Bài bình luận trên New York Times cho rằng, việc chạy điểm vào đại học là chuyện "thường tình" ở Mỹ, cho phép những đứa trẻ con nhà giàu vào được ngôi trường danh giá.
Nước Mỹ chấn động vụ 50 người bị bắt vì gian lận, chạy điểm vào đại học. Ảnh minh hoạ: Getty |
Gần 50 người Mỹ từ 6 tiểu bang bao gồm nhiều diễn viên nổi tiếng cùng 13 huấn luyện viên thể thao đã bị bắt do liên quan tới hoạt động hối lộ để chạy suất theo học các trường đại học nổi tiếng. Hoạt động bất hợp pháp này đã bắt đầu từ năm 2011 và vẫn tiếp diễn cho tới hiện tại. Trường đại học Georgetown, Stanford, California, Los Angeles, San Diego, Nam California, Texas, Austin, Wake Forest và Yale đều có trong danh sách. Hai trong số này là các trường đại học công lập, còn lại là các trường phi lợi nhuận hoặc tư nhân.
Trong một bài đăng trên New York Times, tác giả mở đầu bằng việc đưa ra dẫn chứng cụ thể: “Một cô gái tuổi teen không chơi bóng đá đã trở thành ngôi sao tuyển dụng bóng đá tại Đại học Yale theo một cách kỳ diệu. Chi phí bố mẹ cô bỏ ra là 1,2 triệu USD; Một nam sinh trung học háo hức đăng ký vào Đại học Nam California bị coi là đối tượng khuyết tật nên cậu có thể làm bài kiểm tra tiêu chuẩn với một giám sát viên - người đảm bảo cho cậu đạt điểm cao trong kỳ thi. Chi phí bố mẹ cậu bỏ ra ít nhất cũng là 50.000 USD.
Nhà văn người Mỹ gốc Ấn, đồng thời là cây bút kỳ cựu của New York Times Anand Giridharadas lưu ý rằng ông đã đề cập đến thực trạng chạy điểm trong cuốn sách của ông tên là “Winners Take All” (tạm dịch: Người chiến thắng có được tất cả). Cuốn sách không hề tập trung vào phê bình nền kinh tế mà nhằm vào một nền văn hóa mà trong đó các giá trị của nền dân chủ phụ thuộc vào sự giàu có của giới cầm quyền. Ông Giridharadas nói rằng những người giàu có đủ năng lực vươn tay nắm lấy quyền lực, nắm lấy cơ hội từ những người khác.
Phải chăng, những người giàu có luôn có khả năng "mua" được cuộc sống dễ dàng hơn? Ảnh minh hoạ: Getty |
Trong khi đó, tác giả Rainesford Stauffer - một cây viết khác của tờ New York Times cũng khẳng định bê bối này thực chất chỉ là một phần của câu chuyện, bởi lẽ từ lâu việc gian lận trong tuyển sinh đại học đã là một "ngành công nghiệp", hỗ trợ những đứa trẻ giàu có vào được ngôi trường mà chúng mơ ước.
Bà Stauffer kể lại rằng không lâu sau năm nhất đại học, bà bắt đầu băn khoăn về lựa chọn chuyển trường hoặc bỏ học để đi làm. Bà đã hẹn gặp một người chị học khoá cao hơn ở trường thuộc khối Ivy League (top 8 trường đại học có hệ thống triết lý và đào tạo hàng đầu ở Mỹ).
"Em sẽ thích cuộc sống ở đại học miễn là em đủ "thông minh", người chị khoá trước nói. Điều này không có gì là lạ vì tất nhiên muốn học được đại học thì phải có đầu óc nhưng sau này, cô sinh viên Stauffer mới biết cái "thông minh" được nhắc đến lại khác hoàn toàn với những gì bản thân nghĩ tới.
Người chị khoá trên đã dành rất nhiều thời gian để học gia sư luyện thi riêng vào trường, chấp nhận trả một khoản tiền không nhỏ để cải thiện điểm số. Thậm chí với bài luận, sẽ có cả người làm cùng, chỉnh sửa bài sao cho bài chuẩn chỉnh nhất, miễn là chịu chi tiền. Và theo lời của người này, rất nhiều bạn bè cùng lớp cũng làm điều tương tự.
Thời điểm đó, Stauffer chợt có cảm giác rằng nếu việc học đại học là một cuộc thi, thì bản thân đã trượt ngay từ lúc bắt đầu rồi. Điểm "A" cô từng có trong môn Văn học cùng việc phải làm thêm vào mỗi cuối tuần sẽ chẳng cách nào so sánh với những người bạn cùng lứa sẵn sàng chi trả một khoản lớn để có thể nộp những bài luận được hướng dẫn kỹ càng.
Cuối cùng, sinh viên Stauffer đã không chuyển đến ngôi trường nổi tiếng mà lựa chọn theo học một khóa hàm thụ từ xa để có thể đi làm song song. Cô chẳng còn muốn bỏ quá nhiều công sức vào chuyện học nữa, vì biết mình chẳng thể so sánh với những người có tiền. Và cô còn thấy bất công cho những người có ít điều kiện hơn, không hiểu họ sẽ học kiểu gì trong hệ thống này?
Vậy nên khi vụ bê bối hối lộ tuyển sinh lộ ra, Stauffer cảm thấy không có gì khác biệt với những gì đang diễn ra mỗi ngày. Có chăng, đó là một phiên bản "hợp pháp" của cái gọi là "bỏ tiền ra mua lợi thế" vào mỗi khi mùa tuyển sinh mới bắt đầu.
Bài kiểm tra đầu vào tiêu chuẩn của hệ thống Ivy League trị giá $840 triệu USD, và nó tiêu tốn của phụ huynh $200/h để con mình luyện thi và nâng cao điểm số. Ngoài ra còn có khoản tiền để thuê người hướng dẫn viết bài luận đầu vào, thậm chí đôi khi còn là viết hộ. Đó là chưa tính đến những trường hợp phải thuê đến công ty hướng dẫn thi đại học - họ sẽ lo toàn bộ quá trình từ đăng ký đến thi cử, với mức giá lên tới $40.000.
Bên cạnh đó, mỗi trường còn có một quỹ quyên góp, phụ huynh chỉ cần đóng góp một mức hào phóng là đủ để con được nhận thẳng vào trường.
Vụ bê bối tuyển sinh mới nhất này đang gây phẫn nộ, nhưng vụ việc không phải mới mẻ, chỉ là trước đây chưa bị “khui ra”. Bỏ số tiền lớn ra chạy điểm là việc dễ dàng với các gia đình giàu có, cho phép họ đảm bảo tương lai cho con mình. Nó cũng gửi đi thông điệp tiêu cực tới rất nhiều sinh viên đang tin tưởng vào hệ thống giáo dục hiện tại rằng thực chất, dù họ có chăm chỉ đến đâu, những người vốn giàu có sẽ luôn có khả năng “mua” được một cuộc sống tốt hơn.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo NPQ, New York Times)