(ĐS&PL) Hướng tới kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), Báo Đời sống & Pháp luật xin giới thiệu những chia sẻ về "Nghề báo những kỷ niệm khó quên" của cố Nhà báo Đỗ Phượng qua ghi chép của một người giúp việc, cũng là đồng nghiệp cùng làm báo gần 20 năm cuối đời của ông.
Nhà báo Đỗ Phượng (1930 - 2017) |
Nghề báo những kỷ niệm khó quên
Trong mạch nguồn cảm xúc tự hào về nghề báo, mỗi người trong chúng ta thường bồi hồi nhớ lại những được mất của những ngày đã qua và niềm tin hi vọng của những ngày sắp tới. Với người viết bài này, từ trong sâu thẳm tâm hồn luôn cảm thấy vinh dự, tự hào về gần 20 năm được gần gũi, giúp việc nhiều bậc tiền bối cách mạng để làm báo, làm sách và thu thập những tư liệu về Việt Nam – Đất nước – Con người.
Trong hành trình đó, những ký ức về phong cách báo chí của Nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hương Sắc mãi không bao giờ phai nhạt. Đã qua hai mùa hội của báo giới, ông về với cõi vĩnh hằng nhưng những tâm tư chia sẻ về nghề báo của ông vẫn còn đau đáu trong lòng bao người ở lại.
Giáo sư Hà Minh Đức khi đang làm Chủ nhiệm Khoa báo chí Đại học Tổng hợp Hà Nội có đề nghị Nhà báo Đỗ Phượng viết một cuốn sách chuyên khảo về báo chí để phục vụ việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy của trường. Nhà báo Đỗ Phượng tuy nhận lợi nhưng lại khiêm tốn đề nghị không xuất bản thành sách chuyên khảo mà chỉ là cuốn sách ghi lại cảm xúc về những kỷ niệm đã qua, những trải nghiệm thực tế của một nhà báo viết trong cả chiến tranh lẫn hòa bình gắn với những giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của dân tộc trong thế kỷ XX. Vì vậy, tên sách cũng được đặt lại giản dị là "Nghề báo những kỷ niệm khó quên".
Thế là tập sách dày hơn 600 trang được viết dưới dạng hồi ký mà nhà báo Đỗ Phượng ẩn danh qua đại từ nhân xưng "anh" để vừa dễ đi vào lòng người qua giọng văn tự sự lại không tạo cảm giác phô trương, đề cao cá nhân như người ta thường vẫn thấy ở những trang hồi ký.
Sau khi cuốn sách được xuất bản ít ngày, đã có người ở một hãng thông tấn nước ngoài, đề nghị ông nên chuyển nội dung cuốn sách "Nghề báo những kỷ niệm khó quên" thành luận án Tiến sĩ để nhận hàm Giáo sư ở một học viện báo chí có uy tín của nước ngoài. Ông đã từ chối và cho rằng, cả đời ông thủy chung gắn với danh xưng "nhà báo" và được trở thành người đồng chí, người làm báo gần gũi Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn...và những cây bút lớn khác trong giai đoạn đầu của báo chí cách mạng Việt Nam, đó là những kỷ niệm khó quên, những trải nghiệm tuyệt vời của một đời cầm bút...
Nhà báo Đỗ Phượng (thứ hai, bên trái) lưu niệm cùng đồng chí Trường Chinh
Dấn thân, cống hiến sẽ trưởng thành
Nhà báo Đỗ Phương thường nhắc nhở chúng tôi, những người làm báo cần phải thường xuyên trau dồi những tố chất để làm báo chuyên nghiệp: Không ngại gian khổ; Phản ánh trung thực, khách quan; Ham học hỏi, trau dồi kiến thức; Tư duy nhạy bén; Có vốn ngoại ngữ phong phú...
Ông phân tích, nghề báo không chỉ chịu áp lực và sức ép về thời gian để “lên cho kịp bài” mà còn phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập như phải tác nghiệp trong những mùa mưa lũ, hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh, phản ánh cái xấu…Vậy nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao người làm báo phải hết sức năng động, linh hoạt và say mê thâm nhập cuộc sống để phản ánh những vấn đề bức xúc của xã hội.
Người viết cần phải nắn nót từng con chữ, từng câu từ để có được một tác phẩm báo chí hay, sắc sảo, có sức lan tỏa rộng, được độc giả chú ý và gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Gây dựng nên “tên tuổi” riêng, tạo được niềm tin nơi công chúng dành cho mình và họ luôn “mong ngóng” những tác phẩm mang phong cách riêng thì đó chính là điều hạnh phúc nhất của nghề báo. Ông khuyên những phóng viên trẻ phải không ngừng "dấn thân" vào thực tế cuộc sống muôn màu sắc bằng những hoạt động ĐI - NGHE - NHÌN - ĐỌC - NGHĨ - NÓI - VIẾT để ngày càng làm tốt hơn vai trò là "thư ký của thời đại".
Trong nghề báo, cách học tốt nhất là học hỏi chính ngay trong cuộc sống, học bạn bè đồng nghiệp và tự học ngay trong quá trình hoạt động thực tiễn của bản thân mình. Làm phong phú “kho dữ liệu” trong đầu bạn chính là điều kiện để có thể xây dựng những bài viết chất lượng, có chiều sâu và dễ dàng thuyết phục người đọc bằng những lập luận chặt chẽ, xác đáng nhất.
"Để nhìn nhận chuẩn xác vấn đề và có thể phản ánh đúng tính chất báo chí thì một người phóng viên cần có tư duy nhanh nhạy và phân tích tình huống “khác biệt” so với những người bình thường. Một vụ án, một phóng sự bên cạnh cách dẫn dắt tin tức thường gặp, trình bày đúng - đủ thì người phóng viên nên đưa ra những góc nhìn sự việc khác biệt hơn, khai thác những khía cạnh mà những người đồng nghiệp ít khi nghĩ đến. Luôn biết cách nắm bắt thị hiếu cũng như suy nghĩ của công chúng, rằng họ muốn thấy những vấn đề gì trên mặt báo, xem gì trên truyền hình… để từ đó có những tác phẩm “để đời”....", Nhà báo Đỗ Phượng nhấn mạnh.
Nhà báo Đỗ Phượng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Mắt sáng, lòng trong thì bút sắc
Ông lưu ý, một tác phẩm báo chí không chỉ cung cấp những thông tin mang tính "vật liệu" thuần túy như cách đưa tin của mọi cá nhân trên mạng xã hội mà phải cung cấp những sản phẩm, dịch vụ thông tin hoàn thiện. Đó là thông tin chuyên đề, thông tin bình luận, lý giải vấn đề, sự kiện một cách thấu đáo, đa chiều, khách quan.
Đặc biệt với những tờ báo có uy tín, sự tin cậy của thông tin chuyên đề sẽ mang tính định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Điều này càng trở nên quan trọng trong thời đại mà báo mạng điện tử, truyền thông xã hội bùng nổ, sự chạy đua về xuất bản, cập nhật tin tức càng trở nên khốc liệt hơn.
Người làm báo chuyên nghiệp với kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và sứ mệnh của mình phải tập trung làm rõ các góc cạnh thông tin có liên quan về chủ thể, đối tượng, nguyên nhân, địa điểm, thời gian, người làm chứng, diễn biến đến phân tích, bình luận và đưa ra những bài học, sự cảnh báo rất rõ ràng theo 6 tiêu chí cơ bản của thông tin báo chí:
"Việc gì, Bởi tại làm sao
Bao giờ, Ai biết, Thế nào, Ở đâu?"
Ông cũng thường nhấn mạnh về thử thách trước cái tâm, cái tầm, cái tài của người làm báo với ma lực đồng tiền và bao lực hút cám dỗ danh lợi khác. Vượt qua được thử thách “cam go” này sẽ hun đúc bản lĩnh nghề nghiệp. Nhà báo luôn tự đặt cho mình mục tiêu truy tìm đến cùng bản chất của sự việc hay vấn đề phản ánh và luôn giữ được trách nhiệm xã hội của người cầm bút là "đi tìm sự thống nhất trong đa dạng khác biệt" để định hướng dư luận...
Ông cho rằng, người viết báo phải luôn có tinh thần cầu thị ham học hỏi, khiêm nhường và biết giấu cái tôi của mình sau mỗi tác phẩm báo chí: "Bởi nói một cách hình ảnh về Chữ “TÔI” thì nếu ta bỏ dấu mũ thành thành chữ “TOI”, thêm dấu sắc thì thành chữ “TỐI”, thêm dấu huyền thì thành chữ “TỒI”, thêm chữ dấu nặng thì thành chữ “TỘI”…Không biết mình là ai thì TOI. Không học hỏi người khác thì TỐI. Không giúp người hoạn nạn thì TỒI. Không làm điều tốt lành thì tù TỘI…".
Người làm báo phải luôn biết đặt mình vào vị trí của người đọc, hiểu người đọc và cung cấp cho người đọc những thông tin trung thực mang được "hơi thở" cuộc sống...Một công dân đã luôn phải đề cao trách nhiệm cá nhân của mình với xã hội, đối với một công dân làm báo, điều này còn quan trọng hơn rất nhiều. Nhà báo thu thập thông tin nhưng quan trọng phải biết xử lý và lựa chọn thông tin một cách trách nhiệm để gửi đến độc giả...
Nhanh - Trúng - Đúng - Hay và Hấp dẫn
Ông nói rằng, cả đời viết của ông, chỉ là ghi lại, thuật lại từng sự kiện hoặc nhiều sự kiện trong một mối liên hệ để chuyển tới (cũng là thông tin) cho bạn đọc theo một cái đích mà tự ông cho là có thể cần thiết cho bạn đọc.
Để báo chí đến với được công chúng một cách nhanh chóng và đi vào lòng người không quá cứng nhắc, ông cho rằng trong báo chí cần phải có chất văn học. Điều đó thể hiện ở cách nhìn, cách nghĩ, cách diễn đạt, nghĩa là mọi thứ vẫn xoay quanh cái thông tin mới. Năng lực so sánh giữa xưa và nay, quá khứ và hiện tại, ký ức và hiện thực mới làm cho các thông tin mà người làm báo đưa ra càng có màu sắc riêng sâu hơn, đằm hơn, trong một khuôn khổ, dung lượng chữ nghĩa vừa phải.
Trong một số trường hợp, báo chí cũng cần lấp lánh những yếu tố văn chương bay bổng. Dù vẫn xoay quanh các sự kiện, các thông tin, nhưng người viết báo cũng nên bay bổng để ngòi bút tung hoành, nhiều phen đưa ra những cảm nhận, những cảm xúc, những suy tư bất ngờ, thể hiện một sự trải nghiệm, một tâm hồn phong phú, một quá trình tích lũy, chắt chiu tự học. Chính đó là mức độ nhuần nhuyễn sâu sắc giữa hai loại tư duy: Tư duy logic của người làm báo và tư duy hình tượng của người nghệ sĩ.
Tuy nhiên, ông lại nhấn mạnh rằng: Người làm báo phải hình thành cho mình những kỹ năng thu thập thông tin tài liệu và những bằng chứng, dữ liệu đa chiều. Trong đó cần phải đặc biệt quan tâm đến mối liên hệ giữa các luận cứ trong bài viết với yếu tố hình ảnh, thông tin đồ họa. Một bài viết dù có hay đến đâu mà thiếu những yếu tố đó cũng là bài viết "chay" thiếu hấp dẫn, thiếu tính thuyết phục.
Ông chỉ rõ: "Video, ảnh, đồ họa thông tin đem lại cho người đọc sự thật nóng bỏng, sự thật bản chất nguyên hình của thực tế khách quan và nhờ truyền thông hiện đại, những sự thật đó có thể truyền tới cùng một lúc từ khoảng cách giữa hai đầu thế giới. Qua những tư liệu xác thực ấy, người làm báo và người đọc trở thành người chứng kiến sự kiện, trực tiếp quan sát sự kiện và đánh giá nó theo quan điểm, nhận thức của mình"...
Đặc biệt ông lưu ý, những nhà báo trẻ cần chú ý vượt qua được những giới hạn của mình để tránh viết "Nhàm, Nhạt, Nhảm, Nhăng" luôn phấn đấu để có được những trang viết có giá trị đạt được các tiêu chí "Nhanh, Trúng, Đúng, Hay và Hấp dẫn".
Điều quan trọng nhất với một một người cầm bút, theo ông là phải chú ý tới những cách viết có phong cách, sáng tạo và luôn tìm tòi cái mới. Ông khuyên người làm báo trẻ nên thường xuyên tự bồi dưỡng trau dồi những cá tính riêng. Có thể có những người viết phải có tí châm chọc, có những người từ đầu tới cuối là nghiêm túc, thậm chí có người chuyên viết kết luận trước...nhưng không nên viết trăm bài như một, tròn trịa nhưng không dấu ấn. Ông đề cao bản lĩnh chính trị vững vàng của người làm báo. Trong mọi hoàn cảnh, người làm báo, nhà báo phải "giữ cho trái tim nóng, cái đầu lạnh" và luôn thấm nhuần những lời dạy của bậc thầy báo chí Cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Hồ Chí Minh:
Suy nghĩ trước khi viết
Cương quyết khi hành động
Bình tĩnh sáng suốt lúc nguy nan
Nhẫn nại ôn hòa khi tức giận
Thẳng thắn quá hay mất lòng
Nguyên tắc quá hay hỏng việc
Giải quyết linh động tùy trường hợp.
Tác giả bài viết và những kỷ niệm khó quên bên Nhà báo Đỗ Phượng sau gần 20 năm làm báo |
Qua những câu chuyện của một nhà báo lão thành cách mạng như Nhà báo Đỗ Phượng, một người từng kinh qua 4 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc và hơn 30 năm đổi mới của Đất nước, ông có vinh hạnh được làm báo cùng với các bậc thầy báo chí cách mạng Việt Nam như: Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng...đã giúp chúng tôi ghi lại những lời khuyên quý báu ấy làm cẩm nang bước vào nghề báo sẽ theo chúng tôi đi hết cuộc đời:
Theo Người làm báo bao năm tháng
Chỉ dặn thuộc câu "Đủ là dừng"
Biết đủ là đủ, bao giờ đủ?
Biết dừng là dừng, ai muốn dừng?
"Tham, Sân, Si" tam độc phải tránh
Mắt sáng, lòng trong rồi bút sắc.
Nhàm, Nhạt, Nhảm, Nhăng chi tốn mực
Nhanh, Trúng, Đúng, Hay thì cơ cực
Trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh
Tránh những sai lầm viết bởi "cái tôi"
Nhớ nụ cười sâu khi cay đắng bạn ơi!
Họa phúc vô thường ai cũng giống ai thôi!
Vương Xuân Nguyên/Sức Khỏe 365