Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiều ca mắc cúm nặng phải nhập viện, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Cúm mùa là bệnh rất thường gặp, dễ lây từ người sang người, bắt đầu từ các triệu chứng thông thường như sốt, ớn lạnh, đau họng, chảy nước mũi, nhức mỏi cơ.

Nhiều ca mắc cúm nặng phải nhập viện

Ngày 6/2, báo Dân trí dẫn lời đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, đơn vị hiện điều trị cho 8 ca mắc cúm.

Trong số đó, có ca trở nặng, thở máy chỉ sau 3 ngày mắc cúm, bệnh nhân đối mặt với nguy kịch.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Xuân Huy, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết đang có 18-20 ca cúm nặng nằm viện, với các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết.

Đáng chú ý, có những trường hợp trong nhóm nguy cơ (trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, có bệnh nền) nên sẽ càng dễ gặp những biến chứng nguy hiểm hơn.

Nhiều ca mắc cúm nặng phải nhập viện. Ảnh minh họa 

Cúm mùa là bệnh thường gặp, không nên quá lo lắng

Các chuyên gia cho biết, cúm mùa là bệnh rất thường gặp, dễ lây từ người sang người, bắt đầu từ các triệu chứng thông thường như sốt, ớn lạnh, đau họng, chảy nước mũi, nhức mỏi cơ.

Bệnh có nguy cơ gây biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp… đặc biệt ở người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.

Nếu sốt cao liên tục, ho nhiều, khó thở là những triệu chứng báo động, cần nhập viện ngay. Khi điều trị trễ, bệnh nhân sẽ diễn tiến suy hô hấp, ngưng thở, biến chứng tổn thương các cơ quan khác và nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ Võ Xuân Huy khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng về biến chứng xấu khi tiêm ngừa, vì tỷ lệ biến chứng rất thấp. Thứ hai, bệnh nhân sẽ được bác sĩ sàng lọc, tầm soát kỹ lưỡng trước tiêm. Thứ ba, việc tiêm ngừa có lợi ích phòng bệnh rất lớn so với hậu quả xảy ra nếu không tiêm.

Ngoài cúm, bác sĩ Huy cũng khuyến cáo người dân nên chích thêm vaccine ngừa phế cầu, sẽ giúp hạn chế biến chứng bất lợi liên quan đến phổi.

Khi nào cần đến viện thăm khám?

VTC News dẫn lời bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm mùa là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên.

Bác sĩ khuyến cáo, với người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, người có bệnh phổi, bệnh tim mãn tính thì nên đi viện khi bị cúm.

Người khoẻ mạnh bình thường nếu bị cúm thì sẽ tự khỏi sau 3-7 ngày. Tuy nhiên, người bị cúm, nếu nhận thấy cơ thể diễn biến bất thường như khó thở, sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt mà không giảm nhiệt độ, mệt lả cũng cần đi viện thăm khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, người có bệnh phổi, bệnh tim mãn tính thì nên đi viện khi bị cúm. Ảnh minh họa 

Cúm lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo phòng ngừa cúm bằng cách tiêm phòng hàng năm, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao. Người dân cần sát khuẩn, vệ sinh hầu họng, giữ vệ sinh răng miệng hàng ngày. Mọi người cần đeo khẩu trang, tránh những nơi quá đông người, tránh tiếp xúc những người có nguy ngờ bệnh cúm.

Theo Bộ Y tế, thời tiết hiện tại tạo điều kiện lý tưởng cho cúm mùa và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp bùng phát. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản.

Cụ thể, dữ liệu công bố ngày 31/1 của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cho thấy, từ ngày 2/9/2024 đến ngày 26/1 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa.

Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ ngày 23 đến ngày 29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.

Tại Việt Nam, cúm mùa cũng lưu hành rất phổ biến. Năm 2024, cả nước ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm, 8 ca tử vong. Tuy số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108), nhưng số tử vong tăng 5 trường hợp.

Tin nổi bật