Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông – xuân. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em và là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không kịp thời phát hiện và chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị biến chứng dẫn đến tử vong.
Bệnh sởi lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp như: nước bọt, hắt hơi, sổ mũi hoặc do hít phải mầm bệnh từ môi trường bên ngoài của bệnh (do mầm bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường hơn một giờ). Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất và tính miễn dịch quần thể trong nhân dân cần phải đạt tới 94% mới có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng.
Trước tình hình thực tế, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế) cho biết: “Tỷ lệ tiêm chủng phòng sởi cao nhưng không thể đạt 100%. Hằng năm ngoài 97%-98% số trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn còn 2%-3% chưa được tiêm, chưa có kháng thể bảo vệ. Chúng tôi đang cho triển khai các đợt tiêm vét để đảm bảo các trẻ trì hoãn tiêm được tiêm chủng đầy đủ".
Hiện tại ở Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ H.B.A (SN 2017, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) tử vong do sởi vào ngày 9/10/2017.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm nay, bệnh sởi đến sớm, vì vậy, nếu trẻ nhỏ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi mà chưa được tiêm phòng sởi đầy đủ thì khả năng mắc bệnh là rất cao bởi bệnh sởi do vi rút sởi gây ra.
Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: đầu năm 2017, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 2-3 trường hợp mắc sởi đến điều trị nội trú. Tuy nhiên trong 3 tháng gần đây, con số này tăng lên khoảng 20 - 24 cháu/tháng.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh cần phân biệt rõ gi bệnh sởi với sốt phát ban, đồng thời nắm rõ những dấu hiệu, nhận biết sớm của bệnh để kịp thời điều trị.
Triệu chứng của bệnh sởi
Khi trẻ bị sởi sẽ có những triệu chứng của bệnh, vì vậy, các bậc phụ huynh có con nhỏ nên lưu tâm khi thấy con mình có biểu hiện như sau:
- Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ này trẻ có thể sẽ bị sốt nhẹ.
- Thời kỳ khởi phát: Đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các biểu hiện: Sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5 độ đến 40 độ. Bên cạnh biểu hiện sốt cao, còn kèm theo các triệu chứng khác như co giật, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp. Ngoài ra, còn có triệu chứng chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng. Có thể gây viêm thanh quản co rút, nếu có triệu chứng viêm long ở đường tiêu hóa sẽ gây tiêu chảy.
- Thời kỳ phát ban: Các nốt ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 giờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân trong từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết đường tiêu hóa.
- Thời kỳ phục hồi: Ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da.
Phân biệt bệnh sởi với sốt phát ban
Nguyên nhân gây bệnh
- Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm virus thông thường (70% - 80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính.
- Sởi là do virus thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính. Theo nhận định từ các chuyên gia của viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, dịch sởi lần này là chủng virus xuất hiện lần đầu ở phía Nam, được xâm nhập từ nước ngoài về và là chủng virus sởi có nhiều ở Trung Quốc, Malaysia, có độc lực và độ lây truyền như chủng cũ và xảy ra chủ yếu ở trẻ em.
Dấu hiệu bị bệnh
Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát của sốt phát ban và bệnh sởi (trung bình khoảng 1 tuần) thường có biểu hiện khá giống nhau thể hiện qua những triệu chứng của tình trạng “nhiễm siêu vi” như bệnh nhân bị sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39độ C), xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ than đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, trẻ biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy. Sự khác biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi rõ rệt nhất là vào giai đoạn toàn phát với phát ban rất đặc trưng của bệnh sởi.
- Sốt phát ban thông thường: sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban, đây là hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da trẻ.
Biến chứng của bệnh sởi
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong hoặc sau khi mắc bệnh sởi.
Viêm phổi: Thường là do bội nhiễm vi trùng khác như: phế cầu, liên cầu, tụ cầu Hemophilus Influenzae.
Lao: Sời làm tăng nguy cơ trầm trọng bệnh lao tiềm ẩn và làm gia tăng mức độ lao sơ nhiễm.
Viêm tai giữa: Sốt cao, quấy khóc, chảy mủ 1 hoặc 2 bên tai.
Viêm thanh quản: Có thể kèm cơn khó thở về đêm, ho hen, khàn giọng, nếu nặng có thể khó thở thanh quản.
Viêm não tủy (0,1 – 0,2%): Có thể xảy ra sớm hơn 2 tuần với triệu chứng sốt cao, nôn ói, nhức đầu, lơ mơ, co giật.
Xuất huyết giảm tiểu cầu: Thường xảy ra từ ngày 3 đến ngày 5
Một số chứng bệnh khác:
Viêm kết mạc mắt, dẫn đến loét giác mạc do thiếu Vitamin A dẫn đến mù.
Viêm cơ tim
Viêm loét niêm mạc má, miệng (dân giang còn gọi là cam tẩu mã)
Viêm hạch mạc trên ruột, gây đau bụng
Viêm gan: gây vàng da, tăng men gan (chủ yếu gặp ở người lớn)
Viêm vỉ cầu thận cấp
Hội chứng Guillain Barré.
Cách phòng ngừa
- Dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay trước khi ăn và trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.
- Vệ sinh môi trường: Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của trẻ
- Tiêm phòng vắc-xin sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi là biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh sởi.
Trẻ bị sởi mẹ cần làm gì?
- Thường xuyên rửa mặt, lau miệng cho bé, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh. Lau người cho trẻ hàng ngày bằng khăn sạch, mềm.
- Kiêng gió, kiêng bẩn, cách ly trẻ, cho trẻ ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa.
- Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như kiêng dùng các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cá hoa vàng, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải…
- Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và uống nhiều nước hoa quả. Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào… sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
- Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6 -8 cốc nước/ngày để giảm thiểu tình trạng mất nước của cơ thể. Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.
- Nhỏ thuốc mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày
- Nếu trẻ không bị biến chứng thì tuyệt đối không dùng kháng sinh, chỉ nên dùng B1, vitamin C liều cao. Nếu trẻ bị biến chứng khi liên tục bị sốt thì nên hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ và đưa trẻ đến bệnh viện uy tín để theo dõi và điều trị.
Mỹ An (T/h)