Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội năm học 2019-2020

(DS&PL) -

Một trong những điểm mới trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tại Hà Nội là việc xóa bỏ hoàn toàn chế độ cộng điểm khuyến khích.

Một trong những điểm mới trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tại Hà Nội là việc xóa bỏ hoàn toàn chế độ cộng điểm khuyến khích.

Chiều 25/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp vào lớp 10 năm học 2019-2020. Theo đó, có nhiều điều chỉnh quan trọng trong việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn thành phố sắp tới.

Ảnh: Zing.vn

Thi 4 bài độc lập

Quy định được áp dụng với học sinh dự tuyển vào các trường THPT khối không chuyên ở Hà Nội. 

Nếu mùa thi trước chỉ thi 2 môn Ngữ văn, Toán thì năm nay thí sinh sẽ thi Ngữ văn, Toán (hệ số 2) theo hình thức tự luận và Ngoại ngữ, Lịch sử (hệ số 1, trong đó Lịch sử thi trắc nghiệm, Ngoại ngữ có 2 phần là tự luận và trắc nghiệm khách quan tách rời nhau. Phần thi trắc nghiệm khách quan được trình bày trên phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính. 

Điểm 4 bài thi cộng với điểm ưu tiên nếu có là điểm sử dụng để xét tuyển.

Thí sinh chỉ có nguyện vọng dự tuyển vào khối chuyên sẽ chỉ thi Toán, Văn, Ngoại ngữ theo đề đại trà (hệ số 1) và môn chuyên (hệ số 2). Trước đó, thí sinh dự tuyển vào khối chuyên phải trải qua vòng sơ tuyển. Học sinh dự tuyển vào chương trình song bằng tú tài phải thi thêm vòng phỏng vấn trực tiếp.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khối không chuyên sẽ diễn ra vào các ngày 2 và 3/6. Học sinh dự tuyển vào khối chuyên thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (hệ số 1) cùng thời điểm với khối không chuyên và thi các môn chuyên vào các ngày từ 3/6 đến 5/6. Học sinh dự tuyển chương trình tú tài song bằng dự tuyển thêm vòng phỏng vấn vào ngày 18/6.

Học sinh có tối đa 7 nguyện vọng

Học sinh Hà Nội dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được quyền đăng ký tối đa 7 nguyện vọng (NV) trúng tuyển vào các trường chuyên, không chuyên khối công lập (chưa kể NV vào các trường ngoài công lập, công lập tự chủ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp). 

Trong đó, riêng trường THPT công lập khối không chuyên, học sinh được đăng ký 2 NV trong cùng một khu vực tuyển sinh. Hai NV này xếp theo thứ tự. Học sinh đã trúng tuyển NV1 thì không được xét NV2. Trường hợp muốn nhập học NV2, học sinh phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn NV1 của trường ít nhất 1,5 điểm.

Trong 7 NV được sử dụng để xét tuyển, ngoài NV vào trường công lập khối không chuyên (chỉ chọn NV đủ điều kiện trong 2 NV đăng kí trước), học sinh có các NV vào chương trình song bằng, tiếng Pháp song ngữ và NV vào các trường chuyên

Có 12 khu vực tuyển sinh

Sở GD&ĐT Hà Nội chia 12 khu vực tuyển sinh, mỗi khu vực có 2-3 đơn vị quận, huyện thuộc địa bàn giáp ranh. Học sinh được đăng ký 2 NV vào cùng một khu vực tuyển sinh. Hộ khẩu thường trú ở đâu thì đăng ký tại khu vực đó. Trong mỗi khu vực tuyển sinh đều được tính toán để có đủ đại diện các tốp trường với mức điểm chuẩn chênh lệch, có nhiều mô hình trường như các trường công lập, ngoài công lập, công lập tự chủ…

Riêng các trường công lập tự chủ, trường ngoài công lập, học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội được đăng ký tuyển sinh. Trường THPT Chu Văn An tuyển học sinh khu vực phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra, với điều kiện có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi năm lớp 9, có giải trong kì thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, thành phố.

Đối với học sinh dự tuyển vào trường THPT công lập theo 12 khu vực tuyển sinh vẫn có thể được đổi khu vực tuyển sinh nếu ở vùng giáp ranh giữa hai khu vực hoặc nơi ở thực tế khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Trường hợp này học sinh phải có đơn xin đổi khu vực tuyển sinh gửi cho phòng GD&ĐT, nơi có trường THCS học sinh đang học.

Đăng ký nhập học trực tuyến vào các trường công lập

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay là khi có kết quả thi, học sinh sẽ đăng ký bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cụ thể, học sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT công lập phải có bố hoặc mẹ có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Học sinh dự tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính, trường ngoài công lập thì bố mẹ chỉ cần có hộ khẩu tạm trú Hà Nội.

Sau khi có kết quả thi, học sinh muốn được học theo nguyện vọng nào phải thực hiện thao tác xác nhận nhập học từ ngày 20/6 đến ngày 26/6.

Theo hướng dẫn đối với hình thức đăng ký nhập học trực tuyến, học sinh đăng nhập tài khoản sổ liên lạc điện tử, chọn tên trường trúng tuyển, chọn xác nhận nhập học.

Trong 6 ngày, học sinh có quyền thay đổi nguyện vọng trúng tuyển. Sau thời gian đó, tài khoản của học sinh sẽ được hệ thống khóa tự động, không thể thay đổi nguyện vọng trúng tuyển. Sở GD&ĐT cũng duy trì hình thức đăng ký nhập học trực tiếp.

Như mọi năm, thí sinh nộp bản sao phiếu kết quả tuyển sinh tại trường có nguyện vọng trúng tuyển. Học sinh trúng tuyển trường nào phải học hết 3 năm THPT ở trường đó, trường hợp đặc biệt có nguyện vọng thay đổi phải được sự đồng ý của giám đốc Sở GD&ĐT.

Ảnh: Dân Trí

Bỏ cộng điểm khuyến khích, “siết” tuyển thẳng

Điểm mới nữa mà bà Hà nhấn mạnh trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay là việc xóa bỏ hoàn toàn chế độ cộng điểm khuyến khích, kể cả học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông ở cấp THCS cũng chỉ được dùng để xét tốt nghiệp, chứ không được cộng điểm khuyến khích vào lớp 10 như các năm trước.

Chế độ tuyển thẳng cũng được quy định chặt chẽ hơn, thu hẹp đối tượng theo đúng văn bản quy định của Bộ và của Sở GD&ĐT Hà Nội. Với những học sinh được tuyển thẳng, thay vì chỉ cần có xác nhận tạm trú trong khu vực tuyển sinh có trường THPT mà học sinh đó lựa chọn, như các năm trước, thì từ năm tới học sinh hoặc bố mẹ học sinh phải có hộ khẩu thường trú.

Cụ thể, học sinh chỉ được tuyển thẳng vào một trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh nơi học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú. Nếu là trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc THPT ngoài công lập không phân biệt khu vực tuyển sinh. Trường hợp học sinh đủ điều kiện mà không có nguyện vọng tuyển thẳng thì phải tham gia thi tuyển để dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập.

Học sinh có thể chọn một ngoại ngữ bất kỳ để dự thi

Theo bà Nguyễn Thu Hà,  môn ngoại ngữ là 1 trong 4 môn học sinh phải dự thi trong kỳ thi tuyển sinh 10 THPT năm học 2019 - 2020. Để tạo điều kiện cho học sinh, năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội quy định học sinh có thể đăng ký ngoại ngữ thi là một ngoại ngữ bất kỳ (tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức (tùy theo khả năng, không bắt buộc phải là môn ngoại ngữ được học ở cấp THCS). Trừ những học sinh thi vào lớp tiếng Đức (hệ 7 năm) của Trường THPT Việt - Đức thì ngoại ngữ thi bắt buộc phải là tiếng Đức.

Đối với học sinh có đăng ký thi chuyên, môn ngoại ngữ cũng là 1 trong 3 môn điều kiện để xét tuyển vào lớp chuyên, nên còn được gọi là môn ngoại ngữ điều kiện chuyên. Riêng với lớp chuyên ngữ (là lớp chuyên ngoại ngữ mà học sinh đăng ký học tại trường THPT chuyên hoặc trường THPT có lớp chuyên) được chia thành 2 nhóm.

Nhóm 1, phải thi bằng đúng ngoại ngữ học tại lớp chuyên (ví dụ: chuyên Anh thi bằng tiếng Anh, chuyên Pháp thi bằng tiếng Pháp).

Nhóm 2, học sinh thi vào lớp chuyên ngữ bằng ngoại ngữ khác với ngoại ngữ học tại lớp chuyên (ví dụ: học sinh thi vào lớp chuyên Pháp trường chuyên Nguyễn Huệ bằng tiếng Anh; thi vào lớp chuyên Trung Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam bằng Tiếng Nhật....)

Lưu ý khi tuyển sinh vào trường chuyên

Năm nay, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam tuyển 12 lớp chuyên. THPT chuyên Nguyễn Huệ tuyển 11 lớp chuyên. THPT Chu Văn An tuyển 10 lớp chuyên. THPT Sơn Tây tuyển 9 lớp chuyên.

Học sinh đăng ký dự thi các trường chuyên phải có học lực các năm học khá trở lên, xếp loại tốt nghiệp THCS khá trở lên. Học sinh không được đổi nguyện vọng môn chuyên đã đăng ký, do đó phải xem xét năng lực để đăng ký môn thi phù hợp. Học sinh được chọn tối đa 2 trong 4 trường chuyên để dự thi.

Riêng THPT Chu Văn An, học sinh từ Thanh Hóa trở ra phải có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, đoạt giải chính thức trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh mới được dự thi.

Thí sinh phải dự 4 bài gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ và môn chuyên. Riêng Ngoại ngữ, học sinh phải thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận đánh giá cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Hà Nội cũng thông báo tuyển sinh 2 lớp, mỗi lớp 50 học sinh, cho chương trình đào tạo song bằng tú tài tại trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam và THPT Chu Văn An. Học sinh tốt nghiệp THCS, đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường công lập, được đăng ký dự thi.

Chương trình yêu cầu học sinh có điểm trung bình cả năm lớp 9 các môn Toán, Vật lý, Hóa học từ 8 điểm trở lên, điểm trung bình cả năm lớp 9 môn Tiếng Anh đạt 8,5 trở lên, điểm trung bình cả năm lớp 9 môn Ngữ văn đạt từ 6,5 trở lên.

Ảnh: Thanh Niên

Nếu chỉ có nguyện vọng vào chuyên thì không cần thi môn lịch sử

Bà Nguyễn Thu Hà cho biết, năm nay với học sinh thi vào THPT công lập không chuyên thì phải thi 4 môn bắt buộc. Cụ thể, năm nay là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử. Tuy nhiên, nếu học sinh chỉ có nguyện vọng vào THPT chuyên mà không có nguyện vọng vào trường THPT công lập không chuyên thì sẽ phải chỉ thi 3 môn điều kiện bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ (cùng với thí sinh dự thi vào THPT không chuyên) và môn chuyên. 

Học sinh không phải thi môn thứ tư là môn lịch sử như học sinh thi vào trường THPT công lập không chuyên. Học sinh được chọn tối đa 2 trong 4 trường chuyên do Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý để đăng ký dự tuyển (Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây).

Trong mỗi buổi thi học sinh chỉ được chọn 1 môn chuyên để dự thi. Nếu học sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào 1 môn chuyên tại 2 trường thì phải ghi rõ trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2...

Sẽ công bố phổ điểm, dự kiến điểm chuẩn

Năm 2018, tình trạng bấn loạn trong tuyển sinh lớp 10 xảy ra có nguyên nhân phụ huynh và học sinh không biết về mặt bằng điểm thi để có thể dự kiến được điểm chuẩn.

Do vậy, một trong những điểm mới năm nay so với các năm trước mà Sở GD&ĐT Hà Nội công bố là sau khi có kết quả thi, Sở GD&ĐT sẽ cung cấp cho từng trường phổ điểm, dự kiến điểm chuẩn; tiếp theo sẽ họp xét duyệt điểm chuẩn, công bố điểm của học sinh và điểm chuẩn cùng một thời điểm (trước 1 ngày đợt tuyển sinh thứ nhất).

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật