Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những "dấu chân hoang" bước tìm vườn địa đàng nơi trần thế (bài cuối): Hành trình ly kỳ lặn tìm sông ngầm bí ẩn bên trong hang Sơn Đoòng

(DS&PL) -

Từ khi được phát hiện đến nay, có một bí ẩn trong hang Sơn Đoòng mà những chuyên gia của BCRA vẫn chưa tìm ra được lời giải, đó là con sông ngầm ở đoạn cuối của hang.

Từ khi được phát hiện đến nay, có một bí ẩn trong hang Sơn Đoòng mà những chuyên gia của BCRA vẫn chưa tìm ra được lời giải, đó là con sông ngầm ở đoạn cuối của hang. Theo nhiều nghiên cứu và dự đoán của các chuyên gia, con sông ngầm này có thể nối thông giữa hang Sơn Đoòng và hang Thung. Nếu điều đó xảy ra, Sơn Đoòng là số 1 thế giới về độ lớn ở cả hang động riêng và hệ thống hang động. Để trả lời những câu hỏi còn bỏ ngỏ đó, 3 thợ lặn người Anh đã có mặt tại Phong Nha - Kẻ Bàng, thực hiện một cuộc lặn mang tính lịch sử: Lặn tìm bí ẩn con sông ngầm bỗng nhiên "biến mất" ở cuối hang Sơn Đoòng.

Con sông ngầm bí ẩn

Năm 1990, nhóm thám hiểm hang động người Anh thuộc hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh - BCRA do Howard Limbert dẫn đầu đã đến Quảng Bình, nơi có hệ thống núi đá vôi khổng lồ nhưng chưa ai khám phá hang động. Từ đó đến nay, Howard Limbert và các cộng sự đã khám phá, công bố tổng cộng hơn 200km hang động tại Quảng Bình, chủ yếu tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB). Trong đó, hệ thống Phong Nha gồm có hang Én, Sơn Đoòng, Thung, Va, Nước Nứt, Phong Nha... là 1 trong 4 hệ thống lớn.

Năm 1994, khi khám phá hang Én và hang Thung, các chuyên gia BCRA phát hiện có một sông ngầm lớn chảy qua hang Én rồi biến mất dưới lòng đất, sau đó xuất hiện trở lại trong hang Thung. Vùng đất giữa 2 hang động này cách nhau khoảng vài cây số. Hang Én và hang Thung đều là 2 hang động chứa sông ngầm lớn, vì vậy các chuyên gia tiên đoán có một hang động cực kỳ lớn ở giữa khu vực này. Mãi đến năm 2009, nhờ người dẫn đường Hồ Khanh, đoàn thám hiểm hang động Anh phát hiện rất nhiều lối vào động Sơn Đoòng.

Từ khi được phát hiện đến nay, có một bí ẩn trong hang Sơn Đoòng mà những chuyên gia của hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh - những người gắn bó với Sơn Đoòng nhiều năm qua - vẫn chưa tìm ra được lời giải. Đó là con sông ngầm ở đoạn cuối của hang. Theo nhiều nghiên cứu và dự đoán của hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, con sông ngầm này có thể nối thông giữa hang Sơn Đoòng và hang Thung. Nếu điều đó xảy ra, Sơn Đoòng là số 1 thế giới về độ lớn ở cả hang động riêng và hệ thống hang động.

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc công ty TNHH Oxalis (đơn vị khai thác tour khám phá Sơn Đoòng), cho biết con sông ngầm này xuất hiện ở nhiều đoạn theo chiều dài của hang từ ngoài vào tận sâu trong lòng hang. Nhưng đến đoạn cuối cùng, con sông này như "biến mất" vào những khối đá vôi từ một hố sụt. "Không ai biết được con sông ngầm này chảy đi đâu và chảy như thế nào. Sự bí ẩn của nó khiến cho những người khám phá rất tò mò. Nhất là sau những lần vào đến gần hố sụt sâu cuối cùng trong hang Sơn Đoòng vẫn nghe thấy tiếng dòng chảy khá mạnh ở sâu trong lòng đất", ông Á nói.

Nhóm của ông Howard Limbert- thành viên BCRA, đồng thời là giám đốc kỹ thuật của Oxalis - đã dành 8 năm nghiên cứu các cách thức khác nhau nhằm xác định xem lối đi này có thể dẫn đến đâu. Và cuối cùng rút ra kết luận: Chỉ có phương pháp lặn truyền thống mới có thể khám phá toàn bộ phần này của hang để phục vụ mục đích lập bản đồ một cách chính xác nhất.

Sông ngầm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis cung cấp

Hành trình thám hiểm

Trong gần 30 năm thám hiểm các hang động ở Quảng Bình, các chuyên gia BCRA tại Việt Nam cũng đã thử lặn ở một số hang nước, nhưng với tần suất chưa nhiều. Việc mời các chuyên gia lặn hang động giỏi nhất thế giới đến thám hiểm sông ngầm bên dưới hang Sơn Đoòng mở ra các cơ hội lớn để khám phá những điều mới lạ đang còn ẩn giấu. Đó là một thử thách, vì đây là một con sông lớn chảy qua một lối đi tương đối hẹp nên áp lực dòng chảy rất lớn.

Hành trình thám hiểm sông ngầm trong hang Sơn Đoòng kéo dài 4 ngày, với sự tham gia của 5 chuyên gia lặn hang động hàng đầu thế giới, gồm Trưởng nhóm là ông Martin Holroyd - chuyên gia BCRA, cùng ba thành viên đã tham gia vào cuộc giải cứu đội bóng nhí Lợn Hoang tại Chiang Rai (Thái Lan) năm ngoái và điều phối viên thiết bị lặn. Những hang ngầm có chiều dài khác nhau, độ sâu khác nhau, dòng chảy khác nhau hay độ trong suốt của nước cũng khác nhau nên đòi hỏi những người lặn thám hiểm hang động phải cực kỳ kinh nghiệm và sử dụng thành thạo các thiết bị lặn đặc chủng - chúng không giống với các loại thiết bị lặn ở biển hay các dòng sông mở. Bình khí mà nhóm lặn sử dụng cũng là loại đặc biệt khi có thể tái sử dụng hơi thở, sẽ được kẹp hai bên hông chứ không phải đeo sau lưng như bình thường. Điều này được giải thích là để tránh va chạm vào trần hang ở những đoạn hẹp.

Các dòng sông ngầm có nhiều hang hoàn toàn chìm trong nước, do đó trong quá trình lặn các chuyên gia lặn phải xử lý được các tình huống khẩn cấp vì họ không thể trồi lên khỏi mặt nước. Rick Stanton, thành viên từng giải cứu đội bóng nhí Lợn Hoang ở Thái Lan, cho hay: “Tháng 3-4 là khoảng thời gian thích hợp nhất để lặn, mực nước sông trong hang xuống thấp, thời tiết mát mẻ và cho tầm nhìn dưới nước tốt”. Do điều kiện địa lý đặc biệt, hang Sơn Đoòng sở hữu hệ thống khí hậu riêng, với những đám mây hình thành từ sông ngầm chảy bên dưới.

Những ngày đầu, nhóm thợ lặn nhận định, điểm nối nằm ở độ sâu 25m, tuy nhiên khi đo lòng sông bằng dây thì đáy sông ngầm Sơn Đoòng nằm ở độ sâu 93m, vượt quá giới hạn của các bình lặn nén khí thông thường mà nhóm mang theo. Ngày hôm sau, chuyên gia lặn Chris Jewell lặn xuống 60m nhưng không tìm được lối đi nào. Sang ngày thứ ba, hai chuyên gia lặn Rick Stanton và Jason Mallinson tiếp tục tìm kiếm lối đi để thực hiện hành trình. Đoạn hang được nhóm thợ lặn cho là có thể vào, trong khi Jason đã đạt đến độ sâu 77m, là giới hạn tối đa đối với một thợ lặn khí nén. Chris Jewell lần theo đường đi do Jason để lại và tìm ra mái vòm của đoạn hang mới ở độ sâu khoảng 60m. Do tầm nhìn kém, họ đã không thể đo được kích thước của đoạn hang này. Phải qua sự kết hợp của các lần lặn, các chuyên gia mới có thể tìm được đường đi tiếp theo.

Cuộc lặn này vì thế mất nhiều giờ hơn, phần lớn thời gian dành cho việc giảm áp (thợ lặn dừng lại ở các độ sâu trong một khoảng thời gian trước khi trở lại mặt nước để cơ thể kịp thích nghi với áp suất). Sự kiện này cũng trở thành cuộc lặn hang động sâu nhất ở Việt Nam từ trước đến nay. Jason cho biết, khi ông lặn xuống 77m thì hang càng sâu hơn, không thể nhìn thấy đáy hang, tầm nhìn chỉ 2-3m. “Khi đó chúng tôi nhận thấy độ sâu có thể đến hơn 100m. Vấn đề của Sơn Đoòng là hang quá lớn khiến chúng tôi gặp khó khăn khi khám phá. Tôi tiếc vì không thể nhìn thấy hết quy mô của hang ngầm”, Jason nói.

Ngoài dòng sông ngầm trong hang Sơn Đoòng, các chuyên gia còn lặn khảo sát thêm khu vực suối Nước Moọc trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tại độ sâu 74m, các thợ lặn đã phải dừng lại vì không đủ trang thiết bị để xuống sâu hơn. Các chuyên gia nhận định, hệ thống hang động đá vôi tại Phong Nha - Kẻ Bàng có ba tầng gồm hang khô, hang nước có dòng chảy và hệ thống hang ngầm ở độ sâu hơn 93m. T

rong 30 năm thám hiểm các hang động ở Quảng Bình, các chuyên gia hang động của BCRA đã thử lặn tại một số hang nước nhưng tần suất rất ít. Kết quả cuộc khảo sát này mở ra một hiểu biết mới về hệ thống hang ngầm ở độ sâu hơn 90m, giúp các nhà thám hiểm khảo sát thêm hệ thống hang động nằm sâu dưới lòng đất.

Ông Nguyễn Châu Á, nhận xét: "Dưới mực nước sâu hơn 60m đang có một thế giới khác. Đây mới chỉ là kết quả ban đầu nhưng có thể Sơn Đoòng đang ẩn giấu những điều chúng ta không thể tưởng tượng được. Chúng tôi sẽ tiếp tục lặn khảo sát vào năm sau".

Ngô Huyền

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 131

Tin nổi bật