi khám. Tới đúng hôm giao thừa, bệnh nhân vào viện trong tình trạng nôn ra rất nhiều máu.
Trong trường hợp đó, các bác sĩ phải triển khai ngay lập tức một kíp để nội soi dạ dày cho bệnh nhân. May mắn, bệnh nhân được cầm máu thành công. Bệnh nhân được xác định là bị xuất huyết tiêu hóa do chảy máu ổ loét ở thành tá tràng. Trong quá trình theo dõi của đêm trực hôm đó, bệnh nhân đã dần dần ổn định.
“Có những khi mải mê cấp cứu cho bệnh nhân mà khi quay lại giao thừa đã tới từ khi nào không hay. Việc cứu sống được bệnh nhân là điều khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và có động lực nhất”, bác sĩ Giang nói.
Tiếng khóc chào đời hòa vào tiếng pháo mừng năm mới
Có lẽ ở các bệnh viên, khoa Sản luôn là khoa có nhiều niềm vui nhất. Dù phải trải qua những cơn đau, nhưng niềm vui có con luôn là niềm vui bất tận với mỗi người mẹ. Đêm cuối năm ở đây, quang cảnh vẫn rất nhộn nhịp. Một người đi sinh, cả nhà đi theo, hồi hộp, lo lắng, vui mừng…
Đối với bác sĩ Kiều Thị Thanh - Bác sĩ điều trị, phụ trách phòng Đẻ của khoa Phụ Sản, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều đồng nghiệp khác, việc được trực vào đêm 30 Tết, được tận tay đón chào những sinh linh của năm mới là những kỉ niệm đẹp trong nghề. Thậm chí, còn có những bác sĩ chưa lập gia đình còn tình nguyện xin ở lại để trải nghiệm cảm giác đặc biệt ấy.
“Trong những thời khắc đầu tiên của năm mới, đứa trẻ như một báu vật của gia đình và món quà đặc biệt đầu năm với các bác sĩ. Đó là niềm hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có. Tất cả những điều đó đã giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn, yêu nghề hơn và gắn bó hơn với nghề mình đã chọn”, bác sĩ Thanh chia sẻ.
Trực tết ở bệnh viện, các y, bác sĩ thường tổ chức đón xuân sớm, từ khoảng 20-22h. Mọi người sẽ người thay nhau tập trung về hội trường cùng nâng một ly rượu vang, ăn mứt, kẹo và chúc nhau năm mới bình yên. Đón giao thừa sớm như vậy để khi thời khắc chuyển năm mới nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp thì các y, bác sĩ đều đã sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.
Sau khoảnh khắc giao thừa, lãnh đạo bệnh viện cùng các y, bác sĩ sẽ tới tặng quà, thăm hỏi, động viên bệnh nhân. Món quà chỉ giản dị là những gói mứt, bánh kẹo nhưng thể hiện sự quan tâm của bệnh viện đối với bệnh nhân khi mà họ phải đón Tết trên giường bệnh.
“Điều chúng tôi mong muốn nhất là dịp Tết không có bệnh nhân đến bệnh viện, mọi nhà, mọi người đều mạnh khỏe, đón Tết đầm ấm bên người thân... Trong năm mới 2024 cầu mong tất cả mọi người đều an lành”, bác sĩ Thanh chia sẻ.