Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 27: EVN tính sao khi các nhà thầu Trung Quốc... tháo chạy?!

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Vấn đề đặt ra khi các nhà thầu Trung Quốc quyết định thoái lui bỏ lại sau lưng hàng loạt dự án nhiệt điện dở dang?

 

(ĐSPL) - Vấn đề đặt ra khi các nhà thầu Trung Quốc quyết định thoái lui bỏ lại sau lưng hàng loạt dự án nhiệt điện dở dang?

Trong khi các chuyên gia bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đến những hậu họa không thể lường hết, thì các đơn vị đang đóng vai trò quản lý lĩnh vực này, trong đó có Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lại "lạc quan" đến khó hiểu...

Phụ thuộc... nặng nề

Theo dữ liệu mới nhất của EVN, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị này có 10 dự án do nhà thầu Trung Quốc ký hợp đồng EPC thực hiện, bao gồm: 8 dự án nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất 6.702MW (trong đó có 5 nhà máy đã phát điện với tổng công suất 2.970 và 3 nhà máy đang thi công với tổng công suất 3.732 MW). Ngoài ra, EVN còn 6 dự án thủy điện cũng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đầu tư xây dựng thi công và lắp đặt thiết bị.

Điển hình là các dự án: Dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Duyên Hải 1 (DEC làm tổng thầu); Duyên Hải 3 có công suất mỗi nhà máy là 2x622MW (Cheng da làm tổng thầu); Dự án NMNĐ Vĩnh Tân 2 (SEC làm tổng thầu); NMNĐ Uông Bí mở rộng 2 (nhà thầu Cheng da làm tổng thầu EPC); NMNĐ Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2 (SEC làm tổng thầu); NMNĐ Hải Phòng 1, Hải Phòng 2...

Từ một nguồn dữ liệu khác mà PV báo Đời sống và Pháp luật thu thập được, EVN đang vay vốn Trung Quốc để thực hiện 10 gói thầu EPC với tổng giá trị các hợp đồng gần 5 tỉ USD. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mức độ giải ngân của khoản tiền này mới đạt khoảng 50\%. Trong đó bao gồm cả NMNĐ đã đi vào phát điện (như Hải Phòng 1, Hải Phòng 2; Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2; Uông Bí mở rộng 2) và các NMNĐ đang thi công (như Vĩnh Tân 2; Duyên Hải 1, Duyên Hải 3...) đều chưa được giải ngân hết.

Cũng chung số phận, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng có đến 7 dự án hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc. "Ngấm đòn" với những dự án hợp tác với nhà thầu Trung Quốc TKV phải thẳng thắn thừa nhận: Đa số các nhà máy nhiệt điện do TKV có nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu EPC hoặc cung cấp hàng hóa nên có sự phụ thuộc nhất định với các nhà thầu Trung Quốc trong các dự án nhiệt điện của TKV. Đặc biệt là các dự án do phía Trung Quốc thu xếp vốn và cung cấp thiết bị. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng không ngoại lệ khi có dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.

Không thể lường hết được những trở ngại khi nhà thầu Trung Quốc không tiếp tục thực hiện dự án.

Tiền đâu để... bù?

Theo thông tin PV báo Đời sống và Pháp luật có trong tay, khoản tiền giải ngân từ phía Trung Quốc đối với các dự án nhiệt điện tại Việt Nam đang là nỗi thách thức các chủ đầu tư các NMNĐ hiện nay. Chỉ tính riêng EVN cũng cho thấy nhiều tỉ USD sẽ có nguy cơ mất trắng nếu như nhà thầu Trung Quốc không tiếp tục thực hiện dự án. Đơn cử như NMNĐ Duyên Hải 1 có giá trị hợp đồng 1,2 tỉ USD (trong đó vốn vay thương mại ngân hàng Trung Quốc là 85\% và vốn đối ứng của EVN là 15\%), nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 50\% tổng giá trị hợp đồng EPC. Trong khi đó, theo kế hoạch của EVN, NMNĐ Duyên Hải 1 nhận điện thí nghiệm tổ máy 1 và 2 vào tháng 6/2014.

Cách đó không xa, NMNĐ Duyên Hải 3 có giá trị hợp đồng hơn 1,1 tỉ USD (vốn vay thương mại ngân hàng Trung Quốc 85\% và vốn đối ứng của EVN là 15\%) cũng chỉ mới giải ngân được 4,5\% nguồn vốn đối ứng và chưa giải ngân phần vốn vay Trung Quốc. NMNĐ Vĩnh Tân 2 thì mới chỉ giải ngân vốn cho dự án đạt gần 70\% tổng giá trị hợp đồng EPC gần 1,4 tỉ USD (với 15\% vốn đối ứng của EVN đã hoàn thành).

Đối với các dự án NMNĐ đã đi vào hoạt động, tình trạng giải ngân vốn và đặc biệt là cung cấp vật tư thiết bị cũng đáng lo ngại. Dự án Uông Bí mở rộng 2 có công suất 330MW với tổng mức đầu tư 178 triệu USD, đã đi vào hoạt động từ năm 2013, tuy nhiên, theo thông tin mà bản báo có được hiện 10\% giá trị hợp đồng EPC và 16\% giá trị hợp đồng phần tiền Việt Nam chưa được giải ngân. Nhà máy Quảng Ninh 1 dù đã vận hành với điện lưới quốc gia nhưng đến 20\% thiết bị vật tư vẫn chưa được nhà thầu đáp ứng. NMNĐ Hải Phòng 2, đến thời điểm cuối tháng 5/2014, nhà thầu cũng mới chỉ cấp được 64\% thiết bị vật tư.

Lời giải... lửng lơ

Thực tế, chính EVN khi đặt ra giả thuyết Trung Quốc rút nhà thầu và ngừng cung cấp tín dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình, theo đánh giá của đơn vị này, chỉ tính riêng NMNĐ Vĩnh Tân 2, do thiết bị đang trong giai đoạn chạy thử chưa bàn giao cho EVN, nếu nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phát điện để cấp điện cho miền Nam trong các tháng tiếp theo của năm 2014 và mùa khô năm 2015; NMNĐ Duyên Hải 1 sẽ chậm tiến độ phát điện thương mại ít nhất 1 năm (từ 2015 sang 2016); NMNĐ Duyên Hải 3 có thể phải đấu thầu EPC lại, nhưng sẽ chậm tiến độ phát điện thương mại từ 1,5 đến 2 năm.

Cũng theo tính toán của EVN, nếu bị ngừng cấp tín dụng từ phía Trung Quốc, EVN phải tìm nguồn vốn thay thế để thực hiện tiếp các gói thầu EPC có tổng mức giá trị 2 tỉ 456 triệu USD. Thế nhưng điều đáng lo lắng là đến thời điểm này, EVN cho hay, tập đoàn này mới đang nghiên cứu phương án huy động vốn (???) và cũng đang nghiên cứu, xem xét chuẩn bị phương án lựa chọn các nhà thầu khác để tiếp tục hoàn thành khối lượng phần việc còn lại (thẩm định, phê duyệt, chuẩn bị HSMT,...) trong trường hợp các nhà thầu Trung Quốc không tiếp tục thực hiện dự án.

Các chuyên gia kinh tế và đặc biệt là những chuyên gia có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nhiệt điện đều bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với giải pháp quá đơn giản của EVN. Theo ý kiến của các chuyên gia này, việc tìm nguồn vốn thay thế cho một dự án dang dở đã khó, trong khi đó là khoản tiền quá lớn thì càng không thể. "Chỉ có thể tiếp cận nguồn vốn từ nước ngoài, nhưng khó tiếp cận khi dự án do nhà thầu Trung Quốc dang dở để lại sẽ không có một nước nào muốn thay thế, trừ khi nó được gọi là sự giúp đỡ", một chuyên gia nhận định với điều kiện giấu tên. Có ý kiến khác đặt hồ nghi có thể sử dụng các thiết bị khác, kể cả các nước tiên tiến để phù hợp với các thiết bị do nhà thầu Trung Quốc thi công dang dở để lại. Nếu thế, chỉ còn cách duy nhất là phá đi làm lại từ đầu với mức độ thiệt hại là vô kể.

Đến đây, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: Liệu EVN đã lường thấy những hậu họa khôn lường khi liên tục cho các nhà thầu Trung Quốc "chiếm sân" trong lĩnh vực nhiệt điện, hay còn chờ nước đến chân mới nhảy?

"Cần có cơ chế, chính sách cho phép chủ đầu tư thuận lợi trong việc lựa chọn thiết bị có chất lượng cao, nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước G7, giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Dần thay thế các thiết bị từ Trung Quốc, tạo điều kiện ưu đãi để nâng cao năng lực của các nhà thầu, nhà chế tạo trong nước và đội ngũ vận hành làm chủ công nghệ về sản xuất chế tạo các thiết bị trong dây chuyền nhà máy điện, dần thoát ly hẳn sự phụ thuộc vào phía các nhà thầu Trung Quốc".

(Kiến nghị của TKV)

Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2414/QĐ-TTg (Về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 - 2020) ban hành danh mục một số dự án điện cấp bách và cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện. Sau cuộc họp ban Chỉ đạo quy hoạch điện cuối tháng 4/2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương cập nhật thông tin, tính toán cân bằng công suất  điện năng đến năm 2020. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của PV báo Đời sống và Pháp luật, hiện Bộ Công Thương vẫn chưa đưa ra được thông tin theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

(Còn nữa)

Tin nổi bật