Những ngày vừa qua,các tỉnh phía Bắc phải căng mình chống bão cùng những trận lũ chồng lũ dồn dập đổ về. Tình trạng mưa lũ nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Cơn bão số 3 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua đã để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía Bắc, đặc biệt là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...
Trong hoàn cảnh đó, những người lính Cụ Hồ luôn đi đầu, sát cánh cùng với các lực lượng chức năng vượt mưa lũ, không quản ngày đêm, bất chấp gian khó, hiểm nguy để đưa người dân chạy lũ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, tìm kiếm người bị nạn…
Lực lượng quân đội, công an ngày đêm xông pha vào những khu vực trọng yếu, bất chấp nguy hiểm để giúp dân chống chọi với thiên tai. Họ đội mưa, ngâm mình hàng giờ dưới dòng nước lũ để ứng cứu, đưa người bị cô lập đến nơi sơ tán…Những hình ảnh đó đã lay động triệu trái tim của người dân đất Việt.
Thái Nguyên
Tại Thái Nguyên, vừa qua, nhiều nơi trên địa bàn hoàn toàn chìm trong biển nước. Đây là trận lũ lớn nhất trong suốt 23 năm tại Thái Nguyên.
Lực lượng chức năng đã nhanh chóng được huy động đưa người dân, đặc biệt là người già, trẻ em ra khỏi vùng nước lũ an toàn.
Hình ảnh em nhỏ được đặt trong chiếc chậu tắm nhỏ được nhẹ nhàng trao cho các cán bộ chiến sĩ, ngoan ngoãn và an toàn dưới vành chiếc mũ cối; những cụ già được cõng khỏi chiếc xuồng phao giữa dòng nước cuồn cuộn; những sợi dây dài để người dân bám dần di chuyển khỏi vùng nước ngập sâu... được ghi lại đã khiến nhiều người không khỏi cảm động.
Những người chiến sĩ ấy, chính là người sẵn sàng bước vào giữa cơn giông lớn, giữa vùng ngập sâu, cùng người dân bước qua cơn nguy khó.
"Cơn đại hồng thủy" kỷ lục tại Thái Nguyên
Nói về cảm xúc khi tham gia cứu hộ đồng bào, chia sẻ với Tiền Phong, Trung tá Ngô Anh Quyến - Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn Công binh 575, Quân Khu 1 cho biết, anh và các đồng đội chỉ mong bà con được an toàn, khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định lại cuộc sống.
“Khi thấy bộ đội và các lực lượng chức năng vào hỗ trợ, bà con đều vỗ tay. Chúng tôi chia sẻ cho bà con nước uống, mỳ tôm, đưa bà con ra khỏi vùng lũ. Bà con bảo, sau này khi nước lũ rút hết, mời bộ đội vào ăn cơm với chúng tôi”, anh Quyến cảm động kể lại.
Bắc Giang
Trong cảnh “màn trời chiếu nước” sau cơn bão số 3, có những hình ảnh đẹp, đầy xúc động của những chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, trước tình trạng ngập lụt, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng tiếp cận những nhà bị ngập sâu để đưa người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Tại những vùng bị ngập sâu, thuyền, ca nô không đến được, cách cứu người dân khỏi vùng lũ là kết bè từ những thân cây chuối để đưa người, tài sản của người dân đến nơi an toàn.
Hình ảnh đầy cảm xúc về những người chiến sĩ quên mình cứu dân, “vì dân phục vụ” tại nơi lũ dữ sẽ vẫn còn đọng mãi trong mỗi ký ức người dân nơi đây.
Bắc Giang ngập sâu do ảnh hưởng của bão số 3
Lào Cai
Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư tỉnh Lào Cai, cho hay ảnh hưởng hoàn lưu bão Yagi, 6 trong tổng số 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có người thiệt mạng; 89 người chết, 83 người mất tích, 70 người bị thương, theo VnExpress.
Thiệt hại về nông nghiệp khoảng 2.800 ha lúa, 700 ha hoa màu; khoảng 7.500 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở, trong đó hơn một nửa bị nặng.
Riêng tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, hơn 650 người tiến hành tìm kiếm 60 nạn nhân mất tích do lũ quét.
Chỉ đạo tại hiện trường, thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải (Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2) giao nhiều nhiệm vụ với lực lượng tìm kiếm. Ông lưu ý phải thay đổi phương pháp vì các điểm ở hiện trường có chỗ nông, nhưng có chỗ bùn đất vùi lấp rất sâu.
"Công tác tìm kiếm, cốt lõi là phải dựa vào dân", ông nói. Ngoài ra, với tinh thần cao nhất là giúp dân, tướng Khải yêu cầu lực lượng tìm kiếm của quân đội có thể làm sớm, nghỉ muộn; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác.
Hơn 650 người tìm kiếm 52 nạn nhân mất tích ở Làng Nủ
Đã có người lính hy sinh
Hình ảnh những người lính lấm lem trong bùn đất, dầm mình trong dòng lũ xiết, chênh vênh trên những chiếc xuồng phao với bao hiểm nguy nhưng họ vẫn tiến về phía trước, chấp nhận sự hy sinh để ứng cứu người dân vùng lũ làm bao trái tim xúc động.
Và trong cuộc chiến chống lại thiên tai khốc liệt, đã có người lính hy sinh, sẵn sàng xả thân, quên mình vì đồng bào, vì Nhân dân.
Biểu dương, khen ngợi sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của lực lượng này, mới đây, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có thư khen cán bộ, chiến sĩ quân đội Nhân dân và dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Trong thư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, những ngày vừa qua cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và dân quân tự vệ các địa phương phía Bắc đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, tránh bão trong đơn vị và trên địa bàn đóng quân; kịp thời tuyên truyền, vận động, hỗ trợ Nhân dân di dời; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, người dân về nơi tránh trú bão an toàn.
Với tinh thần “tính mạng con người là trên hết, trước hết”, “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội” và phương châm “4 tại chỗ”; các đồng chí vừa duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu vừa tổ chức lực lượng, phương tiện, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, xung kích đi đầu trong phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
“Hành động của các đồng chí đã nêu tấm gương sáng về bản lĩnh, ý chí, lòng dũng cảm “vì Nhân dân quên mình” của Quân đội Nhân dân, tiêu biểu là Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, niềm cảm phục trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội và Nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.