Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhà thầu yếu kém, Bộ GTVT có “bỏ ngỏ” trách nhiệm chủ đầu tư?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - “Giọt nước tràn ly” cảnh báo tình trạng xuống cấp trầm trọng ở các dự án giao thông vận tải (GTVT) khi bộ chủ quản lĩnh vực này chính thức loại thêm ba nhà thầu khỏi tất cả các “cuộc chơi”.

(ĐSPL) - “Giọt nước tràn ly” cảnh báo tình trạng xuống cấp trầm trọng ở các dự án giao thông vận tải (GTVT) khi bộ chủ quản lĩnh vực này chính thức loại thêm ba nhà thầu khỏi tất cả các “cuộc chơi”. Đây được coi là tín hiệu vui cho những cung đường vốn bấy lâu “ngập” trong rắc rối. Tuy nhiên, vẫn còn đó băn khoăn về trách nhiệm của chủ đầu tư mang trọng trách “chấm” các nhà thầu vi phạm này...

“Chém” cá nhỏ... liệu có bỏ cá lớn!?

Nguồn tin được phát đi từ Bộ GTVT cho thấy, Bộ này vừa có quyết định cấm tham gia đấu thầu, không xem xét chỉ định thầu các dự án trong ngành giao thông đối với ba nhà thầu tại các công trình giao thông đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ.

Đó là Công ty cổ phần bê tông 620 Châu Thới (trước kia là Công ty cổ phần bê tông 620 Bình Minh) tham gia đấu thầu các dự án trong ngành giao thông vận tải trong vòng hai năm do vi phạm quá trình đấu thầu, không thực hiện hợp đồng theo quy định.

Đồng thời không xem xét chỉ định thầu cho Công ty Thành An 119, Công ty cổ phần Xây dựng Vinashin do yếu kém về năng lực, thi công không đảm bảo tiến độ.

Quyết định trên được đưa ra dựa trên kết luận thanh tra của Bộ trưởng Bộ GTVT đối với các dự án mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui, mở rộng quốc lộ 91 đoạn ngã tư bến xe - Trà Nóc, đường Thới Thuận - Thạnh Lộc, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ đoạn qua Cần Thơ.

Còn nhớ hồi cuối tháng 7/2014, Bộ GTVT cũng đã có quyết định cấm tham gia đấu thầu về tư vấn giám sát các dự án trong ngành GTVT đối với hai nhà thầu do vi phạm trong công tác giám sát chất lượng, chậm tiến độ.

Hai đơn vị bị cấm được xác định là Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng công trình 747 và chi nhánh của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 10. Thời gian cấm là 18 tháng. Lý do, hai doanh nghiệp này vi phạm trong công tác giám sát chất lượng, tiến độ của dự án và thực hiện hợp đồng trong dự án đường nối thị xã Vị Thanh – TP. Cần Thơ (đoạn qua tỉnh Hậu Giang).

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng mới có công văn “điểm mặt” hàng loạt các doanh nghiệp và yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ lưu ý thận trọng xem xét đánh giá năng lực khi tham gia chỉ định thầu và đấu thầu các dự án trong ngành đối với các nhà thầu này.

Trong đó rất đáng phải điểm tên như: Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Hậu Giang, Công ty cổ phần Traco Hậu Giang, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Alphanam (nhà thầu xây lắp), Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Cần Thơ (tư vấn giám sát), Công ty TNHH Giao thông vận tải (đơn vị thẩm tra), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng & kiểm định 584, Công ty cổ phần Nam Cường, Công ty cổ phần Kỹ thuật Mê Công, Công ty cổ phần Tư vấn & Kiểm định xây dựng Cotesco,...

Tuy nhiên, một nguồn tin riêng mà PV báo Đời sống và Pháp luật có được, vẫn còn những “ông lớn” chưa bị Bộ GTVT “sờ” tới, mặc dù cũng có không ít vi phạm. Điển hình là tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là nhà thầu liên tiếp để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng tại cao tốc TP.HCM - Long Thành và cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Thế nhưng, lạ là đơn vị chưa hề bị điểm tên trong “danh sách đen” của Bộ này (???).

Bộ GTVT cấm cửa những nhà thầu không thực hiện hợp đồng theo quy định. Ảnh minh họa.

Chủ đầu tư đi đâu?

Khi được PV báo Đời sống và Pháp luật đặt câu hỏi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho rằng, trong quy trình thực hiện một dự án đầu tư xây dựng công trình thì lựa chọn nhà thầu là một khâu để tìm ra được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thi công với giá trúng thầu cạnh tranh nhất.

Tuy nhiên, để có được một công trình chất lượng, đảm bảo tiến độ với chi phí thấp nhất thì việc quản lý nhà thầu thi công sau đấu thầu lại là nhân tố quyết định. Từ khâu lựa chọn đến việc giám sát nhà thầu, vai trò của chủ đầu tư là rất quan trọng, nên khi xem xét trách nhiệm cần tính đến cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư.

Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), một trong những nguyên nhân khiến dự án gặp khó khăn là do những yếu kém trong việc dùng nhà thầu phụ.

Đúng ra nhà thầu chính hoặc tổng thầu phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và sai sót của mình. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện.

Trong trường hợp, nhà thầu phụ không đảm bảo năng lực, không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng dự án, chủ đầu tư cần yêu cầu nhà thầu chính thay thế các nhà thầu phụ đó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong nhiều dự án chủ đầu tư đã không làm hết trách nhiệm của mình.

Quay trở lại việc Bộ GTVT “cấm cửa” ba nhà thầu, một chuyên gia gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực GTVT (giấu tên) cho rằng: Vì sao có chuyện nhà thầu yếu, kém, trước hết phải nói đến vai trò của chủ đầu tư. Nếu như ngay từ khâu lựa chọn ban đầu, chủ đầu tư chọn được nhà thầu uy tín, có trách nhiệm thì đương nhiên không để xảy ra những hệ lụy như bây giờ. Chốt lại, “cấm cửa” các nhà thầu cũng nên bàn đến việc xử lý chủ đầu tư, như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh và khách quan. 

Nói về việc này, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng cục Quản lý đấu thầu (bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: Chủ đầu tư sẽ không thể đổ lỗi cho luật, khi lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực thực hiện gói thầu sau khi Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

Theo ông Tăng, đó là những thay đổi lớn trong các quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu, nhất là việc bổ sung phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp hơn với từng loại hình và quy mô của gói thầu.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng.

Trao đổi với PV, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Nhà thầu và chủ đầu tư quan hệ với nhau qua hợp đồng xây dựng. Do vậy, các quy định về trách nhiệm phải được ghi rõ trong hợp đồng xây dựng. Rất tiếc, nhiều hợp đồng xây dựng của chúng ta không đủ độ tỉ mỉ như thế. Cho nên, nếu sự cố xảy ra, rất khó xem xét trách nhiệm.

Theo ông Liêm: “Đầu tiên phải kiểm điểm việc thực hiện hợp đồng, nếu nhà thầu không đủ năng lực, gây thiệt hại thì  không phải là “cấm cửa” mà phải là bồi thường. “Cấm cửa” là nghiêm khắc nhưng cũng phải đến chừng mực nào đó mới làm việc ấy. Bên A (tức chủ đầu tư) sai thì có ai “cấm cửa” bên A đâu, nhưng bên B (tức nhà thầu sai) mà lập tức “cấm cửa” nhà thầu thì xem chừng chưa công bằng”.

Ông Liêm cho rằng, để lọt cửa những nhà thầu không đủ năng lực thì lỗi là của chủ đầu tư trước tiên. Hiện nay, nếu là dự án đầu tư công thì ở trên còn có cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản là người thẩm định mọi thứ, phê duyệt kết quả đấu thầu. Cơ quan đó có quyền phê duyệt nhưng tại sao lại không có trách nhiệm gì khi hậu quả không tốt.

Do đó, phải nói rõ, ai là người quản lý dự án đó và ai là cấp trên chủ quản chứ đừng nói chung chung là bên A nào cả. Để sau này nếu cần truy trách nhiệm thì sẽ truy đến cùng. Kinh nghiệm đấu tranh của quốc tế cho thấy, từ những thiếu sót như thế này mới có thể lần ra những dấu hiệu của tham nhũng.                      

Công bố... “danh sách đen”

Mới đây, Bộ GTVT đã công bố kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp tham gia các dự án xây dựng giao thông sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước do Bộ trưởng bộ GTVT quyết định đầu tư năm 2013.

Trong số 475 nhà thầu được Bộ này đánh giá, xếp hạng có 383 nhà thầu xây lắp đáp ứng yêu cầu; 35 nhà thầu xếp hạng trung bình và 57 nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả đánh giá này là một trong các thông tin để các chủ đầu tư, ban QLDA tham khảo, xem xét trong quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông sử dụng nguồn vốn Nhà nước do Bộ GTVT quyết định đầu tư.

Cần quy rõ trách nhiệm

“Nhà thầu có khi là một doanh nghiệp độc lập nhưng cũng có khi là doanh nghiệp con trong một tổng công ty. Lúc dựng thầu, họ đưa sức mạnh của tổng công ty ra để tranh thầu. Tuy nhiên, đến khi giao cho đơn vị làm lại là một công ty nhỏ, không đủ năng lực, không đáp ứng nổi. Vì vậy, trong hợp đồng phải ghi rõ nếu là trường hợp công ty con thì công ty đó phải được công ty mẹ ký bảo lãnh. Nếu không thực hiện đúng hợp đồng thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm thay”.

Tin nổi bật