(ĐSPL) - Mới đây, Công an huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) vừa tạm giữ hình sự 4 nghi can để điều tra và làm rõ hành vi vận chuyển tiền tệ trái phép từ Việt Nam qua Campuchia. Đây không phải là lần đầu và Tây Ninh cũng không là tỉnh duy nhất xuất hiện tình trạng vận chuyển tiền lậu qua biên giới mà còn nhiều nơi khác đang "nóng" dần lên với đủ kiểu qua mặt của tội phạm.
Nóng bỏng "buôn lậu" tiền
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật vào chiều 5/1, đại diện cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) cho biết, vào khoảng 11h30 ngày 4/1, cơ quan này phối hợp với Chi cục Hải quan, đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài phát hiện 4 đối tượng Đặng Thái Bình (SN 1966), Đặng Ngọc Bích (SN 1966), Trương Phong Bảo (SN 1987) và Trương Ngọc Thư Kỳ (SN 2001) cùng ngụ tỉnh Tây Ninh, có hành vi vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới.
Các đối tượng trong cùng một gia đình vận chuyển tiền lậu ngày 4/1 tại Tây Ninh. |
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 106 triệu đồng, 36.000 USD, 4 điện thoại di động và các giấy tờ khác. Các đối tượng khai nhận cả 4 người đều là người thân trong gia đình, nghi can Bảo là con riêng của Bích với người chồng trước. Kỳ là con gái chung của Bích và Bình.
Sáng 4/1, những người này cùng đi ô tô qua Campuchia. Trên đường đi, Bảo lấy 36.000 USD đưa cho 3 người thân giữ hộ và cất giấu trong người. Tất cả cùng thỏa thuận khi sang biên giới sẽ giao tiền lại cho Bảo. Khi đến cửa khẩu Mộc Bài thì bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản bắt quả tang. Hiện cơ quan CSĐT đã tạm giữ người và tang vật để tiếp tục điều tra.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu cơ quan chức năng bắt giữ những đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ. Trước đó, vào tháng 8/2014, Công an huyện Tân Biên phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát (Cục Hải quan Tây Ninh) phát hiện Tan Zheng (quốc tịch Trung Quốc) giấu 18,2 tỉ đồng Việt Nam.
Đối tượng này khai nhận đã thuê ô tô Campuchia vận chuyển tiền từ Việt Nam qua cửa khẩu cho Liu Wei (quốc tịch Trung Quốc) đã xuất cảnh sang Campuchia trước đó và đang chờ nhận tiền.
Cũng ngay sau đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát phát hiện Tiêu Đức Phước (SN 1976) và Trần Thị Hạnh (SN 1982) cùng ngụ Tây Ninh, giấu trong người 35 triệu Riel (tiền Campuchia, tương đương 180 triệu VNĐ). Cơ quan chức năng đã mở rộng điều tra, làm rõ các đối tượng bao che, bảo kê cho hoạt động vận chuyển tiền lậu qua biên giới.
Không riêng Tây Ninh, các tỉnh thành có biên giới giáp với nước khác cũng đang tập trung triệt phá, phát hiện các đối tượng bảo kê, đường dây vận chuyển tiền trái phép qua biên giới. Tháng 12/2014, Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp Công an huyện Tân Hồng, đồn Biên phòng cửa khẩu Thông Bình đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng Lê Văn Thương (SN 1980, ngụ tỉnh Đồng Tháp) vận chuyển gần 1 tỉ đồng Việt Nam từ biên giới Campuchia về Việt Nam. Lần theo đường dây, Cơ quan điều tra đã bắt giữ khẩn cấp Lâm Thị Mến và khám xét nơi ở của đối tượng tại xã Thông Bình, huyện Tân Hồng.
Tại nhà riêng của Mến, cơ quan CSĐT thu giữ nhiều tờ tiền Campuchia và nhiều giấy tờ có liên quan đến việc giao dịch, vận chuyển tiền tệ trái phép với các đối tượng khác, ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng. Điều này cho thấy, tình trạng vận chuyển tiền lậu qua biên giới đã tồn tại khá lâu và phát triển với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Qua thực tế, PV nhận thấy việc ngăn chặn và phát hiện các đối tượng vận chuyển tiền lậu là hết sức khó khăn. Tiền tệ không cồng kềnh như hàng hóa lậu thông thường, lại có giá trị lớn nên tội phạm rất tinh vi trong quá trình vận chuyển.
Chia sẻ với PV, nhiều người dân ngụ huyện Bến Cầu, sống gần khu vực cửa khẩu Mộc Bài, cho biết tình trạng vận chuyển tiền lậu trên thực tế có rất nhiều nhưng cơ quan chức năng chỉ ngăn chặn những vụ việc lớn, những kiểu vận chuyển nhỏ lẻ thì người dân sang biên giới mang theo một ít quay về là chuyện bình thường. Do vậy, nhiều người đã chuyển từ việc vận chuyển hàng lậu sang vận chuyển tiền lậu. "Vận chuyển tiền lậu khỏe hơn nhiều mà thù lao lại cao. Tuy có phần nguy hiểm hơn nhưng biết cách tính toán, phân chia số lần đi để không bị chú ý, làm một thời gian thì nghỉ để cán bộ lơ là sẽ lại đi tiếp", một người từng tham gia vận chuyển tiền lậu cho biết.
"Mắt xích" ngăn chặn rửa tiền
Một cán bộ hải quan tại Tây Ninh cho biết: "Trước đây, nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền của cán bộ hải quan còn yếu nhưng khi được huấn luyện, việc phát hiện và ngăn chặn hiện tượng vận chuyển tiền qua biên giới đã có hiệu quả. Kết quả thu được là nhiều vụ vận chuyển tiền lậu với giá trị cao đã bị bắt giữ và điều tra". Cũng theo cán bộ này, kể từ khóa huấn luyện nghiệp vụ phòng chống rửa tiền của Tổng cục Hải quan, từ năm 2014 đến nay, Cục Hải quan Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến hành khách xuất cảnh, nhập cảnh mang theo tiền, ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật với tang vật gồm tiền Việt Nam và các loại ngoại tệ khác.
Trong đó, đã khởi tố hình sự hai vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, chuyển hồ sơ và tang vật gồm 86.000 USD, 178 triệu đồng Việt Nam cho cơ quan điều tra. Công tác phòng chống rửa tiền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là khu vực cửa khẩu biên giới Tây Ninh có lưu lượng hành khách qua lại lớn, bởi đối diện phía Campuchia có rất nhiều sòng bạc, nhiều đối tượng vượt biên dưới hình thức đi đánh bạc để vận chuyển tiền trái phép. Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm có liên quan đến tiền, ngoại tệ tại địa bàn quản lý.
Video tham khảo:
Báo động làn sóng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê
Làm việc với PV, ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh) cho biết: "Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán luôn là cao điểm của các vụ vi phạm vận chuyển tiền, vàng trái phép. Để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, Tổng cục Hải quan liên tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, đặc biệt là những hành khách xuất cảnh, nhập cảnh là người nước ngoài thường xuyên qua lại biên giới; các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn mang theo tiền với số lượng lớn nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ cho các tổ chức hoạt động phi pháp hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới cũng sẽ được khoanh vùng để có hướng xử lý phù hợp".
Ông Khánh cho biết thêm, ngoài các cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu hàng không cũng đang được các đối tượng rửa tiền khai thác triệt để. Do vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát những đối tượng khả nghi, Tổng cục Hải quan còn chỉ đạo các đơn vị hải quan lên danh sách các tuyến bay trọng điểm, đối tượng thường xuyên vận chuyển tiền với số lượng lớn và có biểu hiện nghi vấn để ngăn chặn, bắt giữ... Đồng thời, có kế hoạch nâng cao kỹ năng nghiệp vụ hơn nữa cho lực lượng kiểm soát hải quan nhằm góp phần ngăn chặn, phát hiện kịp thời hành vi rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền, vàng qua biên giới. Như vậy, ngành Hải quan chính là "mắt xích" rất quan trọng và mang tính quyết định trong việc ngăn chặn dòng tiền bẩn vượt biên và lột xác.
Giấu tiền lậu trong... hàng lậu Ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm (cục Hải quan tỉnh Tây Ninh) cho biết thêm: "Nhiều đối tượng rửa tiền bằng cách đưa tiền lậu sang biên giới rồi mua hàng hóa đưa về Việt Nam. Các đối tượng còn táo bạo đưa tiền lậu giấu vào các hàng hóa lậu như rượu, bia, thuốc lá. Thực tế, việc ngăn chặn hành vi vận chuyển tiền tệ trái phép rất gắt gao và chú trọng, chưa chặt chẽ trong khâu xử lý vận chuyển hàng lậu nên nhiều đối tượng đã đưa tiền lậu núp bóng hàng lậu. Luật đã quy định đối tượng sẽ bị phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm nếu vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính qua biên giới. Dường như quy định này còn quá nhẹ và nương tay với các đối tượng vận chuyển hàng và tiền lậu”. |