Cách đây 27 năm, thời tôi còn làm việc ở báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), tôi chơi khá thân với nhà thơ Bế Kiến Quốc và họa sĩ Thành Chương. Nhóm chúng tôi được lãnh đạo báo giao làm tờ “Đặc san văn nghệ” hàng tháng. Có lẽ trong cuộc đời làm báo của tôi, đấy là những tháng ngày vô tư, thanh thản và nên thơ nhất. Giờ Bế Kiến Quốc đã ở cách chúng ta một thế giới. Tôi kể lại câu chuyện dưới đây như một sự tưởng nhớ đến người bạn thơ thân thiết đã đi xa, nhưng những bài thơ tình nổi tiếng của anh vẫn còn mãi với thời gian.
Ngày ấy, khi chuẩn bị cho mỗi số báo “Đặc san văn nghệ” hàng tháng, sau chuyến đi ngoại tỉnh lấy tư liệu viết bài, chúng tôi thường tụ tập nhiều đêm ở ngôi nhà “Dưới hộp, trên sàn”- (dưới là nhà bê tông mái bằng, trên là nhà sàn) của họa sĩ Thành Chương tận dưới Ngõ Quỳnh (Bạch Mai, Hà Nội) để cùng nhau biên tập, lên trang số báo sắp in.
Thật ra, chuyện làm báo chỉ là phụ, chúng tôi lấy cớ để đàn đúm, chuyện trò, chơi bời với nhau là chính. Trong nhóm bạn tri kỷ ngày ấy, có hai người làm thơ là Bế Kiến Quốc và tôi, họa sĩ Thành Chương và Thọ “muối” (nhà văn Nguyễn Văn Thọ) vừa ở Đức về. Những đêm chúng tôi thức bên nhau, đủ chuyện trên giời dưới bể, chuyện cuộc đời, chuyện văn chương, chuyện ái tình... rồi chúng tôi thức xem Thành Chương vẽ tranh.
Chuyện tình bạn với họa sĩ Thành Chương
Tôi nhớ khi nhà thơ Bế Kiến Quốc còn sống, ông có nói với tôi một câu thật cảm động về tình bạn trong sáng tạo: “Nhóm nhà thơ chúng mình thật may mắn khi được chơi với Thành Chương vì thi ca và hội họa đương đại đang vào thời điểm giàu sức sống sáng tạo nhất! Tôi xin xác tín một điều, Thành Chương là một thiên tài và sẽ là họa sĩ Việt Nam vĩ đại nhất ở những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Hãy tin lời tôi đi, đây không phải là một tiên tri sớm đâu nhé!”. Rồi Bế Kiến Quốc cười, nụ cười sau làn khói thuốc lá như một chút nắng ấm vừa hửng lên trên gương mặt rạng rỡ của ông.
Chỉ mấy ngày sau, vào tháng 10/1993, Bế Kiến Quốc đọc cho tôi, Thành Chương và Nguyễn Văn Thọ nghe bài thơ “Thành Chương vẽ” của ông như sau:
Như chùm ớt treo lửng lơ bờ giậu
Càng đắng cay càng tự chín trong vườn
Thành Chương vẽ
Vẽ và đang cất giấu
Từng mảnh rời tuyệt mỹ của Trần Gian
Như đầm sen tàn cuối chiều nhạt nắng
Cuống trơ vơ rầu héo tận trong bùn
Thành Chương vẽ
Vẽ và đang bay liệng
Trên cõi màu kỳ ảo của Vô Biên
Như khóm chuối chẳng lá nào lành lặn
Xác xơ anh đứng gió trước heo may
Thành Chương vẽ
Vẽ và đang cầu nguyện
Cho phục nguyên Thế Giới tả tơi này
Vâng, quả đúng như lời thơ tiên tri này, qua thời gian, bạn bè chúng tôi cứ mỗi ngày một kinh ngạc về sức sống sáng tạo không giới hạn của họa sĩ Thành Chương. Thời gian trước đây, tôi cùng nhà thơ Bế Kiến Quốc, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã có nhiều đêm thức trắng tại nhà riêng của Thành Chương để xem ông vẽ. Trước khi dựng tranh sơn mài, Thành Chương thường vẽ tranh mẫu bằng bột màu trên giấy và sơn dầu trên vải. Ông cần mẫn vẽ suốt đêm.
Lúc ấy, Bế Kiến Quốc trầm ngâm với điếu thuốc trên môi, hết điếu này tới điếu khác, mắt đăm đăm nhìn bạn vẽ. Nguyễn Văn Thọ thì thao thao chuyện “trên giời dưới bể” về các bạn văn trong và ngoài nước. Còn tôi thi thoảng bật ra mấy câu thơ ngẫu hứng về bạn bè. Đến quá nửa đêm, mắt chúng tôi đã díp cả lại mà vẫn thấy Thành Chương thao thức vẽ. Có thằng kêu đói. Thành Chương lẳng lặng buông cọ, vào trong bếp lục lọi. Một lúc sau, ông bưng ra mấy bát “mì xào kiểu Ý” thơm nghi ngút đặt lên bàn. Nhóm bạn lại quây quần xì xụp, vừa thưởng thức tài nghệ nấu nướng của Thành Chương vừa bàn về mấy bức tranh ông vừa vẽ.
Có hôm, sáng ra tỉnh dậy, không thấy bức chân dung tự họa Chương vẽ đêm hôm trước được bạn bè tán thưởng đâu nữa. Hỏi ra mới biết, Chương đã xóa bức vẽ cũ đi rồi (vì chưa thấy đẹp!) và đã vẽ đè lên một bức khác. Nhìn xuống gầm bàn, tôi thấy cả một chồng tranh bột màu xếp ngay ngắn lên nhau. Và cứ thế, Thành Chương vẽ suốt đêm này sang đêm khác...
Có thể nói, trong số bạn bè chúng tôi ngày ấy, về chuyện đào hoa tình ái thì Thành Chương là số một, là vô địch vì có rất nhiều em xinh tươi, trẻ trung say mê chàng họa sĩ tài hoa đầu trọc này. Vừa châm điếu thuốc, vừa cười nụ, Bế Kiến Quốc thân mật bảo tôi: “Nếu tao là con gái, tao cũng mê thằng Chương vì thằng này nó vừa vẽ đẹp, vừa hót hay, vừa tài giỏi lại vừa nhiều tiền, vừa biết chiều gái... Hôm trước, bọn mình vừa chứng kiến cảnh Thành Chương móc túi lấy ra 2 chiếc đồng hồ cực xịn tặng luôn 2 người đẹp vừa quen biết, làm hai em này xúc động trong suốt bữa ăn tại một khách sạn sang trọng nhất nhì Hà Nội, đúng không! Hôm sau, tao lại tận mắt thấy Thành Chương tặng hai em này mỗi em một đôi giày da cao cổ của Italia đang là mốt thời trang, làm cho hai nàng người mẫu này chỉ muốn tranh nhau về “góp gạo thổi cơm chung” với họa sĩ trọc thôi! Còn anh em mình, móc túi cả ngày không thấy đồng cắc nào thì suốt đời chỉ là những “nhà lão thành thất bại” trong tình yêu thôi, chú hiểu không?”.
Đang cắm cúi vẽ, nghe Quốc nói vậy, Thành Chương ngẩng đầu lên, giương đôi mục kỉnh đít chai tròn xoe, nhìn chòng chọc vào chúng tôi, giọng đanh đá: “Này, tao nói cho bọn làm thơ chúng mày biết nhá! Ông có vẽ đẹp đến cỡ danh họa Lê-ôn-na-đờ-vanh-xy hay Pi-cát-xô thì cũng thua mấy thằng thi sĩ chúng mày cả thôi, ông lấy đâu ra thơ tình để tán gái như chúng mày”.
Bế Kiến Quốc 10 tháng viết 116 bài thơ tặng vợ
Nhà thơ Bế Kiến Quốc và vợ. |
Hiếm có nhà thơ nào yêu vợ mình như Bế Kiến Quốc. Trong thời gian có 10 tháng trước khi làm lễ cưới (từ tháng 7/1975 - 5/1976), Bế Kiến Quốc đã viết tặng cho "nàng thơ" Đỗ Bạch Mai tổng cộng 116 bài thơ. Sau khi Bế Kiến Quốc qua đời, 116 bài thơ này đã được in trong tập thơ "Đất hứa" và có lẽ anh đã lập kỷ lục guinness về thơ tình viết cho người yêu. Không chỉ có vậy, trong 27 năm chung sống với nhau, Bế Kiến Quốc còn viết tặng vợ nhiều bài thơ nữa mà bài thơ "Nửa đêm gió chuyển" dưới đây tặng Đỗ Bạch Mai năm 1992 được nhà thơ rất tâm đắc:
Nửa đêm gió chuyển mang mang
Thời gian trở lại, không gian trở về...
Cổ kim xáo trộn bộn bề
Chợt bên Vệ Nữ - chợt kề Tây Thi
Mị Nương đến, Chiêu Quân đi
Khuất sau liễu - Dương Quý Phi ôm đàn
Kiều sắc sảo, Vân đoan trang
Võ Tắc Thiên tựa ngai vàng ngẩn ngơ...
Các em - người đẹp ngàn xưa
Chập chờn ẩn hiện tỏ mờ gần xa Na-ta-sa với La-ra
Giô-giê-phin, Ma-ry-lyn và Bác-đô...
Đã qua bao cuộc hẹn hò
Gặp bao lỡ dở, tình chưa trọn đầy
Giật mình choàng thức, chạm tay Ai?
Bờ vai ấm sát ngay bên mình
Chờ nhau mấy độ hoá sinh
Là em đã tới cùng anh cõi này.
Tôi còn nhớ, khi đọc cho tôi nghe bài thơ nói trên, Bế Kiến Quốc cười hóm hỉnh sau làn khói thuốc: "Chú thấy anh viết bài thơ lục bát này theo giọng điệu hiện đại, có độc đáo không? Trong giấc mơ, anh tập hợp tất cả các người đẹp nổi tiếng trên thế gian từ xa xưa tới hôm nay, từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu về điểm danh chỉ trong một đêm để thưởng ngoạn. Nhưng hóa ra, ngần ấy mỹ nữ "vang bóng một thời" lại hiện thân trong người đẹp là vợ mình ở ngay bên cạnh, thế thì mới biết vợ ta là chúa muôn loài!".
Tôi cũng cười: "Bác là hoàng-đế-thơ có khác, hơn hẳn các bậc vua chúa ngày xưa. Một đêm, bác gọi tới cả chục mỹ nữ, cung tần xuyên lục địa về hầu thì thế gian này không ai bằng bác. Nhưng từ Tây Thi đến Chiêu Quân rồi Ma-ry-lin... cũng không em nào bằng vợ bác là Bạch Mai "quận chúa" thì bác cũng xứng danh là đệ nhất thiên hạ "thích nịnh vợ" vì thời gian yêu nhau trước khi cưới, có ngày bác làm 6 bài thơ tặng vợ, có tháng làm tới 26 bài thì bác vô địch về khoa tán gái rồi".
Cũng chính vì tình yêu nồng cháy thể hiện qua thi ca của Bế Kiến Quốc nên nàng sinh viên đại học sư phạm Đỗ Bạch Mai đã "phải lòng thơ", rồi theo chàng về làm việc tại báo Văn nghệ đến khi nghỉ hưu. Trong những năm tháng hạnh phúc, Đỗ Bạch Mai đã sinh hạ cho Bế Kiến Quốc hai đứa con và cũng đã từng chứng kiến một số "nàng thơ" khác xuất hiện trong đời thơ tài hoa của chồng mình.
Các nàng thơ trong cuộc đời một thi sĩ
Năm ấy, nhà thơ Bế Kiến Quốc đi công tác tại các tỉnh phía Nam và gặp một "nàng thơ" trẻ trung, xinh đẹp ở vùng Đồng Tháp. Hai bên cảm mến nhau vì nàng cũng đang tập làm thơ lại được gặp một nhà thơ nổi tiếng ở Trung ương về địa phương đi thực tế sáng tác. Có lần, Bế Kiến Quốc đã mua cả một gánh hoa hồng ở chợ hoa Sa Đéc mang về tặng nàng thơ Đồng Tháp khiến nàng chứa chan cảm xúc. Nhưng hạnh phúc còn hơn thế nữa khi Bế Kiến Quốc ngày nào cũng mang những bài thơ tình mới nhất đến tặng nàng.
Có lẽ công đoạn sản xuất thơ tình này chỉ còn kém thơ tặng Đỗ Bạch Mai ngày trước chút ít, trong đó có bài thơ sau này nhạc sĩ Trần Tiến đã phổ nhạc thành bài hát "Ngẫu hứng lý qua cầu" nổi tiếng với những câu: "Bằng lòng đi em về với quê anh/ Một cù lao xanh một dòng sông xanh/ Một vườn cây xanh hoa trái đưa hương/ Thuyền ai qua sông giọng cười mênh mông/ Bằng lòng đi em anh đón qua cầu/ Mùa mưa, cầu tre dẫu khó đưa dâu/ Bằng lòng đi em dưới mái tranh nghèo/ Về đây người quê chỉ có tấm lòng/ Có chiếc xuồng ba lá để yêu nhau/ Ôi đóa hoa tím trôi liu riu/ Dòng sông nước chảy liu riu/ Anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu anh thương/ Ôi những đêm ngắm sông, nhớ em buồn muốn khóc/Mình anh ca điệu lý qua cầu...".
Có thể vì phải giấu vợ mối tình "đột xuất" này nên phần lớn thơ tình tặng nàng thơ Đồng Tháp, Bế Kiến Quốc gửi cho người bạn thân của mình là nhà thơ Trần Quốc Toàn ở TP.Hồ Chí Minh giữ hộ. Sau chuyến công tác đó, Bế Kiến Quốc trở ra Hà Nội và hai bên vẫn thư từ liên lạc với nhau.
Chợt một hôm, Đỗ Bạch Mai vô tình lục ngăn tủ của chồng mình tại báo Văn nghệ (khi đó chị còn đang công tác ở báo này), chị phát hiện ra cả một đống thư từ của nàng thơ Đồng Tháp và thơ tình của Bế Kiến Quốc. Đỗ Bạch Mai lặng lẽ đến bàn làm việc của chồng mình và đặt lên đó cả tập thư nói trên. Bế Kiến Quốc lẳng lặng lau kính, cười tủm tỉm "chịu trận" và đốt thuốc liên tục. Đêm hôm đó, Quốc xin lỗi vợ và "thành thực khai báo" mọi chuyện để Mai mở lòng tha thứ vì anh biết vợ mình là người giàu tình cảm và cũng giàu lòng vị tha. Đỗ Bạch Mai bỏ qua mọi chuyện và Bế Kiến Quốc cũng rời xa nàng thơ Đồng Tháp.
Sau cơn ghen thầm lặng dâng trào đó, Đỗ Bạch Mai quyết định làm thơ để chứng tỏ rằng chị cũng là một nhà thơ tài hoa chẳng kém gì so với nữ nhà thơ trong Đồng Tháp. Và, Mai liên tục cho ra đời những bài thơ tình nồng ấm, thiết tha như muốn vỗ về, như muốn đánh thức tình yêu của Bế Kiến Quốc với mình mà bài thơ "Năm bông hồng trắng" dưới đây là một minh chứng: "Nói chuyện nho nhỏ/Bên bông hồng đỏ/ Bên bông hồng xanh/ Trò chuyện với anh / Năm bông hồng trắng/ Này bông xa vắng/ Này bông nhớ thương/ Bông này giận hờn/ Bông này chờ đợi... / Còn một bông cuối?/ Còn một bông cuối/ Anh không dám nói/ Còn bông cuối cùng/ Em không dám hỏi/ Còn một bông cuối/ Dịu dàng tỏa hương...".
Cái bông hồng cuối cùng trong bài thơ này chính là bông hoa tình yêu vừa đi qua những rạn vỡ ban đầu trong đời sống vợ chồng của hai nhà thơ. Đến năm 40 tuổi, Đỗ Bạch Mai mới làm thơ với sự chín chắn trong cảm xúc và sâu lắng trong tư duy ngôn từ và trong bài "Lý do của một bài thơ" chị đã viết: "Những thăng giáng của đời, âm nhạc không nói hết/Những cay đắng của đời, thơ ca không thốt lên/ Và bóng tối, những bức tranh không thể hiện/ Người nghệ sĩ chỉ hướng về cái đẹp" và "Người đàn bà diệu kỳ bằng trái tim minh triết/ Đã tạo ra tình yêu, lẽ phải, niềm vui/ Chị đã yêu từ một nghìn đêm trước? Hay chỉ yêu từ đêm nghìn lẻ hai".
Nhà thơ Đỗ Bạch Mai bên cạnh bức tranh nhà thơ Bế Kiến Quốc do họa sĩ Thành Chương vẽ. |
Với Đỗ Bạch Mai, đúng là tình yêu từ đêm nghìn lẻ hai với Bế Kiến Quốc đã đưa chị đến với thơ để hàn gắn những vết thương lòng. Cái người phụ nữ ấy trước đó đã từng thổn thức: "Tìm thơ như thể mò kim/ Thơ tìm chẳng được, em tìm thấy anh" và trong giây phút dỗi giận, hờn ghen chị đã trách thầm người mình yêu: "Anh buồn, em có vui đâu/ Ngọn cao chớm rét, rễ sâu lạnh rồi/ Mà sao những lúc anh vui/ Phấn thì gửi gió, hương thời gửi mây". Đọc thơ Đỗ Bạch Mai, tôi chợt thấy khi người phụ nữ đi tìm cái mơ mộng trong thi ca thì trái tim khôn ngoan lại mách bảo, dẫn họ đến với tình yêu đích thực để rồi "Người đàn bà dắt dẫn người đàn ông" đi xa dần sự lầm lạc trên thế gian.
Sau này, cả Bế Kiến Quốc và Đỗ Bạch Mai đều cho tôi biết, chính cơn ghen ấy là "cú hích" quyết định đưa Đỗ Bạch Mai đến với thi ca và tập thơ "Một lời yêu" của chị được nhà xuất bản Văn học in năm 1992 và tập thơ "Năm bông hồng trắng" NXB Hội Nhà văn in năm 1996 đã đưa Đỗ Bạch Mai trở thành hội viên Hội Nhà văn vào năm 1997.
Cũng xin được "bật mí", nàng thơ Đồng Tháp khá tài hoa từng gặp Bế Kiến Quốc năm xưa, năm 1998 cũng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều giải thưởng thơ danh giá. Điều đặc biệt, mối quan hệ giữa hai nữ nhà thơ này cũng rất đồng cảm và thân thiện. Sau khi Bế Kiến Quốc qua đời năm 2002, họ đã từng gặp nhau và nữ nhà thơ Đồng Tháp cho biết, sẽ chuyển những bài thơ Bế Kiến Quốc viết tặng chị cho Đỗ Bạch Mai lưu giữ như một giá trị của tinh thần sáng tạo mà Bế Kiến Quốc đã để lại cho cuộc đời.
Nguyễn Việt Chiến
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Tháng số Tết