Mùa đông - xuân là thời điểm thuận lợi cho nhiều bệnh lây nhiễm bùng phát. Vào thời điểm này, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông- xuân. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong Hội nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa Đông –Xuân khu vực phía Bắc năm 2017-2018 diễn ra ngày 3/11, tại Hà Nội nhận định, hiện cả nước đã ghi nhận các ca mắc sởi, ho gà… Còn dịch cúm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống, các bệnh này rất dễ bùng phát thành dịch.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 229 trường hợp mắc bệnh sởi, chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam, trong đó có 1 trường hợp tử vong, giảm 27,9% số trường hợp mắc so với năm 2016. Đặc biệt, trong 2 tháng gần đây, số ca mắc sởi đang có dấu hiệu tăng lên tại Hà Nội.
Cả nước cũng ghi nhận trên 89.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, không có trường hợp tử vong, số mắc tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái,. Bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.
Bệnh sốt xuất huyết đã có xu hướng giảm nhưng số mắc vẫn còn cao, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 156.700 trường hợp. Bên cạnh đó, nhiều bệnh khác cũng được ghi nhận như: Ho gà, bệnh dại, viêm màng não vi rút…
Dưới đây là những bệnh dễ bùng phát trong mùa đông- xuân:
1. Sởi, rubella
Đây là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng sởi, rubella đầy đủ.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 230 trường hợp mắc sởi, một trẻ tử vong. Biểu hiện của bệnh gồm sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... dễ dẫn đến tử vong.
Để phòng bệnh, cần đưa trẻ 9-12 tháng đi tiêm văcxin phòng sởi mũi một và tiêm nhắc lại mũi hai khi trẻ trên 18 tháng tuổi, tiêm văcxin sởi-rubella cho trẻ ở độ tuổi 1-14; thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Cần lưu ý không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng; làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
2. Bệnh cảm cúm
Cảm cúm là dịch bệnh thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa hoặc vào những ngày đông lạnh giá. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vây, cơ thể chúng ta phản ứng không kịp, sức đề kháng yếu, tạo điều kiện cho vi-rút cúm xâm nhập. Bệnh này thường lây lan qua tuyến nước bọt, nươc mũi/đờm của người bị bệnh.
Bệnh cảm cúm nặng thường có triệu chứng như đau đầu, ngạt mũi, sốt, đau họng nhẹ... Bạn cần tìm gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chữa trị kịp thời dứt điểm.
Uống nước ấm, tránh ăn đồ lạnh, tăng cường bổ sung các loai rau quả tươi có chứa vitamin C, ăn đủ bữa... là những điều cần lưu ý để phòng tránh căn bệnh này.
3. Dịch bệnh tiêu chảy cấp
Trời se lạnh là điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn, kí sinh trùng, vi-rút xâm nhâp vào cơ thể và gây bệnh. Trong đó tiêu chảy cấp là một dịch bệnh khá là nguy hiểm trong mùa đông, thường xảy ra ở trẻ em.
Bệnh tiêu chảy cấp là do các loại vi trùng tả, thương hàn hay các loại virus đường ruột như rotavirus xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng là chủ yếu, tốc độ truyền nhiễm nhanh, dễ tạo thành dịch bệnh nguy hiểm.
Người bị tiêu chảy cấp thường có các triệu chứng như: nôn mửa, sau đó là đi ngoài nhiều lần, mất nước nhiều, có thể dễn đến trụy mạch thậm chí là tử vong nếu không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.
Bạn nên rửa tay trước khi ăn, tránh tập trung ăn uống nơi đông người, chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi,.. để phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm này.
4. Ho gà
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên, bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em 1-6 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng.
Bệnh hiện ghi nhận chủ yếu ở miền Bắc, với khoảng 550 ca bệnh từ đầu năm đến nay, ba trường hợp tử vong. Biểu hiện của bệnh gồm sốt, ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm dãi trắng và rất dính.
Để phòng chống bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Chủ động đưa trẻ đi tiêm văcxin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.
- Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi.
- Ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly.
5. Bệnh viêm đường hô hấp
Khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu lạnh đột ngột là thời điểm thích hợp cho các loại vi-rút hợp bào phát triển dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng ăn uống chúng.
Viêm đường hô hấp thường có biểu hiện như sốt cao, đau họng khi nuốt, nghẹt mũi, đau đầu, lạnh toàn thân, tiêu chảy nhẹ… Bạn thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi, những đối tượng có sức đề kháng kém.
Để phòng tránh căn bệnh này bạn cần lưu ý luôn đeo khẩu trang khi ra bên ngoài, không hút thuốc, hạn chế tiếp xúc trong môi trường đông người, luôn tăng cường, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để tăng khả năng miễn dịch, phòng tránh bệnh hiệu quả.
6.Viêm giác mạc
Virus gây viêm giác mạc xuất hiện nhiều nhất vào mùa xuân. Khi bị viêm giác mạc, trẻ sẽ cảm thấy sợ ánh sáng, thường xuyên chảy nước mắt hay bị đau và mẩn đỏ. Trong mắt trẻ xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti mọc theo từng cụm. Viêm giác mạc là bệnh nguy hiểm nên trong mùa xuân, các mẹ hãy chú ý cho con đeo kính chắn bụi và tránh tới những nơi đông người.
Mỹ An (T/h)