Nhặt lá tre để bán là công việc mà người dân thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội làm mấy chục năm nay.
Nếu như người nông dân ở nơi khác công việc thường ngày là ruộng đồng vườn tược thì người dân thôn Đồng Chiêm lại chọn cho mình một công việc nghe có vẻ “lạ đời” - nhặt lá tre đem bán cho các thương buôn để xuất khẩu sang nước ngoài.
Loại lá tre này còn được gọi là lá bương hay lá măng tre bát độ. Loại lá to bản, sống tự nhiên trong rừng núi. Đây là loại lá được nhiều nước như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… ưa chuộng làm nguyên liệu gói những loại bánh cao cấp.
Công việc "nhặt lá" tưởng chừng rất buồn cười này lại mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao cho người dân nơi đây. Nhờ vào nguồn tài nguyên là những bụi tre xanh mươn mướt được mọc tự nhiên trên đồi mà người dân thôn Đồng Chiêm đổi đời trông thấy.
Theo những người dân nơi đây thì họ đã làm công việc này mấy chục năm nay. Ban đầu chỉ có vài hộ làm vì nghĩ rằng công việc “nhặt lá đá ống bơ” này chẳng đem lại lợi nhuận gì. Nhưng càng về sau thì ai ai cũng biết được lợi nhuận từ việc nhặt lá này mà cả làng đều tham gia.
Bà Bạch Thị Tịnh (thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ, một ngày mỗi người dân ở đây tranh thủ đi nhặt cũng kiếm được 50 đến 70 nghìn, tài nguyên thiên nhiên có sẵn, chỉ việc lên đồi và nhặt về thôi.
Công việc vừa nhàn lại thu nhập cũng ổn định, là người nông dân thì thu nhập như thế là cao rồi. Ở nhà cũng chẳng có việc gì để làm cả, suốt ngày quanh ra quanh vào cũng hết ngày.
Từ khi có thương gia buôn cái này người dân ở đây cũng có thêm đồng ra đồng vào, không ngờ nhặt lá lại hóa ra tiền....bà Tịch chia sẻ.
Ngoài công việc nhặt lá nhiều hộ dân ở đây cũng đi thu mua ở các địa phương khác về để mang đi xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Kể đến thương buôn có tiếng ở thôn Đồng Chiêm là anh Nguyễn Văn Ba và chị Đặng Thị Triệu.
Anh Nguyễn Văn Ba chia sẻ về nghề "buôn lá tre xuất khẩu". |
Anh Ba nói, gia đình tôi bắt đầu buôn lá tre xuất khẩu từ năm 1986 cũng được mấy chục năm trong nghề rồi, trước kia thì chủ yếu là mua của bà con ở trong thôn trong xã thôi. N,hưng mấy năm trở lại đây nguồn hàng ở thôn cũng không được nhiều nên phải đi thu mua từ nơi khác về.
Do nhu cầu bên các nước với lại mình cũng có mối bên đó nên thu mua vừa tạo công ăn việc làm cho bà con nơi đây, lại vừa có thu nhập để nuôi gia đình. Ở đây tôi thu mua cho bà con là 70 nghìn/ 10kg lá tre tươi, thu nhập bà con nơi đây cũng khá ổn định nhờ công việc này.
Ngày xưa làm ăn còn dễ, nhưng bây giờ mỗi ngày các nước lại đòi hỏi chất lượng thành phẩm cao hơn nên cũng khó làm ăn, làm cái này lãi thì cũng lớn nhưng cũng nguy hiểm, nó không như các mặt hàng khác như gạo, ngô...mình thu mua rồi chẳng may bên kia họ không cần nữa thì mình vẫn có thể dùng được, chứ cái này mà không thu mua nữa thì vứt đi, mà muốn vứt đi cũng khổ chứ 1 tấn lá tre khô đâu phải là ít, anh Ba chia sẻ.
Chị Đặng Thị Triệu ở thôn Đồng Chiêm, xã An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng là một dân buôn có tiếng ở đây cho biết, cuối năm 1992, tôi bắt mối được với một người ở Phú Thọ có nhu cầu thu mua lá tre. “Thời giá bấy giờ là 14 nghìn đồng/kg lá tre khô. Nhưng tôi không biết là họ mua làm gì, đem đi đâu nên không chắc thắng. Tôi có hỏi họ nguyên do, họ trả lời đang thí điểm, nếu lá tre tốt thì sẽ làm ăn lâu dài”.
Vậy là trong nhà có bao nhiêu lá tre, tôi hô hào chồng con đem hết ra ngoài. Người thì phân loại lá, người khác lại đếm lá đóng bao, người khác nữa vào rừng hái lá tre tươi về phơi sấy.
“Sau này tôi có liên hệ được với một công ty chuyên xuất khẩu lá tre sang Đài Loan để họ gói bánh cổ truyền. Thứ lá tre họ thu mua phải là lá tre to, ở quê tôi gọi là lá bương. Thực chất đó là lá tre bát độ, gói bánh với loại lá này rất thơm mà lại đảm bảo an toàn, thẩm mĩ”, bà Triệu bật mí.
Sẵn có mối hàng, chị Triệu thuê 20 người địa phương làm việc trong xưởng của mình. Công việc của họ chỉ đơn giản là đếm lá tre kẹp vào thanh nứa đem vào lò sấy khô rồi phân loại đóng bao. Ấy vậy mà lương công nhân cũng ở mức 3 – 4 triệu đồng/tháng.
Hằng ngày, người dân lân cận cứ việc lên rừng hái lá tre đem về bán cho cơ sở của chị Triệu.
Mỗi ngày, vài tấn lá tre tươi được chuyển đến cơ sở. Nhờ nghề đi nhặt lá tre mà nhiều người ở địa phương đã thoát nghèo. Cô Triệu bị điên ngày nào bây giờ đã trở thành tỷ phú nức tiếng. Người ta bắt đầu bảo cô Triệu giỏi, nhưng chính bản thân nữ đại gia này thừa nhận: “Tôi chỉ học hết lớp 4 bổ túc, đến chữ ký còn không rành”.
Chỉ một năm sau buôn lá tre, căn nhà cấp bốn được chị phá bỏ. Trên nền đất ấy là căn nhà khang trang, tường ốp toàn gỗ xịn.
Công việc đơn giản nhưng không hề dễ
Để xuất khẩu sang các nước bạn thì tất cả nhưng lá tre được nhặt về và thu mua phải qua rất nhiều các công đoạn rất khắt khe, tất cả lá tre phải là loại có bản to và đẹp. Lá được hái về phải xanh và không rách nát, chỉ cần có một chấm vàng ố là lá đó bị loại ngay.
Lá sau khi được hái về phải qua khâu đầu tiên là loại lá, chỉ lấy những lá đủ chất lượng và đều đặn công việc này đòi hỏi rất tỉ mỉ, mỗi người công nhân phải xem từng lá, từng lá một xem có đạt tiêu chuẩn hay không sau đó mới đem đến bước tiếp theo.
Sản phẩm cuối cùng chuẩn bị mang đi xuất khẩu. |
Theo anh Ba cho biết, ngày xưa người dân chưa có máy sấy thì chủ yếu là dùng ánh nắng để phơi cho khô, phơi nắng thì bao giờ lá nó cũng đẹp hơn vì là ánh nắng tự nhiên nên màu lá nhìn rất đẹp. Đổi lại thì rất vất vả, lượng lá nhiều mà mỗi lần mang đi phơi thì cũng vất vả lắm, trời nắng đẹp thì không sao chứ chẳng may nó mà mưa hay nắng không đủ lá thường hay bị mốc.
Bây giờ có công nghệ rồi nên đỡ vất, ở đây các thương buôn bây giờ dùng hết máy sấy rồi. Quy trình sấy cũng đòi hỏi người phải có tay nghề, kinh nghiệm để có lượng nhiệt sấy hợp lý để lá được đẹp, nếu để nhiệt độ cao quá hay thấp quá thì lá đều vứt đi hết, thường gia đình tôi sấy thì cứ tầm 10kg lá tươi thì được khoảng 3,5kg lá khô, anh Ba cho biết thêm.
Sau khi lá đã được sấy khô thì lại tiếp tục công đoạn phân loại, lá nào đẹp thì là loại A giá thành sẽ cao hơn, lá xấu hơn thì loại B...còn lá nào xấu quá thì vứt đi chẳng dùng được, cứ cho vào thì làm ảnh hưởng đến cả lô hàng.
Làm cái nghề này nó đòi hỏi phải tỉ mỉ, chứ vội vàng là hỏng hết. Bây giờ bên kia khách hàng cũng kén chọn nên phải làm ra sản phẩm chất lượng thì mới bán được hàng.