Quy định mới về xếp lương, thi nâng ngạch công chức; Xét nâng bậc lương đối với sĩ quan; Giảng viên Y phải có chứng chỉ khám chữa bệnh; Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng....là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2017.
4 môn thi thăng hạng dành cho giáo viên mầm non và phổ thông công lập
Theo Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 3/10/2017, có 4 môn thi thăng hạng dành cho giáo viên mầm non và phổ thông công lập, bao gồm:
- Môn thi kiến thức chung.
- Môn thi chuyên môn, nghiệp vụ.
- Môn thi ngoại ngữ.
- Môn thi tin học
Thông tư này cũng quy định các trường hợp được miễn thi môn ngoại ngữ.
Ảnh minh họa |
Quy định mới về xếp lương, thi nâng ngạch công chức
Có hiệu lực từ ngày 1/10/2017, Thông tư số 05/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 13/2010/TT-BNV về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức.
Cụ thể, công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV được áp dụng bảng lương tương ứng kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:
- Áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước) đối với các ngạch công chức: Ngạch chuyên viên cao cấp áp dụng công chức loại A3 (nhóm 1); ngạch chuyên viên chính áp dụng công chức loại A2 (nhóm 1); ngạch chuyên viên áp dụng công chức loại A1; ngạch cán sự áp dụng công chức loại A0; ngạch nhân viên áp dụng công chức loại B.
- Áp dụng Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của nhà nước) đối với ngạch nhân viên lái xe cơ quan.
- Thông tư 05 cũng quy định rõ cách chuyển ngạch và xếp lương đối với công chức đang giữ các ngạch công chức chuyên ngành hành chính (cũ) theo quy định tại Quyết định 414/TCCP-VC ngày 29-5-1993 của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính sang các ngạch công chức chuyên ngành hành chính (mới) quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV như sau: Đối với ngạch chuyên viên cao cấp, ngạch chuyên viên chính và ngạch chuyên viên, công chức đã được bổ nhiệm ở ngạch nào thì tiếp tục xếp lương theo ngạch đó.
Đối với ngạch cán sự, công chức tốt nghiệp trình độ cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm thì được bổ nhiệm vào ngạch cán sự (mới), nếu đang xếp lương theo công chức loại A0 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì tiếp tục xếp lương theo công chức loại A0 đó; nếu đang xếp lương theo công chức loại B ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì được xếp lại lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển loại công chức, viên chức…
Dán nhãn xuất bản phẩm cho trẻ em
Theo Thông tư 09/2017 của Bộ Thông tin Truyền thông hiệu lực từ ngày 1/10, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em cần phải ghi rõ độ tuổi ở trang bìa. Xuất bản phẩm có nội dung về giáo dục giới tính; chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải có dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa.
Khi sử dụng hình ảnh trẻ em để minh hoạ, nhà xuất bản phải tuân thủ quy định: trẻ dưới 7 tuổi cần sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, trẻ trên 7 tuổi cần sự đồng ý của trẻ và của cha mẹ, hoặc người giám hộ.
Giảng viên Y phải có chứng chỉ khám chữa bệnh
Thông tư 22/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đã hoặc đang làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, thuộc nhóm ngành đào tạo.
Ngoài ra, mỗi môn học thuộc kiến thức cơ sở hoặc chuyên ngành của chương trình đào tạo phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng, luận văn, luận án phù hợp với môn giảng dạy. Trong đó, ngành Y đa khoa phải có tối thiểu hai tiến sĩ (TS) thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, sáu TS y học lâm sàng và một TS y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).
Ngành Y học cổ truyền phải có tối thiểu hai TS khoa học y sinh, ba TS y học cổ truyền và một TS y học dự phòng (hoặc y tế công cộng)...
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/10/2017.
Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng
Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 02/10/2017) về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài (NLĐNN) làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử. Cụ thể như sau:
- Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài qua mạng điện tử. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp GPLĐ, cơ quan cấp GPLĐ trả lời kết quả qua thư điện tử cho NSDLĐ, nếu hồ sơ chưa phù hợp thì đề nghị bổ sung.
- Sau khi nhận được trả lời hồ sơ phù hợp, NSDLĐ nộp bản gốc hồ sơ đề nghị cấp GPLĐ đến cơ quan cấp GPLĐ để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định.
- Cơ quan cấp GPLĐ phải trả kết quả cho NSDLĐ trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị cấp GPLĐ.
Xét nâng bậc lương đối với sĩ quan
Thông tư số 208/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, hướng dẫn chuyển xếp lương đối với sĩ quan, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp (QNCN).
Theo đó, đã thay đổi quy định về thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN đối với sĩ quan so với quy định hiện hành tại Thông tư 152/2007/TT-BQP ngày 25/9/2007, cụ thể:
- Thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN được tính từ tháng, năm ký Quyết định thăng cấp bậc quân hàm sĩ quan hoặc nâng lương sĩ quan.
- Thời điểm xét nâng lương hiện tại (theo Thông tư 152/2007) được xác định dựa vào chênh lệch giữa hệ số lương QNCN so với hệ số lương sĩ quan.
- Bên cạnh đó, Thông tư 208 còn quy định về việc chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng được tuyển chọn QNCN.
Được mua ngoại tệ kinh doanh trò chơi có thưởng
Thông tư 11/2017 của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/10 quy định doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được phép mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh này.
Việc thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác cần phải có chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.
(Tổng hợp)