Thông tin trên báo Dân Trí, ngoài rượu bia, theo các chuyên gia, một số loại thực phẩm, dược phẩm, chế phẩm có thể tạo ra nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi chúng ta hấp thu vào cơ thể.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tất cả các con đường này cũng chỉ dẫn tới mức tăng rất nhỏ ethanol trong máu, hơi thở hoặc thậm chí không phát hiện ra được và không gây tác hại gì.
Về lý thuyết, có thể phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở sau khi hấp thụ một số loại thức ăn, nước uống có chứa một hàm lượng cồn nhỏ. Ảnh minh họa.
Một số món ăn có sử dụng rượu trong quá trình tẩm ướp hoặc chế biến như: cá, tôm hấp bia, các món sử dụng sốt rượu vang… có thể vẫn còn tồn tại, dù ở mức rất nhỏ, chất cồn (ethanol) khi chúng ta ăn.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, các món ăn khi chế biến với bia, rượu sẽ vẫn có một lượng ethanol nhất định. Tuy nhiên lượng ethanol này không đáng kể, và không gây mất kiểm soát về ý thức, hành vi (như khi uống trực tiếp bia/rượu) đối với người trưởng thành khi ăn các món ăn này. Ngoài ra lượng ethanol này chỉ có trong miệng, chứ không có trong cơ thể.
Dù vậy đảm bảo không bị dương tính khi đo nồng độ cồn, sau khi ăn các món chế biến với bia, rượu người dân nên súc miệng và uống nước lọc, có thể đợi khoảng 30 phút hãy tham gia giao thông.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thành phần rượu trong các món nướng hoặc hầm sẽ vẫn còn lại 40% lượng ban đầu sau 15 phút nấu, giảm xuống mức 35% sau 30 phút và 25% sau khoảng một giờ đồng hồ.
Thậm chí, khi một món ăn được nướng hoặc ninh nhừ trong 2,5 giờ đồng hồ sẽ vẫn còn tồn lại 5% lượng rượu ban đầu.
Thùy Dung (T/h)