Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những "dấu chân hoang" bước tìm vườn địa đàng nơi trần thế (Bài 3): Duyên nợ gần 30 năm của vợ chồng Hoàng gia Anh với núi non Quảng Bình

(DS&PL) -

Gần 30 năm trước, khi chọn Việt Nam cho những chuyến khám phá hang động mới, vợ chồng nhà Limbert (quốc tịch Anh) không ngờ lại gắn bó với đất nước này lâu đến vậy.

Gần 30 năm trước, khi chọn Việt Nam cho những chuyến khám phá hang động mới, vợ chồng nhà Limbert (quốc tịch Anh) không ngờ lại gắn bó với đất nước này lâu đến vậy. “Chúng tôi yêu Việt Nam, yêu việc tìm kiếm và khám phá các hang động. Chúng tôi mới chỉ khám phá được 30% hang động ở nơi này, vì thế công việc của chúng tôi ở Quảng Bình còn rất nhiều, con đường còn rất dài”, Howard Limbert nói.

Sức hút từ kỳ quan đệ nhất động

Howard Limbert (62 tuổi) đến Việt Nam từ năm 1990 cùng với 10 người thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. Chuyến đi đầu tiên của nhóm đến Phong Nha để khám phá những bí ẩn bên trong kỳ quan này. Sức hút từ kỳ quan đệ nhất động đã níu chân vợ chồng Howard Limbert ở lại Việt Nam. Nói về cơ duyên đến với Việt Nam, Howard Limbert cho biết: “Hồi đó, tôi vẫn đang thám hiểm các hang động trên thế giới, từ Borneo, Úc, New Zealand, đến các nước châu Âu, Trung Mỹ, Nam Mỹ, và thậm chí là các hang động ở Mexico trong suốt rất nhiều năm. Sau khi thám hiểm nhiều hang động trên thế giới, tôi có đọc được một quyển sách khá thú vị với tên gọi: “Bản đồ Atlas các hang động” về khu vực Lào, Miến Điện (nay là Myanmar) và Việt Nam, trong đó có viết: “Chưa có một ai đến khám phá sâu hơn về những địa điểm này, nhưng những nơi này có thể ẩn chứa khá nhiều hang động giá trị”.

Ông Howard (áo vàng) và vợ trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1992.

Năm 1989 Howard Limbert, viết thư gửi cho 3 quốc gia trên bày tỏ mong muốn được đến khám phá các hang động. Lào và Miến Điện đều từ chối với lý do rằng không ai được phép tiến hành thám hiểm hang động vào thời điểm đó. Duy chỉ có Việt Nam đã trả lời và đồng ý tài trợ cho ông đến Việt Nam để khám phá. “Chúng tôi cũng chính là nhóm nhà thám hiểm hang động đầu tiên đặt chân đến Việt Nam lúc bấy giờ”, Howard Limbert khẳng định.

Thời điểm đó, giao thông đi lại rất khó khăn, đoàn thám hiểm phải mất 5 ngày để di chuyển từ Hà Nội đến Đồng Hới, và thêm một ngày nữa để từ Đồng Hới đến Phong Nha, chỉ mỗi việc đi đến Phong Nha cũng đã là một cuộc thám hiểm lớn. Cuộc hành trình khám phá Phong Nha chính thức được bắt đầu bằng việc đi thuyền di chuyển trên sông Son đến động Phong Nha, Hang Tối và một số hang động khác. Sau 8 ngày, đoàn thám hiểm phát hiện ra khoảng 10km hang động ở khu vực Phong Nha. Động Phong Nha khi ấy đã được khám phá, nhưng người dân chưa hưởng lợi nhiều. Ông Howard Limbert trăn trở phải giúp người dân kiếm tiền, nâng cao cuộc sống. Đến năm 1992, ông bất ngờ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vùng đất Phong Nha.

Cuộc nói chuyện kéo dài suốt 2 giờ đồng hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trung tâm du lịch Phong Nha đã giúp Howard Limbert có thêm động lực. Chuyên gia hang động người Anh nhớ lại, trong cuộc nói chuyện năm 1992, Đại tướng không chỉ giúp ông muốn khám phá nhiều hơn ở Phong Nha - Kẻ Bàng mà còn chỉ dẫn về cách làm và vai trò quan trọng của du lịch đối với sự phát triển của địa phương. Nhớ lời Đại tướng, Howard Limbert đã tích cực đóng góp vào việc hoàn thành hồ sơ trình UNESCO, để Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003.

Năm 1994, ông Howard Limbert cùng các chuyên gia hang động Anh khám phá ra hang Én, được miêu tả là “rất lớn vào lúc đó”. Hang Én sau này được công bố lớn thứ ba thế giới. 3 năm sau, hang Khe Ry được khám phá và công bố là hang sông dài nhất thế giới cho đến nay. Từ thời điểm đó, vợ chồng Howard Limbert bắt đầu hình dung về một hang động rất lớn đang ẩn mình. “Dòng nước hang Khe Ry và hang Én gặp nhau ở một điểm, rồi đột ngột biến mất giữa rừng. Tôi biết chắc chắn có một hang động lớn ở quanh đây”, Howard Limbert hồi tưởng. 10 năm liên tục, vợ chồng ông đau đáu tìm kiếm chiếc hang bí ẩn này, nhưng vô vọng. Chưa có một manh mối nào để lần ra cửa hang.

Khám phá khoảng 350 hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng

"Từ năm 1997 về sau, chúng tôi liên tục mở các cuộc khảo sát xuyên rừng Phong Nha, nhưng vẫn không thể giải đáp được nghi vấn cho đến khi gặp được Hồ Khanh, người đi rừng rất giỏi. Anh ấy kể cho tôi về cửa hang nằm giữa rừng khi anh ấy bị lạc. Hồ Khanh nói cửa hang lớn có gió thổi mạnh từ bên trong, ẩn hiện dưới những đám mây mờ ảo", vị chuyên gia hang động người Anh hồi tưởng.

Đến năm 2009, Howard Limbert và Hồ Khanh tìm ra cửa hang Sơn Đoòng, cùng khám phá bên trong. Kỳ quan này được công bố là hang động lớn nhất thế giới vào 2010. “Quả thật việc tìm thấy Sơn Đoòng diễn ra rất khó khăn. Chúng tôi đã sững sờ trước vẻ đẹp mê hoặc, độ rộng lớn đến không ngờ của hang Sơn Đoòng", Howard Limbert nhớ lại.

Howard Limbert và Hồ Khanh trong lần khám phá hang Sơn Đoòng.

Howard Limbert cho biết, mỗi lần khám phá, thám hiểm một hang động nào đó, đoàn thám hiểm đều đo đạc, vẽ bản đồ hang động lại một cách chính xác. “Là những người trực tiếp thực hiện các cuộc thám hiểm nên chúng tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng có khoảng 350 hang động đã được chúng tôi khám phá tính từ năm 1990 đến nay. Mỗi một hang động được khám phá, chúng tôi đều định vị cửa hang bằng GPS, sử dụng các thiết bị đo đạc bằng tia laser để có được số liệu chính xác nhất, sau đó chúng tôi lập bản khảo sát bằng độ dài tương ứng của hang động đó. Bằng cách này chúng tôi có được toàn bộ chỉ số đo đạc của mọi hang động mà chúng tôi từng phát hiện và khám phá, không chỉ ở Phong Nha mà còn các tỉnh thành khác của Việt Nam. Các bạn có thể tra cứu các dữ liệu này trên internet hoặc tại thư viện của Hiệp hội nghiên cứu hang động Anh. Tất cả các thông tin này cũng được chuyển giao toàn bộ và chính xác cho Ban quản lý Vườn quốc gia và UBND tỉnh Quảng Bình”, Howard Limbert thông tin.

Nói về lý do khiến ông gắn bó và quyết định ở lại Phong Nha, Howard Limbert không hề phủ nhận lý do chính là vì các hang động nhưng dần dần động lực đó đã thay đổi trở thành giúp đỡ cộng đồng địa phương có điều kiện sống tốt hơn. Ngoài thời gian vào rừng khám phá hang mới, ông bà Howard Limbert tranh thủ dạy tiếng Anh, giúp người dân địa phương học cách làm du lịch để phát triển kinh tế. “Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đến với Phong Nha và chứng kiến sự nghèo đói của người dân địa phương, cùng những tàn dư chiến tranh để lại trên mảnh đất này. Tình hình đó đã liên tục tiếp diễn trong một thời gian dài và không có thay đổi gì đáng kể. Nhưng Phong Nha bây giờ khác hẳn thời kỳ đó, cuộc sống người dân khá lên rất nhiều”, Howard Limbert nhận xét.

(Còn nữa)

Ngô Huyền

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 130

Tin nổi bật