Hàng nghìn phách gỗ được chuyển về đồng bằng một cách “thuận buồm xuôi gió” khiến người dân đặt câu hỏi về có sự tiếp tay từ phía sau.
Sắp đến mùa mưa bão cũng là thời điểm lâm tặc tranh thủ “giải phóng” số lượng gỗ khổng lồ đang còn “tồn kho” trong rừng. Nếu như trước đây, lâm tặc vận chuyển gỗ bằng xuồng bè, dùng trâu kéo, thì nay chuyển sang chở bằng xe gắn máy. Tại tỉnh Quảng Nam, nạn vận chuyển gỗ trái phép bằng xe máy diễn ra công khai giữa ban ngày. Hàng nghìn phách gỗ được chuyển về đồng bằng một cách “thuận buồm xuôi gió” khiến người dân đặt câu hỏi, liệu có sự tiếp tay từ phía sau?
|
Ngang nhiên chở gỗ lậu giữa ban ngày. |
Vượt qua đoạn đường vách đá cheo leo, qua bao con suối nước ngập nửa người, phóng viên mới đến được khu vực Bãi Pháo, thuộc địa bàn thôn 8, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Tại đây, hàng trăm phách gỗ tròn, vuông dài hơn 2m được vận chuyển từ các cánh rừng nguyên sinh về tập kết ở bìa rừng. Hơn 20 thanh niên to khỏe, chủ yếu là người dân địa phương, với phương tiện chuyên dụng là xe Honda Win 100 đang chờ sẵn. Cứ thế, xe này nối đuôi xe kia vận chuyển gỗ từ Bãi Pháo ra QL 14E. Một người tham gia chở gỗ ở đây cho biết, bình quân mỗi ngày vận chuyển được 2 chuyến, mỗi chuyến đầu nậu trả tiền công từ 200.000 đến 250.000 đồng.
Xã Phước Hiệp là một trong số ít địa phương ở huyện Phước Sơn còn rừng nguyên sinh. Sau khi triệt hạ xong những khu rừng ở địa bàn thuận lợi, lâm tặc bắt đầu “tấn công” vào khu rừng già. Từng vạt rừng hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ. Những cây gỗ quý có đường kính hơn 1m nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau. Nạn phá rừng diễn ra ồ ạt từ nhiều năm nay nhưng chính quyền xã vẫn làm ngơ.
Trước thông tin hàng trăm ha rừng của xã bị tàn phá, ông Lê Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp vẫn tỉnh bơ: “Nhân dân phản ánh thì đó là thông tin các anh nắm. Bây giờ các anh đi vào đường các anh thấy tình trạng như vậy. Đối với địa phương bây giờ cũng không có ý kiến nào phản biện về vấn đề này. Quyết tâm chung của Đảng ủy, UBND xã là phải ngăn chặn được nạn phá rừng nhưng cũng phải thừa nhận rằng, việc làm của địa phương cũng còn một số hạn chế”.
|
Vận chuyển gỗ lậu từ Bãi Pháo ( Phước Hiệp, Phước Sơn, Quảng Nam) ra QL14E để chuyển về đồng bằng tiêu thụ. |
Dọc tuyến QL 14D đoạn từ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang đến xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), bắt đầu từ lúc chập choạng tối, hàng chục xe máy chở theo những phách gỗ dài từ trong rừng phóng ra với tốc độ 60 đến 70km/giờ. Hộ tống phía sau là những thanh niên chạy xe máy lạng lách, đánh võng không cho xe lực lượng chức năng qua mặt. Những thanh niên này sẵn sàng dùng hung khí truy đuổi ngược lại lực lượng kiểm lâm nếu bị phát hiện.
Ông Lê Viết Mai, Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy Chữa cháy rừng số 2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, mặc dù ngành Kiểm lâm và các ngành chức năng ở địa phương đã nhiều lần triển khai công tác phối hợp, nhưng thực tế thì chỉ có lực lượng kiểm lâm “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến chống phá rừng.
“Bọn lấy gỗ luôn chuẩn bị dao Thái Lan để phía sau. Nếu lực lượng chức năng mà gặp đuổi thì chúng nó dùng cái dao nó cắt 1 phát, bỏ dây cao su bung gỗ ra mất. Khi anh em áp đến thì chúng nó gọi điện cho các đối tượng đến vây quanh anh em. Ở cấp xã thì cũng có công an giao thông nhưng nhiều lúc ảnh làm cũng ở mức độ nào đó thôi, còn cái quan trọng nhất là lực lượng kiểm lâm là những người chịu trách nhiệm”, ông Lê Viết Mai nói.
Nạn vận chuyển gỗ trái phép bằng xe gắn máy trở thành điểm nóng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Quảng Nam. Trong 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra số 420 vụ phá rừng.