Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhớ một thời “báo dạo, báo loa”!

(DS&PL) -

“Trên báo Đời sống và Pháp luật, báo An ninh Thủ đô đăng tải chi tiết về vụ án rúng động dư luận…Kẻ thủ ác đã đang tâm…”. Đây chính là những lời quảng cáo trên loa của người bán báo một thời. Giờ thì đó chỉ là dĩ vãng, những với tôi thì đó lại là những ký ức khó quên với một người làm báo!

Tôi vào báo Đời sống và Pháp luật (nay là Tạp chí Đời sống và Pháp luật) từ đầu năm 2012. Và thật may mắn cho tôi, đây cũng là thời điểm Báo Đời sống và Pháp luật đang là tờ báo có lượng phát hành khoảng 13 đến 14 vạn bản/1 số báo. Ngày ấy trong mỗi buổi họp giao ban nội dung, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh luôn nói, thật ra là chỉ đạo với nhóm PV ở toà soạn: “Chúng ta luôn phải viết theo hướng hấp dẫn như đời sống nhưng phải đồng hành cùng pháp luật. Muốn được như thế thì cần phải đi sâu, đi sát vào từng vấn đề, từng sự kiện và từng thông tin…”.

Quả thật, những ngày đầu vào báo, tôi thực sự loay hoay và luôn tự đặt câu hỏi với bản thân mình: “Tại sao những PV cùng ban lại có thể viết được 1 bài sâu, dầy thông tin đến gần 2.000 chữ như vậy? Sao họ lại có thể khai khác một cách sống động được từ những thông tin “chết chóc” như thế kia…Chính những câu hỏi đó đã giúp tôi có được những kỷ niệm không thể quên trong những ngày “hừng hực” như thế?”

Ảnh minh họa

Ngày ấy, mạng xã hội chưa được dùng nhiều như hiện nay. Mỗi khi có thông tin hoặc khi đọc được vài chục chữ trên Cổng thông tin Bộ Công an, giới phóng viên nội chính hay gọi là bản tin 03 thì chúng tôi vội chuẩn bị phương tiện để lao về nơi xảy ra sự kiện.

Có những vụ việc xảy ra cách Hà Nội đến vài trăm km nhưng nó cũng chẳng thể ngăn nổi sự khám phá của những phóng viên theo dõi mảng pháp luật. Bởi chỉ có như thế thì tường tận của sự việc mới được khai sáng. Những thông tin được khai thác một cách kỹ càng và thành quả là bài viết nóng hổi được đăng tải trên báo vào ngày hôm sau. Nhưng vui hơn cả khi từng ngóc ngách của Thủ đô thi thoảng lại có tiếng báo loa giới thiệu về bài viết của mình được đăng trên báo.

Một điều nữa khiến những phóng viên như tôi ở thời điểm đó luôn đặt lên hàng đầu chính là sự cạnh tranh thông tin bằng những bài viết đi sâu, đi đến tận gốc rễ của vụ việc so với các báo “thị trường” như Tuổi trẻ Đời sống (Chuyên trang của báo Tuổi trẻ Thủ đô), Gia đình Cuộc sống (Chuyên trang của báo Gia đình Việt Nam) hay Câu chuyện Pháp luật (Chuyên trang của báo Pháp luật Việt Nam)…

Tôi vẫn nhớ như in vụ án gây rúng động dư luận cả nước xảy ra vào tối 22/12/2012, xảy ra trong 1 gia đình tại phường Phú Khánh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Sáng sớm ngày 23/12, sau khi nhận được thông tin, tôi đã báo cáo BBT và lập tức về Thái Bình để tìm hiểu sự việc. Quả thực khi đến nơi, một màu tang tóc đã bao trùm cả khu phố nơi gia đình cô giáo T. (1 trong 3 nạn nhân) đang ở. Tiếng gào khóc của thân nhân các nạn nhân, sự vội vã của các điều tra viên Công an tỉnh Thái Bình… làm tôi quên đi cái rét như cắt da, cắt thịt của ngày chính đông.

Sau một ngày quan sát, thu thập thông tin từ nhiều nguồn như Công an tỉnh và Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình, người dân địa phương, tôi lập tức điện về toà soạn xin ý kiến. Bởi với thông tin độc quyền mà tôi thu thập được thì phải đăng 2 trang mới hết. Sau khi nhận được sự đồng ý của BBT, tôi lập tức viết bài để gửi về toà soạn mà quên cả ăn. Và thành quả 2 trang báo với gần 4000 chữ tươi rói xuất hiện trên báo Đời sống và Pháp luật ngày hôm sau. Tôi cũng tận mắt chứng kiến, người dân TP Thái Bình photo lại bài báo của tôi vì báo in không đủ bán tại địa phương!...

Giờ thì MXH lên ngôi, báo giấy, thậm chí báo điện tử cũng không còn giữ được “vị thế” khi người đọc đã đón nhận thông tin theo nhiều phương thức khác nhau. Tiếng báo loa cũng chẳng còn, những người bán báo năm xưa đã chuyển đổi sang công việc khác, nhưng tôi vẫn giữ một quan điểm: Người viết báo là phải đi, phải chiến đấu, bảo vệ quan điểm hết mình với những thông tin mình có.

Nguyễn Bắc

Tin nổi bật